Văn hóa

Đi tìm soạn giả cải lương

Phương Anh 06/11/2024 10:22

Vừa qua, tại Nhà hát TPHCM diễn ra chương trình giới thiệu soạn giả, NSND Viễn Châu, mang tên “Viễn Châu trọn đời nghiệp cầm ca”, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1924 - 2024).

Với những người yêu cải lương, cái tên Viễn Châu - Bảy Bá chỉ là một: Trong tư cách soạn giả thì ông là Viễn Châu; còn cái tên Bảy Bá chính là một danh cầm với những ngón đàn tranh tuyệt vời khó người sánh kịp.

Tuy nhiên, nói đến soạn giả Viễn Châu, trước tiên chính là những sáng tạo, đóng góp đặc biệt của ông cho cải lương trong vai trò người tiên phong mở ra thể loại tân cổ giao duyên và vọng cổ hài. Với tân cổ giao duyên, hơn 60 năm trước, sân khấu cải lương Sài Gòn xuất hiện một ngôi sao sáng chói, đó là Lệ Thủy, khi đó chưa tròn 15 tuổi. Sau này khi đã thành công vang dội, nữ nghệ sĩ vẫn trân trọng gọi "chú Bảy Viễn Châu" là người thầy, người cha, bởi ông là người phát hiện và khai sáng tài năng của bà, khởi đầu với vở cải lương “Quan Âm Thị Kính”.

Còn soạn giả Hoàng Song Việt, người may mắn được tiếp xúc với soạn giả Viễn Châu cho biết, bản thân học hỏi nhiều từ “phong cách Viễn Châu” để ứng dụng vào hành trình cầm bút của mình. "Bác Bảy không chỉ viết bài ca cổ mà còn viết tuồng (vở diễn), với cấu trúc rất hoàn chỉnh. Tôi đã học được nhiều điều giá trị từ cách viết của bác” - soạn giả Hoàng Song Việt nói.

Với ông Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM thì có 2 lĩnh vực mà người ta cần đánh giá đúng về ông Viễn Châu, đó là trong tư cách một danh cầm và một soạn giả tài năng cho sân khấu cải lương.

Trong sân khấu cải lương, soạn giả Viễn Châu còn được gọi là “thầy tuồng” với ý nghĩa “có tích mới dịch nên trò”. Tuy nhiên, “thầy tuồng” không chỉ là soạn vở mà trong một gánh hát còn kiêm luôn vai trò dàn dựng và đào tạo nghệ sĩ. Trong suốt cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật cải lương, NSND Viễn Châu đã hoàn thành xuất sắc tất cả những vị trí đó.

Nói về thời vàng son của cải lương đã đi qua, đạo diễn Ca Lê Hồng cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng là do người ta có tâm lý không trọng soạn giả, nhất là khi họ chuyển thể từ tác phẩm kịch nói vì bị cho rằng "ăn" cái có sẵn của người khác chứ không phải sáng tạo. Trong khi việc chuyển thể cải lương không hề dễ dàng, đòi hỏi soạn giả phải có sự am hiểu nghề và phải có vốn kiến thức bài bản cải lương sâu rộng. Cùng về vấn đề này, ông Trần Ngọc Giàu lấy làm tiếc khi vinh danh người ta chỉ trao giải thưởng và ghi nhận tác giả gốc. Điều này là sự thiệt thòi cho các soạn giả có tài năng.

Tại tọa đàm “Tính văn học trong nghệ thuật sân khấu cải lương giai đoạn từ năm 1975 đến nay” do Hội Sân khấu TPHCM tổ chức, soạn giả Đăng Minh cho rằng, thời buổi bây giờ đã khác thì tự thân cải lương cũng đang có sự thay đổi. Ông Minh cho hay một số tác giả trẻ hiện nay được trang bị kiến thức khá tốt, thậm chí có người còn học lên thạc sĩ, tiến sĩ. Nhưng cái mà họ thiếu chính là việc hiểu về nghề chưa được tốt, bị hẫng, nên ứng dụng vào thực tế sân khấu lúng túng.

Người viết cải lương phải tự mày mò chứ cũng không chỉ có trường lớp đào tạo. Thế hệ soạn giả đi trước may mắn được va chạm nhiều, hoạt động trong môi trường cải lương sôi động nên tiến bộ từng ngày. Do đó, các bạn trẻ hiện nay khó tránh khỏi có khoảng cách nghề nghiệp với các tiền bối.

Tương tự, nữ đạo diễn Ca Lê Hồng nhấn mạnh rằng soạn giả cải lương hôm nay phải nỗ lực tự trang bị kiến thức, phải chịu khó học hỏi để rành rẽ cải lương thì mới có thể sáng tác hay khi mà từng lời lẽ viết ra đều có sự nâng niu, chắt chiu cho lời ca đẹp, trữ tình, phù hợp hoàn cảnh để đi vào lòng người.

Nhớ về một tên tuổi lừng lẫy trong làng cải lương: Viễn Châu - Bảy Bá, cũng là hy vọng nghệ thuật cải lương lại một lần nữa chói sáng. Tất nhiên, để có được điều đó thì phải trông cậy vào những soạn giả mới, những giọng ca trẻ tiếp nối.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi tìm soạn giả cải lương