Với lịch sử hàng trăm năm, gắn liền với đời sống văn hóa của người dân vùng Nam Bộ, nghệ thuật cải lương cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác, đều không tránh khỏi sự suy tàn. Tuy nhiên, có điều chắc chắn, cải lương có một sức sống bền bỉ bởi nó không chỉ là một thứ nghệ thuật giải trí mà còn là một phần đời sống văn hóa của người dân phương Nam.
Một vở diễn cải lương có nhiều nghệ sĩ trẻ tham gia. Ảnh: Đoàn Xá.
Vang bóng một thời
Theo học giả Vương Hồng Sển, nghệ thuật cải lương là sự kết hợp hài hòa giữa đờn ca tài tử và nghệ thuật hát bội sân khấu phương Tây. Cải lương đã bắt đầu manh nha ở Sài Gòn từ năm những 1900 nhưng đến năm 1918, loại hình nghệ thuật này với nhiều vở diễn được ra mắt công chúng mới được coi là chính thức ra đời. Kể từ thời điểm đó, cải lương mở rộng mãi, cho tới khi lấn át tất cả dòng nhạc khác lúc nào không hay...
Theo đạo diễn Trần Minh Ngọc, thời kỳ rực rỡ nhất của cải lương dù đã đi qua nhưng thực tế, nghệ thuật cải lương vẫn còn nhiều giá trị sống mãi với thời gian, đặc biệt là các tác phẩm của giai đoạn trước giải phóng miền Nam.
Hiện nay, nhiều người lớn tuổi sinh sống ở TP HCM cũng kể lại rằng, hồi đó cải lương không chỉ chinh phục những khán giả lớn tuổi mà cả những người trẻ, những cô cậu bé đang tuổi mới lớn cũng mê cải lương, thần tượng nghệ sĩ cải lương. Nếu không có điều kiện vào rạp thì người ta nghe ké, trên những băng đĩa được thu lại. Trước cải lương, chưa có một loại hình nghệ thuật nào có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa của người dân sâu rộng như thế.
Nốt trầm thời công nghệ
Mặc dù đã bắt đầu có dấu hiệu thoái trào từ những năm 90 của thế kỷ trước nhưng khoảng gần chục năm trở lại đây, nghệ thuật cải lương đã thực sự phai nhạt trong đời sống văn hóa của người dân. Rất hiếm người trẻ nào biết hay tìm đến cải lương dù những gánh hát vẫn còn.
Thậm chí, nhiều nghệ sĩ cải lương vì gắn bó với nghề phải phiêu dạt cùng những đoàn diễn về tận vùng sâu vùng sa của miền Tây với số khán giả thực sự ít ỏi. Đó không chỉ là thực trạng buồn mà còn là nỗi ám ảnh của những người tâm huyết với cải lương khi câu hỏi làm sao để kéo khan giả trở lại với loại hình nghệ thuật này.
Theo đạo diễn Trần Minh Ngọc, có nhiều nguyên nhân khiến cải lương đang bị đẩy ra bên lề đời sống văn hóa đương đại. Trong đó, đầu tiên là việc các sân khấu cải lương đang dần bị biến mất hoặc bị thay đổi công năng sử dụng.Ngoài ra, các nghệ sĩ hiện nay, nhất là nghệ sĩ trẻ đã không vượt qua được “cái bóng” quá lớn của những lớp đàn anh đi trước khiến các vở cải lương có chất lượng không cao. Đặc biệt, không riêng gì cải lương mà nhiều loại hình nghệ thuật khác dân tộc cũng đang bị các công nghệ thời internet làm cho lu mờ. Đây vừa là thách thức nhưng cũng đồng thời là cơ hội để lớp nghệ sĩ cải lương có thể dựa vào đó tìm một sức bật mới cho bản thân mình và loại hình nghệ thuật mà mình đeo đuổi.
Theo đạo diễn Nguyễn Hồng Dung- Phó Chủ tịch hội Sân khấu TP HCM thì có nhiều nguyên nhân khiến cải lương đang ngày càng bị tụt lại so với đời sống văn hóa đương đại. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là cải lương vẫn đang ngày ngày chuyển mình để phù hợp hơn với cuộc sống.