Sức khỏe

Bệnh dại tăng đột biến có bất thường?

THANH MAI 07/04/2024 09:03

Tình hình bệnh dại đang diễn biến phức tạp, nhiều nơi ghi nhận ca bệnh tăng đột biến. Từ đầu năm đến cuối tháng 3, cả nước xảy ra 26 ca tử vong trên người do bệnh dại ở 15 tỉnh, thành phố (tăng hơn 2 lần so cùng kỳ năm 2023).

14.jpg
Một trẻ nhỏ bị chó cắn được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Nhiều người chủ quan

Bệnh dại là bệnh do virus hướng thần kinh, gây viêm não tủy cấp tính và là bệnh lây truyền từ động vật sang người. Bệnh dại có thể gặp ở tất cả động vật máu nóng và lây truyền cho người thông qua các chất bài tiết có chứa virus dại từ vết cắn, cào, liếm của động vật mắc bệnh. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100%.

Theo Bộ Y tế, hiện công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo.

Nguyên nhân gia tăng nguy cơ bùng phát bệnh dại là do đàn chó, mèo thả rông còn phổ biến; tỷ lệ đàn chó, mèo được tiêm vaccine thấp; chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, chó thả rông, tiêm vaccine phòng bệnh dại. Qua báo cáo của cơ quan chuyên ngành thú y, từ năm 2022 đến nay, tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại chỉ đạt gần 50% tổng đàn chó, mèo; cá biệt có một số tỉnh, thành phố chỉ đạt khoảng 10%.

Ngoài ra, lực lượng thú y cơ sở còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn, nhất là nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh dại còn hạn chế.

Nhiều tháng qua, tại Nam Bộ bệnh dại diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, tỉnh đã ghi nhận 3 ổ bệnh chó dại từ đầu năm đến nay tại 3 huyện: Định Quán, Nhơn Trạch và Trảng Bom.

Riêng số ca bị chó cắn hai tháng đầu năm 2024 phải tiêm phòng bệnh dại là hơn 4.000 ca, tăng cao so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, nhiều trường hợp bị chó cắn tại những vị trí nguy hiểm, vết thương lớn, phải tiêm huyết thanh kháng bệnh dại. Qua điều tra dịch tễ tại các địa phương có ổ bệnh chó dại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai nhận định, tỷ lệ mầm bệnh dại tồn tại trong đàn chó ở những khu vực này rất cao, trong khi tỷ lệ đàn chó được tiêm vaccine phòng bệnh dại chưa đạt mức có thể tạo hiệu quả miễn dịch (từ 70% trở lên), nguy cơ xuất hiện các ổ bệnh dại mới rất lớn.

Thống kê cũng cho thấy, cả nước hiện có hơn 4,9 triệu hộ nuôi chó, mèo, với tổng đàn là 7,6 triệu con. Phong trào nuôi chó, mèo đang phát triển mạnh, đặc biệt là tại các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội. Theo các chuyên gia y tế, việc nuôi chó, mèo nếu không được quản lý sẽ dẫn đến nguy cơ lây lan một số dịch bệnh từ động vật sang người, trong đó có bệnh dại.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, số người tiêm vaccine ngừa dại 2 tháng đầu năm 2024 là 19.552, tăng nhẹ so cùng kỳ là 18.810.

Theo ông Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại chủ yếu là do chó, mèo mắc bệnh dại cắn người. Việc phòng tránh bệnh dại đơn giản, nhưng nhiều người lại chủ quan. Theo đó, tiêm phòng dại cho chó, mèo là biện pháp đầu tiên. Khi vật nuôi được tiêm phòng dại thì nguy cơ mắc dại sẽ giảm đi. Tuy nhiên, hiện nay, tại nước ta, tỉ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó chưa được cao. Nhiều gia đình nuôi 2-3 con chó, nhưng khi chính quyền vận động đi tiêm phòng dại cho chó thì họ chỉ mang 1 con đi tiêm.

Về số người tiêm vaccine phòng dại, tử vong do dại tăng cao trong thời gian gần đây, ông Phu nhận định ngoài việc tỉ lệ tiêm phòng đàn chó mèo thấp, người dân chủ quan thì việc vaccine phòng dại có chi phí cao cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Tử vong do không tiêm vaccine

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, bệnh dại gặp ở mọi lứa tuổi và hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm vaccine. Bệnh dại khi đã có dấu hiệu lâm sàng thì tỷ lệ tử vong là 100%. Tại Việt Nam, trong vòng 10 năm qua, mỗi năm có khoảng 70-110 người tử vong vì bệnh dại.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại chủ yếu lây truyền qua các vết cắn, vết trầy xước từ nước bọt của động vật bị dại sang cơ thể người. Sau khi xâm nhập, nếu không kịp thời tiêm vaccine dại, virus dại sẽ nhân nhanh số lượng ngay tại điểm cắn, di chuyển dọc theo các dây thần kinh, tiến thẳng tới hệ thần kinh trung ương với tốc độ khoảng 12-24 mm mỗi ngày để bắt đầu hành trình tàn phá.

Bệnh dại không phát ngay, thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30 đến 90 ngày, có thể kéo dài đến 1 năm. Vết thương càng nặng, càng gần các đầu mút thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Ngược lại, nếu vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương, di chuyển của virus lên đến não và thời gian ủ bệnh sẽ dài hơn.

Về các giải pháp để loại trừ bệnh dại trên người, BSCKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC (Công ty cổ phần vaccine Việt Nam) cho biết, quan trọng nhất là tiêm phòng cho đàn chó mèo và tỷ lệ tiêm liên tục trong nhiều năm phải đạt trên 70%. Tiếp đến là tiêm vaccine phòng bệnh cho người có nguy cơ cao nhiễm bệnh dại và tiêm huyết thanh kháng bệnh dại cho người bị chó mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh dại cắn.

Theo BS Bạch Thị Chính, khi không may bị chó mèo cắn, cào, liếm phải rửa sạch vết thương bằng nước sạch và xà phòng liên tục trong 15 phút, sau đó sát trùng lại bằng cồn hoặc cồn iod. Nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch và các thứ có sẵn trong nhà như dầu gội đầu, sữa tắm, rượu, cồn. Không tự ý nặn vết thương và khâu, rạch, băng kín vết thương. Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh dại tăng đột biến có bất thường?