Sau 10 ngày học tập, nghiên cứu và đi thực tế, Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận năm 2016 cho cán bộ Mặt trận cấp tỉnh, huyện của 28 tỉnh, thành phía Bắc (từ Quảng Trị trở ra) được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội đã hoàn thành và bế giảng ngày 27/8.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn phát biểu tại lễ bế giảng.
Đến tham dự và phát biểu có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo khóa Bồi dưỡng nghiệp vụ Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh.
Báo cáo tại Lễ bế giảng, đại diện Ban tổ chức cho biết, tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận lần này có 243 học viên. Trong đó có một Chủ tịch UB MTTQ tỉnh, 3 Phó Chủ tịch UB MTTQ cấp tỉnh.
Số còn lại là Ủy viên Ban Thường trực, Trưởng và Phó các Ban chuyên môn của UB MTTQ cấp tỉnh; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBMTTQ cấp huyện và 14 cán bộ mới về công tác tại UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận được tổ chức trong 10 ngày đã tập trung truyền đạt, nghiên cứu và trao đổi 15 chuyên đề về đường lối, chủ trương của Đảng về Đại đoàn kết toàn dân tộc, về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lịch sử truyền thống của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam; những kiến thức, kỹ năng cơ bản về công tác vận động quần chúng nói chung về công tác Mặt trận nói riêng, và có một ngày đi thực tế, trao đổi kinh nghiệm tại tỉnh Bắc Giang.
Kết quả khóa học có 243 học viên đã đạt kết quả theo quy định khóa bồi dưỡng. Trong đó có 47 học viên đạt loại giỏi, có 196 học viên đạt loại khá.
Phó Chủ tịch- Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn trao chứng chỉ cho các học viên.
Căn cứ vào kết quả khóa học và bài thu hoạch của các học viên, theo đề nghị của Ban Chỉ đạo khóa bồi dưỡng, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cấp chứng nhận đã hoàn thành chương trình khóa bồi dưỡng cho 243 học viên và quyết định biểu dương, khen thưởng cho 47 học viên đã có nhiều thành tích trong việc tham gia khóa bồi dưỡng.
Cũng theo Ban tổ chức, tại khóa học có 206/243 học viên gửi Phiếu xin ý kiến về Ban Chỉ đạo khóa bồi dưỡng. Trong đó, về cơ bản, các học viên cho rằng, nội dung, chương trình phù hợp với tình hình hiện nay, góp phần giúp cho các học viên hiểu rõ hơn công tác MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; công tác giám sát và phản biện của MTTQ Việt Nam...
Tuy nhiên, cũng có ý kiến mong muốn có những bài bàn về kỹ năng xử lý tình huống trong công tác Mặt trận, công tác vận động quần chúng. Các học viên mong muốn khi trao đổi, các báo cáo viên cần nêu rõ hơn các kinh nghiệm, mô hình hay để các học viên học hỏi và tăng cường trao đổi, tọa đàm.
Đồng thời, các học viên cũng đề xuất UBTƯ MTTQ Việt Nam cần mở nhiều khóa bồi dưỡng nghiệp vụ hơn, mở rộng đối tượng là cán bộ, chuyên viên UB MTTQ cấp tỉnh, huyện. Chương trình học cần giảm ngày lên lớp, tăng cường đi thực tế, trong các bài giảng nên bổ sung ảnh, phim, tư liệu cho sinh động hơn...
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh trao chứng chỉ cho các học viên.
Phát biểu tại Lễ bế mạc, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cán bộ làm công tác Mặt trận có quyền tự hào và phải biến niềm tự hào này thành công việc hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng để nâng cao vị thế, vai trò của Mặt trận đối với hệ thống chính trị. Đồng thời, uy tín của Mặt trận ở đâu còn phụ thuộc vào người đứng đầu Mặt trận ở các cấp. Do đó, uy tín người đứng đầu Mặt trận sẽ đem lại hiệu quả, kết quả trong chỉ đạo, quản lý.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn mong muốn: “Từ kinh nghiệm đã có, cùng với những kiến thức thu được từ khóa bồi dưỡng, tôi mong và tin rằng các học viên sẽ nâng cao hơn nữa trình độ, năng lực để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao. Từ đó, góp phần rất quan trọng vào việc mở rộng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới”.
Đồng thời, Phó Chủ tịch- Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị Trung tâm bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu khoa học sớm tổ chức rút kinh nghiệm, báo cáo Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam để tổ chức những khóa bồi dưỡng tiếp theo ngày càng đạt hiệu quả hơn. Trong đó nội dung khóa học phù hợp điều kiện, tình hình công tác Mặt trận ở từng địa phương, giảm phần lý luận để trao đổi những kinh nghiệm thực tiễn, những vấn đề khó khăn, vướng mắc ở từng địa phương.