Trong ngày 6/11, mặc dù cả CNN lẫn New York Times đều đã hạ tổng số phiếu đại cử tri của ông Joe Biden xuống 253 phiếu, khi xảy ra một lỗi kiểm soát phiếu tại bang Arizona; thì con đường tới Nhà Trắng của ứng viên đảng Dân chủ cũng đã rất gần. Vì rằng, để có được 270 phiếu đại cử tri với ông Biden đã không còn là chuyện quá khó.
Trong khi đó, ông Donald Trump liên tục đưa ra những bình luận về một cuộc bầu cử “bị đánh cắp” và đội ngũ luật sư hùng hậu của đương kim Tổng thống cũng đã sẵn sàng cho cuộc chiến pháp lý được coi là sẽ hết sức gian nan.
Nghi ngờ gian lận phiếu trong quá trình bầu cử do ông Trump đưa ra đã “làm nóng” những người ủng hộ. Ngày 5/11, phóng viên Patrick LaForge của New York Times đã phát hiện ra 1 lỗi trong dữ liệu của Edison Research: Ở bang Arizona mới chỉ số 86% số phiếu được kiểm thay vì 98% như các hãng thông tấn đã đồng loạt đưa tin trước đó. Ngay lập tức, số phiếu được kiểm lại, trong khi với kết quả trước đó Biden dẫn trước ông Trump ở Arizona với tỷ lệ 51% - 47.6%, với hơn 2,7 triệu phiếu đã được kiểm. Việc kiểm lại phiếu giúp đội ngũ ông Trump dấy lên hy vọng có thể lật ngược ván cờ tại bang Arizona và mở rộng ra cánh cửa thắng cử của đương kim Tổng thống.
Nhưng trang Fox News vẫn giữ nguyên số phiếu đại cử tri đối với ông Joe Biden như đã công bố trước đó (264 phiếu so với 214 phiếu cho ông Donald Trump).
Trước những diễn biến căng thẳng, ông Doug Ducey -Thống đốc bang Arizona đã phải chính thức tuyên bố trên truyền hình: “Còn quá sớm để biết ai là người thắng cuộc”. Lập tức Steve Cortes - Cố vấn Cấp cao trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, viết lên Twitter rằng vẫn “tự tin về một chiến thắng ở Arizona của Tổng thống Trump”.
Trong khi đó, AP, NBC News và một số hãng tin khác tuyên bố ông Biden thắng cuộc ở đây và rằng, dù kết quả chung cuộc thế nào, chiến thắng của ông Biden tại Arizona, nơi nắm giữ 11 phiếu đại cử tri, sẽ là một trong những bất ngờ lớn nhất của bầu cử năm nay.
Nhưng đó không phải là những gì “khủng khiếp” nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 diễn ra trong tuần qua, cho dù tất cả các hòm phiếu đã được đóng lại kể từ khi ngày 3/11 chấm hết.
1. Nhận xét của Fox News, ông Trump hình như đã “ngỡ ngàng” trước những gì đang diễn ra, có nghĩa là ngay cả tại những tiểu bang đã từng giúp ông hạ gục đối thủ Hillary Clinton ở trận đấu trước (năm 2016) thì nay cũng lại ngả theo ông Biden. Ở những bang chiến địa (cụ thể là 5 bang, nơi có nhiều cử tri do dự nhất), thì những tưởng ông Trump nắm lợi thế nhưng rồi mọi sự vẫn không thể nói trước.
Trước khi vào “cuộc chiến cuối cùng”, giới quan sát thấy rằng ông Trump đã có dấu hiệu lo lắng - điều mà trước đó chỉ chừng 1 tháng thôi không hề thấy ở vị Tổng thống “độc dáo nhất nước Mỹ”. Người ta thấy rằng việc thúc đẩy bổ nhiệm Chánh án Tòa tối cao liên bang cho bà Amy Coney Barret, chứng tỏ ông Trump đã tính trước rằng rất có thể mình sẽ tìm chiến thắng nhờ vào phán quyết của Tòa án, giống như ông G.Buhs trước đối thủ Angor 20 năm trước. Việc bà Barret chính thức trở thành Thẩm phán Tòa liên bang khiến ông Trump có thể “trông cậy” vào 6 trong 9 Thẩm phán ở Tòa Tối cao khi ông “có việc nhờ đến” - nói như Fox News.
