Lại một năm nữa chuẩn bị qua đi và sản lượng vận tải của xe buýt tại TP HCM tiếp tục giảm. Người dân, vì nhiều lý do khác nhau tiếp tục quay lưng với loại hình vận tải công cộng này. Và mặc dù mỗi năm được chính quyền TP HCM tài trợ số tiền lên đến 1.000 tỷ đồng nhưng Trung tâm quản lý vận tải công cộng TP HCM vẫn không có phương án khả dĩ nào để cải thiện tình trạng trên.
5 năm trở lại đây, chứng kiến lượng hành khách liên tục giảm đơn vị quản lý, điều hành hệ thống xe buýt ở TP HCM đã có nhiều phương án, kế hoạch với kỳ vọng thay đổi tình trạng này. Tuy nhiên, thời gian trôi qua và các phương án đều không mang lại hiệu quả như dự kiến. Dân số ở TP HCM liên tục gia tăng, thậm chí gia tăng rất mạnh nhưng không hiểu sao số lượng người đi xe buýt lại diễn tiến theo chiều ngược lại.
Từ phương án liên kết với các trường học để vận hành xe đưa rước học sinh cách đây gần chục năm đã bị đổ bể cho tới việc tuyên truyền, khuyến khích viên chức công đi xe buýt đều không hiệu quả. Dù có tới 1,7 triệu học sinh bậc phổ thông nhưng đến nay, số học sinh sử dụng xe buýt làm phương tiện đi học rất ít. Nhiều trường đã chấm dứt hoạt động đưa rước với xe buýt dù được trợ giá.
Tương tự, phương án đưa vào sử dụng xe buýt chạy năng lượng sạch CNG cũng không mang lại nhiều hiệu quả dù được kỳ vọng nâng cao chất lượng, thu hút hành khách. Đến nay, nhiều doanh nghiệp xe buýt than khó vì giá nhiên liệu CNG tăng, các điểm nạp nhiên liệu quá ít. Hay các giải pháp sử dụng làn đường riêng, mở các tuyến mới, đầu tư xe nhỏ… cũng không mang lại thay đổi nào tích cực.
Ngoài ra, các dự án bán vé tự động (sử dụng tiền xu), sử dụng phần mềm công nghệ để đi xe buýt, bản đồ điện tử… cũng chỉ duy trì được một thời gian ngắn rồi bị quên lãng. Kèm theo đó là số tiền lớn bị lãng phí vào các dự án trên. Cũng trong thời gian này, dù nhận được tiền trợ giá đều đặn nhưng giá vé của xe buýt vẫn được điều chỉnh tăng khiến nhiều người bức xúc.
Một năm mới 2020 chuẩn bị tới và Trung tâm quản lý giao thông công cộng, đơn vị điều hành xe buýt vẫn bùng nhùng trong các thủ tục đòi thanh toán tiền trợ giá của doanh nghiệp xe buýt. Trong khi đó, các phương tiện giao thông công cộng tư nhân như Grab hay Go-Việt loại mô-tô hiện nay có giá thành xấp xỉ xe buýt dù không được trợ giá mà lại thuận tiện vô cùng. Đó là lý do, nếu không có sự đột phá về giải pháp, tình trạng lạc hậu, bị bỏ rơi là viễn cảnh sẽ xảy ra. Khi đó, dù có tăng thêm tiền trợ giá lên nhiều hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm thì thành phố vẫn không thể cứu vãn được hoạt động hệ thống xe buýt.