Quốc hội

Bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu

Việt Thắng 27/11/2024 16:11

Với 446/455 đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Trước khi tiến hành biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm y tế.

Bà Anh cho biết, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo quán triệt và thực hiện chủ trương đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, bảo đảm các quy định rõ ràng, thực chất, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, bám sát thực tiễn; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để nâng cao năng lực thực thi; đơn giản hóa thủ tục hành chính; chỉ quy định những nội dung đúng thẩm quyền của Quốc hội; giao Chính phủ, các bộ quy định nội dung theo thẩm quyền để kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết.

Về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế (Điều 12, Điều 13 sửa đổi, bổ sung), bà Anh cho hay, nhiều đại biểu đã có ý kiến về quy định đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giữ nguyên các đối tượng được quy định tại Luật hiện hành.

Đồng thời, bổ sung các đối tượng đã được Luật khác quy định, bổ sung đối tượng nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản để động viên, khích lệ và có chính sách thoả đáng với đối tượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng sâu, vùng xa và công bằng với đối tượng khác ở tổ dân phố; giao Chính phủ quy định các đối tượng phát sinh khác sau khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để khi thực hiện ổn định và có đánh giá toàn diện sẽ nghiên cứu bổ sung khi sửa đổi toàn diện Luật.

Về mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Điều 13 của dự thảo Luật đã điều chỉnh các quy định về nội dung này để đồng bộ với việc sửa các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.

Trong đó, quy định đối tượng học sinh, sinh viên tiếp tục tham gia theo nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ để đảm bảo tính ổn định khi tham gia bảo hiểm y tế của nhóm đối tượng này. Đồng thời, đề nghị Chính phủ và chính quyền địa phương sớm nghiên cứu tăng mức hỗ trợ cho đối tượng học sinh, sinh viên; các cơ quan chức năng khắc phục các bất cập hiện nay trong công tác tổ chức triển khai thực hiện thu bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên.

Về phạm vi được hưởng, mức hưởng bảo hiểm y tế (Điều 21 và 22 sửa đổi, bổ sung), theo bà Anh, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định theo hướng mở rộng phạm vi hưởng bảo hiểm y tế với hình thức khám bệnh, chữa bệnh từ xa, hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa, khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, khám bệnh, chữa bệnh tại nhà tại điểm b khoản 2 Điều 21 để đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo thiết kế trong dự thảo Luật quy định về mức hưởng bảo hiểm y tế trên cơ sở xóa bỏ “địa giới hành chính” trong khám bệnh, chữa bệnh, giữ ổn định mức hưởng bảo hiểm y tế theo quy định của Luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp, như bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.

z6074256880099_f540ef3fb52b4f012875041731356920.jpg
Các đại biểu bấm nút thông qua Luật (Ảnh: Quang Vinh)

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép được giữ quy định của Luật hiện hành về mức hưởng bảo hiểm y tế với đối tượng là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để quy định nâng mức hưởng với các đối tượng nghỉ hưu cho phù hợp khi sửa đổi toàn diện Luật Bảo hiểm Y tế.

Về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (Điều 26 và 27 sửa đổi, bổ sung), tiếp thu ý kiến đại biểu, về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, dự thảo Luật quy định quyền của người có thẻ bảo hiểm y tế trong việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp ban đầu và cấp cơ bản; quy định khái quát nguyên tắc phân bổ thẻ bảo hiểm y tế cho cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và giao Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ theo thẩm quyền ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện tại Điều 26.

Đồng thời, quy định việc chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo yêu cầu chuyên môn và khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, việc chuyển người bệnh về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu để điều trị, quản lý đối với các bệnh mạn tính tại Điều 27.

Về quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định tăng mức phân bổ từ nguồn thu bảo hiểm y tế để chi cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh lên 92%, giảm số tiền dành cho quỹ dự phòng, tổ chức hoạt động quỹ bảo hiểm y tế xuống 8%, trong đó dành tối thiểu 4% số tiền đóng bảo hiểm y tế cho quỹ dự phòng và quy định rõ thời hạn thông báo kết quả giám định chi phí khám bệnh, chữa bệnh để khắc phục vướng mắc về kéo dài thời gian thanh, quyết toán tại Điều 35.

Đồng thời, bổ sung quy định việc mua thuốc, thiết bị y tế và thanh toán thuốc, thiết bị y tế, chuyển dịch vụ cận lâm sàng trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thiếu thuốc, thiết bị y tế để điều trị cho người bệnh và quy định cơ chế để quỹ bảo hiểm y tế thanh toán cho các trường hợp này tại Điều 31.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu