Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 có vai trò quan trọng đối với sự phát triển tổng thể của đất nước. Để văn hóa phát triển hơn nữa trong xã hội hiện nay thì văn nghệ sĩ cần phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của bản thân; cùng với đó là những chính sách đầu tư thúc đẩy. Đó là khẳng định của PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khi trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết.
PV:Thưa ông, Đề cương về Văn hóa Việt Nam có vai trò như nào trong phát triển văn hóa nước ta. Từ Đề cương văn hóa năm 1943 cho đến các nghị quyết tiếp theo đã có những sự tiếp nối thế nào trong sự phát triển văn hóa Việt Nam?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Đề cương văn hóa được ban hành năm 1943 với 3 nguyên tắc là: Dân tộc hóa - Đại chúng hóa - Khoa học hóa đã tạo ra sự thay đổi lớn về cả tư tưởng, học thuật và cả nghệ thuật. Trên các định hướng lớn giúp chúng ta có được nhận thức quan trọng, một tinh thần yêu nước, sức mạnh đoàn kết và trên cơ sở các yếu tố đó giúp cho chúng ta có được vũ khí tinh thần để vượt qua mọi khó khăn.
Rõ ràng, tinh thần của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 với 3 nguyên tắc đã hình thành một nền văn hóa mới. Từ đó giúp cho chúng ta có một nền văn hóa cách mạng mà những thành tựu đến ngày hôm nay với các ca khúc, bộ phim… vẫn còn trường tồn với đất nước. Đến nay chúng ta đã bổ sung những nội hàm mới cho 3 nguyên tắc này. Các nội hàm mới với từng nguyên tắc. Nguyên tắc dân tộc hóa, trong bối cảnh lịch sử cụ thể, chúng ta đã có những nội hàm cụ thể để những nội hàm đó phát huy hơn nữa tinh thần dân tộc của đất nước. Với giai đoạn chiến tranh thì chủ nghĩa yêu nước là vô cùng quan trọng. Chủ nghĩa yêu nước được thể hiện ở việc chúng ta quyết tâm giành độc lập tự do. Đến ngày hôm nay tinh thần yêu nước đó thể hiện rất nhiều ở những hình thức đa dạng khác nhau. Đó là quyết tâm xây dựng thương hiệu cho quốc gia, quyết tâm tỏa sáng những giá trị của đất nước bằng những bài hát, những nỗ lực trong phát triển kinh tế…
Chúng ta cũng bổ sung những nội dung mới như dân chủ, sáng tạo, hạnh phúc… giúp cho Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 thêm sức sống, trường tồn và thích nghi hơn với cuộc sống xã hội mới. Từ đó biến văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của dân tộc.
Có ý kiến cho rằng, thời gian qua thiếu vắng tác phẩm lớn, mặc dù có sự đầu tư cho văn hóa nhưng vẫn chưa xứng đáng, ông nhìn nhận như nào về vấn đề này?
- Đối với văn hóa nghệ thuật thì văn nghệ sĩ chính là những người sáng tạo ra những giá trị quan trọng để từ đó hình thành nên nhận thức, truyền cảm hứng đối với các giá trị chân - thiện - mỹ mà văn học nghệ thuật đã đem lại.
Bác Hồ đã từng nói “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Vì thế chúng ta phải chăm lo cho đời sống văn nghệ sĩ. Tuy nhiên ở mỗi thời kỳ khác nhau thì mỗi mong muốn của chúng ta có những khác biệt nhất định. Ở giai đoạn chiến tranh, chúng ta mong muốn văn nghệ sĩ truyền đi cảm hứng, tinh thần yêu nước giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Ngày nay, sự phát triển của nền kinh tế thị trường với quá trình hội nhập quốc tế, sự phát triển nhanh chóng của phương tiện truyền thông khiến cho trách nhiệm của văn nghệ sĩ càng phải đa dạng, phong phú.
Theo ông, làm sao để văn nghệ sĩ phát huy hết tài năng của mình?
- Để nghệ sĩ phát huy hết tài năng của mình thì chúng ta cần phải làm nhiều việc. Có thể trực tiếp đến từ tài năng của văn nghệ sĩ. Ở đó cần có sự nâng cao, tăng cường sự giáo dục đào tạo trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Cuộc sống xã hội ngày nay chúng ta thấy nhiều văn nghệ sĩ có tài năng ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Tuy nhiên vẫn thiếu môi trường, điều kiện để hỗ trợ những tài năng này phát triển hơn nữa. Không chỉ ở trong nước mà còn nâng tầm thương hiệu văn hóa nghệ thuật nước ta trên trường quốc tế. Để làm được những điều đó cần phải nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí, ý nghĩa của văn nghệ sĩ đối với đời sống xã hội ngày nay…
Khi có được những nhận thức đầy đủ, chúng ta mới có thể ban hành các chương trình, chính sách, đề án để hỗ trợ cho văn nghệ sĩ nói riêng và đời sống văn hóa nghệ thuật nói chung. Bên cạnh đó cần ban hành các cơ chế chính sách, luật pháp phù hợp để từ đó tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ phát huy vai trò của mình. Cùng với đó cần phải xây dựng thương hiệu cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong từng lĩnh vực. Khi đã có thương hiệu thì những giá trị tích cực sẽ lan tỏa thông điệp tốt đẹp. Chúng ta cũng cần đầu tư hơn nữa về tài chính, cơ sở vật chất cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Trân trọng cảm ơn ông!