“Tôi sẽ không bao giờ ngừng đấu tranh” - đó là câu nói của ông Trump trước sự lấn lướt của đối thủ. “Đấu tranh” ở đây là cuộc chiến pháp lý cả trong khi bầu cử lẫn khi đã có kết quả - mà kết quả đó lại là chiến thắng của ông Biden.
Ông Trump đã liên tục hối thúc đội ngũ luật sư phải làm việc, đề nghị tòa án nhiều tiểu bang ra lệnh ngừng kiểm phiếu, kiểm phiếu lại; vì ông Trump vốn đã không tin tưởng vào những lá phiếu bầu gửi qua bưu điện. Tuy nhiên, đó là cuộc chiến pháp lý thứ nhất, cũng chỉ là bước “chạy đà” cho cuộc chiến pháp lý thứ hai, đó là “đưa nhau ra Tòa liên bang” nếu như ông Trump không công nhận ông Biden chiến thắng.
Trong một thông cáo cuối ngày 6/11, ông Trump viết: “Chúng tôi tin rằng dân Mỹ xứng đáng với hoạt động kiểm phiếu và chứng nhận bầu cử minh bạch. Đây không còn là vấn đề với cuộc bầu cử đơn lẻ, mà là về tính toàn vẹn của toàn bộ quy trình bầu cử của chúng ta. Chúng tôi sẽ theo đuổi quy trình thông qua mọi khía cạnh của luật pháp để đảm bảo người Mỹ tin tưởng vào Chính phủ. Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ đấu tranh cho các bạn và đất nước của chúng ta”.
2. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 được cho là “độc nhất vô nhị” vì nó diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 toàn cầu, trong đó nước Mỹ luôn dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm SARS-CoV-2 suốt nhiều tháng qua. Covid-19 đã gần như “xóa sổ” những thành tích kinh tế mà ông Trump đạt được trong hơn 3 năm qua. Đây cũng là cuộc đấu tay đôi giữa một vị đương kim Tổng thống “đặc biệt” - người mà trước khi trở thành Tổng thống nước Mỹ chưa từng nắm giữ một chức vụ nào trong chính quyền; với một chính trị gia vô cùng lão luyện chính trường khi mà đã 2 nhiệm kỳ liên tục làm Phó Tổng thống, dưới thời ông Barak Obama.
Giới quan sát chính trường Mỹ cho rằng, cuộc chiến Trump - Biden căng thẳng, kéo dài và chưa có hồi kết nhưng có thể thấy 2 bước ngoặt quan trọng nhất.
Một là bà Amy Coney Barret trở thành Thẩm phán Tòa tối cao liên bang trong một trò chơi quyền lực quyết liệt, nằm trong “kế hoạch hậu chiến” của ông Trump và đảng Cộng hòa. Và hai là cuộc chiến không thể lường trước tại các bang chiến địa quyết định số phiếu đại cử tri.
Ở “bước ngoặt” thứ nhất, khi đề cử bà Barret vào ghế Chánh án Tòa tối cao liên bang, ông Trump đã mô tả vị nữ thẩm phán này là “một phụ nữ rất tài năng, rất xuất chúng”. Theo truyền thông Mỹ, thì đây chính là lúc việc “cài người” của ông Trump được kích hoạt, khi phản đối kết quả bầu cử lên Tòa tối cao liên bang. Còn ở “bước ngoặt” thứ hai, tại các bang chiến địa, ông Trump đã bị đối thủ dồn ép, điều mà trước đó không nhiều người nghĩ tới.
3. Quá trình kiểm phiếu kéo dài ở các bang chiến địa quan trọng như Pennsylvania, Michigan, North Carolina, Nevada và Wisconsin khiến kết quả bầu cử cuối cùng sẽ không được khẳng định sớm. Kể cả khi các tiểu bang này công bố kết quả kiểm phiếu thì rất có thể cũng lại phải kiểm lại nếu như đội ngũ luật sư trong bộ tham mưu chiến dịch tranh cử của ông Trump làm việc hiệu quả. Thêm nữa, số phiếu bầu qua bưu điện là rất lớn, nó sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng làm thay đổi cục diện.
