Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là điều được trông đợi bấy lâu nay. Đó sẽ là công trình mang nhiều ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự phát triển đất nước. Từ tuyến đường sắt kỳ vĩ này, nhiều địa phương trong cả nước sẽ có thêm điều kiện trở nên thịnh vượng, người dân được thụ hưởng một phương tiện đi lại hiện đại, văn minh.
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), với tinh thần độc lập, tự lập tự cường và tự chủ, khả năng Bộ Chính trị quyết định không phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài, bởi vay bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ phải ràng buộc. Như vậy, sẽ bố trí vốn đầu tư công trong khoảng 12 năm, mỗi năm bình quân khoảng 5,6 tỷ USD (tổng mức đầu tư 67,34 tỷ USD). Dự kiến thời điểm triển khai xây dựng vào năm 2027, hoàn thành dự án toàn tuyến vào năm 2035.
Nghiên cứu cho thấy, trên chặng Hà Nội - TPHCM tốc độ 350km/h có khả năng thu hút khách cao hơn khoảng 12,5% so với tốc độ 250km/h. Tương tự, chặng Hà Nội - Đà Nẵng và Hà Nội - Nha Trang khả năng thu hút khách cao hơn lần lượt 26,5% đến 23,8%. Với tốc độ 350km/h, thời gian đi lại sẽ được rút ngắn rất nhiều.
Từ Thủ đô Hà Nội vào TPHCM và ngược lại chỉ mất 5 giờ 20 phút, đó là con số ao ước nếu so với tàu hiện nay là 33 giờ và xe khách giường nằm mất 40 giờ. Đây cũng sẽ là giải pháp hữu hiệu góp phần tiết kiệm thời gian đi lại của hành khách.
Như vậy có thể thấy tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ đem tới lợi ích to lớn cho đất nước, không chỉ về mặt hiện đại hóa hệ thống giao thông vận tải mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho nhiều địa phương.
Theo tính toán của Bộ GTVT, thời gian hoàn vốn cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 17,7 năm. Đặc biệt, sau khi toàn tuyến cơ bản hoàn thành năm 2035, bắt đầu từ năm 2036 trở đi, doanh thu từ vận tải có thể cân đối cho chi phí vận hành, bảo dưỡng phương tiện và bảo trì kết cấu hạ tầng.
Một vấn đề rất quan trọng nữa là song song với phát triển đường sắt tốc độ cao thì cũng sẽ phát triển đô thị tại các vùng lân cận tại các nhà ga.
Đường sắt tốc độ cao sẽ là bệ phóng mới cho nền kinh tế. Tác động lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội của nó là rất rõ ràng. Với mật độ dày kín các đô thị, khu công nghiệp, cảng biển trên toàn tuyến, vận chuyển tàu tốc độ cao sẽ kết nối các đô thị, cảng biển, sẽ tạo nên hệ thống logistics rất lớn trên trục đường.
Nói như PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) thì với đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, không chỉ đất nước có thêm loại hình vận tải hiện đại mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Khi triển khai dự án sẽ tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, các doanh nghiệp tham gia vào dự án.
Tất cả các ngành sẽ được kích hoạt và phát triển bởi vì công trình đường sắt tốc độ cao không chỉ liên quan xây dựng cầu, đường, hầm mà còn có sự tham gia của những yếu tố hết sức quan trọng hiện nay là công nghệ số, robot, trí tuệ nhân tạo trong xây dựng và vận hành khai thác sau này.