Sức khỏe

Đầu năm đã có 22 ca tử vong do bệnh dại

An Thái - Đức Trân 15/03/2024 09:33

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 2 tháng đầu năm đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong do bệnh dại, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.

anh-thay.jpg
Tiêm vaccine phòng dại cho đàn chó trên địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội). Ảnh: Thiện Tâm.

Thống kê từ Cục Y tế dự phòng cho thấy, từ năm 2022 đến nay bệnh dại có xu hướng gia tăng, nhiều tỉnh, thành phố ghi nhận số ca tử vong do bệnh dại cao như Gia Lai, Nghệ An, Bình Phước, Điện Biên, Bến Tre, Đắk Lắk... Năm 2024, khu vực Tây Nguyên vẫn là điểm nóng về dại với 2/4 tỉnh có ca tử vong (Đắk Lắk 4 ca, Gia Lai 1 ca). Đặc biệt, gần đây xuất hiện các trường hợp mắc bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10 - 15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi, bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.

Cụ thể, tại Đắk Lắk, ca mắc bệnh dại mới đây nhất là nữ bệnh nhân sinh năm 1996, trú tại xã Ea Yông (huyện Krông Pắk). Bệnh nhân nhập viện Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng tỉnh táo, sợ nước, sợ gió, khó thở, tức ngực. Các bác sĩ chẩn đoán theo dõi bệnh dại lên cơn. Ngày 24/2, bệnh nhân được tiên lượng nặng, phức tạp, có thể tử vong. Gia đình xin cho bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện nhiệt đới (TPHCM). Bệnh nhân tử vong lúc 22 giờ 30 phút ngày 25/2.

Tỉnh Bình Thuận cũng vừa ghi nhận thêm một trường hợp nữ bệnh nhân 31 tuổi, ngụ ở khu phố Lập Hòa (thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam) tử vong nghi do bệnh dại. Trung tâm Y tế Hàm Thuận Nam, Trạm Y tế thị trấn Thuận Nam đã tiến hành điều tra, giám sát ca dại, gia đình nạn nhân và người thân trong gia đình. Đồng thời tư vấn và vận động 2 trường hợp bị chó cắn cùng thời điểm với nạn nhân đi tiêm vaccine phòng bệnh; tư vấn điều trị dự phòng bệnh dại đối với những người tiếp xúc có vết thương hở hoặc niêm mạc bị phơi nhiễm với nước bọt của nạn nhân.

Mới đây, ngày 12/3, trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã ghi nhận vụ việc nghi chó dại cắn liên tiếp 7 người ở khu phố Dân Phước (phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu). Trước đó, trong 2 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã ghi nhận 2 nạn nhân tử vong nghi do bị chó dại cắn nhưng không chủ động đi tiêm vaccine phòng dại, 1 trường hợp nghi bị chó dại cắn được giám sát và điều trị dự phòng…

Bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người nguy hiểm do virus dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh, tỷ lệ tử vong rất cao (gần như 100%). Người mắc bệnh dại do bị lây truyền virus dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo). Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do dại trên người là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng huyết thanh kháng dại và không tiêm vaccine phòng dại hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định. Công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo; tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên động vật còn thấp, chỉ đạt gần 50% tổng đàn chó, mèo. Trong khi đó, Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 2151 ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêm vaccine dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông phòng, chống bệnh dại vẫn còn hạn chế dẫn đến tình trạng chủ quan, lơ là trong việc thực hiện nghiêm các quy định về tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo cũng như quản lý đàn chó, mèo; không tiêm phòng huyết thanh kháng dại, vaccine phòng dại kịp thời sau khi bị động vật nghi dại cắn hoặc tự chữa trị bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận...

Cục Y tế dự phòng nhận định, trong thời gian tới, nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục do tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế. Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, Bộ Y tế khuyến cáo: Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm; Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo; Khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn i-ốt; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương. Kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại. Tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị; Cần truyền thông, hướng dẫn cho trẻ em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo cắn.

BS Đinh Thị Vân Anh - Phó Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, khi đã xuất hiện các triệu chứng lâm sàng, bệnh dại gần như gây tử vong 100%. Trong 99% trường hợp, chó nhà là nguyên nhân truyền virus dại sang người. Bệnh dại có thể phòng ngừa được bằng vaccine. Vaccine phòng dại không gây hại cho người tiêm. Vaccine phòng dại được sản xuất từ virus dại đã bất hoạt, do đó không có khả năng gây bệnh, không ảnh hưởng đến trí nhớ và các vấn đề thần kinh khác. Vì vậy, người dân đừng lo ngại, do dự tiêm vaccine phòng dại khi bị chó hoặc động vật cắn. Hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, xử trí kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đầu năm đã có 22 ca tử vong do bệnh dại