Đặc biệt tại Pennsylvania, tiểu bang với 20 phiếu đại cử tri, khoảng 2 triệu phiếu bầu qua bưu điện sẽ chỉ được kiểm bắt đầu từ ngày 4/11. Cho tới ngày 7/11, số phiếu phổ thông cho thấy đang ngả dần về phía ông Biden, trong khi trước đó 48 giờ ông Trump dẫn trước đối thủ gần 700.000 phiếu. Như vậy, trường hợp thời gian đếm phiếu bầu qua bưu điện kéo dài, danh tính người chiến thắng sẽ không thể được công bố trong nhiều ngày, cho tới khi toàn bộ số phiếu bỏ hợp lệ đã được kiểm.
Tới thời điểm cuối ngày 7/11, với những gì đã kiểm đếm, người ta cho rằng ông Biden chỉ còn cách cánh cửa Nhà Trắng “vài bước chân”. Và giờ thì ông Biden chỉ còn ngồi đợi đến lúc có phán quyết cuối cùng của Quốc hội. Tuy nhiên, nói như bình luận của tờ The Guardian thì bất chấp kết quả bầu cử Mỹ 2020 thế nào thì “chủ nghĩa Trump vẫn thắng”.
Phải chăng, The Guardian đã ngầm cho thấy ông Trump đã thua trong cuộc đấu tay đôi đầy khốc liệt này, và những nỗ lực to lớn của đương kim Tổng thống gần 4 năm qua đã không cho ông làm chủ Nhà Trắng 4 năm nữa.
Nhận xét của The Guardian cho rằng, sau 4 năm nước Mỹ bị xáo trộn bởi các quyết định táo bạo của Tổng thống Trump, thêm vào đó là đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 230.000 người, là những rào cản ngăn đường đối với ông Trump trong cuộc bầu cử. Tuy nhiên, ông Trump vẫn kiên cường và chiến thắng ở nhiều bang cực kỳ quan trọng “tiêu biểu cho nước Mỹ”. Ông Trump thậm chí còn nhận được sự ủng hộ từ nhiều cử tri thuộc tầng lớp lao động hơn lần trước. Các cuộc vận động tranh cử đầy cá tính của ông Trump vẫn nhiệt tình và sôi nổi hơn bao giờ hết.
Eddie Glaude - Giáo sư tại Đại học Princeton, tác giả cuốn “Democracy in Black” đã viết trên Twitter rằng “cái gọi là sự phẫn nộ về đạo đức xung quanh nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump đã không tạo ra bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào trong sự ủng hộ của đảng Cộng hòa với ông ấy. Trên thực tế, ông Trump đã mở rộng tầm ảnh hưởng của mình với các cử tri da trắng. Thậm chí, ông Trump còn tiếp tục thăng hoa trong một số vấn đề khác”.
Vẫn theo Giáo sư Eddie Glaude, trong thời điểm hiện tại, nếu ông Trump thắng cử, chủ nghĩa Trump sẽ thắng và nếu ông Trump bị thua, chủ nghĩa Trump vẫn thắng. Câu nói của ông Trump “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” với nỗi nhớ mong về một thời hào quang sẽ càng thúc đẩy người Mỹ theo “chủ nghĩa Trump”; nhưng nó đã gặp phải lực cản quá lớn là đại dịch Covid-19 khiến người dân Mỹ nao núng còn các đối thủ của ông Trump lại không bỏ lỡ cơ hội để khoét sâu.
Những người hâm mộ ông Trump cho rằng, thất bại lần này (nếu có) sẽ là một hồi chuông cảnh báo để đảng Cộng hòa phải thay đổi. Tuy nhiên, “chủ nghĩa Trump” đã ngấm kĩ vào hệ thống. Và người ta cho rằng, nếu ông Trump thất bại lần này thì biết đâu đấy trong lần tranh cử tiếp theo vào năm 2024, sẽ có một đại diện đảng Cộng hòa là một người theo “chủ nghĩa Trump” hoặc có thể vẫn chính là ông Trump.
Nhưng đó là chuyện xa vời. Còn trước mắt vẫn là cuộc bầu cử “lạ lùng” chưa có hồi kết.