Bệnh nhân đột quỵ nhiều, cơ sở điều trị ít

Minh Thủy 20/01/2021 06:30

Gần đây, đột quỵ xuất hiện cả ở những người trẻ tuổi, trong đó có trường hợp trẻ em mới 3 tuổi. Đó là một thực tế đáng báo động, trong khi các cơ sở điều trị bệnh đột quỵ khá ít; kể cả cơ sở phục hồi chức năng dành cho người bệnh đột quỵ cũng ít.

Tập luyện hồi phục chức năng sau đột quỵ đòi hỏi rất kiên trì. Nguồn: BV Nhân dân 115.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ tử vong do đột quỵ từ năm 2013 đến nay giảm 17% so với trước. Nhưng số lượng bệnh nhân bị tàn tật do đột quỵ lại có xu hướng tăng mạnh, chiếm 90% với nhiều di chứng nặng như: liệt nửa người, rối loạn nuốt, viêm phổi, co cứng, suy giảm trí nhớ, trầm cảm…

Với các tỉnh phía Bắc, kể từ cuối tháng 10 đến nay, do phải hứng chịu nhiều đợt không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ xuống thấp. Chênh lệch nhiệt độ giữa đêm và ngày cao, kể cả trong ngày thì nền nhiệt cũng dao động mạnh, khiến cho số người bị đột quỵ gia tăng, cả ở miền núi, thành thị và nông thôn.

Trong khi đó, cơ sở y tế đủ bác sĩ, trang thiết bị y tế để chữa trị cho bệnh nhân đột quỵ đúng cách khá hiếm. Thông tin từ Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) cho biết, mỗi năm BV điều trị cho gần 20.000 trường hợp đột quỵ nên luôn trong tình trạng quá tải. Thực tế thì trung bình Khoa Bệnh lý mạch máu não của BV chỉ có thể tiếp nhận khoảng 180 bệnh nhân nội trú. Mỗi ngày, một nhân viên y tế tại đây phải tập vật lý trị liệu cho trên 10 bệnh nhân và thường phải ưu tiên tập cho những ca nặng, những ca nhẹ bắt buộc phải chuyển đến các bệnh viện tuyến dưới hoặc hướng dẫn tự tập tại nhà.

Còn tại BV trung ương Huế, kể từ tháng 12/2020 đến nay, khi các đợt rét đậm rét hại kéo dài, tại Trung tâm Đột quỵ của BV mỗi ngày tăng khoảng 30% số bệnh nhân đột quỵ nhập viện, trong đó có nhiều bệnh nhân ở độ tuổi dưới 40.

Bệnh nhân đột quỵ có xu hướng trẻ hóa do chủ quan với bệnh lý tăng huyết áp, tim mạch, xơ vữa mạch máu, cùng với thời tiết thay đổi, nhiệt độ giảm sâu dễ dẫn đến nguy cơ xuất huyết não với tỉ lệ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời. Cũng chính vì thế mà không ít trường hợp bệnh nhân đột quỵ không được cứu chữa kịp thời, đúng cách; hoặc không được điều trị phục hồi tốt. Vì thế, có tới gần 90% người bệnh đột quỵ tuy được cứu sống nhưng phải mang theo nhiều di chứng nặng nề suốt đời. Chất lượng sống của người bệnh sau đột quỵ giảm sút nghiêm trọng.

Đáng chú ý, các dịch vụ tập phục hồi chức năng tư nhân chi phí rất cao, trong khi chất lượng khó xác nhận. Nhiều người đã tốn hàng trăm triệu đồng cho một liệu trình điều trị phục hồi chức năng sau dột quỵ chừng 3 tháng, nhưng các chức năng vận động vẫn không thể trở lại bình thường.

TS.BS Nguyễn Huy Thắng (Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, BV Nhân dân 115) cho biết, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 bệnh nhân đột quỵ, trong đó có 70% cần được tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng sau khi xuất viện. Thế nhưng, họ không biết phải tập ở đâu, ai có thể hỗ trợ được họ.

Còn theo TS.BS Nguyễn Bá Thắng (Trung tâm Khoa học thần kinh, BV Đại học Y Dược TPHCM) thì đa phần bệnh nhân đột quỵ não sẽ có di chứng như liệt tay chân, rối loạn cảm giác, nói khó, vận động khó, sa sút trí tuệ... và cần phải can thiệp phục hồi chức năng để có thể hòa nhập trở lại với cuộc sống. Nhưng không chỉ TPHCM mà có thể nói rằng trên phạm vi cả nước rất thiếu cơ sở phục hồi chức năng dành cho người bệnh đột quỵ. Đặc biệt là các tỉnh thì lại càng ít.

Cũng chính vì thế, do tình trạng quá tải nên các BV có xu hướng giải phóng bệnh nhân sớm. Thường là sau điều trị xong giai đoạn cấp sẽ cho người bệnh xuất viện và họ phải tự bươn chải tìm nơi để tập phục hồi chức năng hoặc thuê người về nhà tập. Cũng từ đó mà nhiều bệnh nhân đột quỵ sau khi xuất viện về nhà đã không thể tiếp tục tập luyện nên các chức năng cũng không thể phục hồi, cuộc sống kéo dài trong đau khổ của bản thân và người thân trong gia đình.

Trong khi đó, theo các chuyên gia y tế, vật lý trị liệu là liệu trình bắt buộc đối với bệnh nhân sau đột quỵ, tất cả bệnh nhân đều phải tập. Trong giai đoạn đột quỵ cấp và giai đoạn sau là giai đoạn di chứng thì tập vật lý trị liệu vẫn là phương pháp có tác dụng. Nếu như trong cấp cứu bệnh nhân đột quỵ có khái niệm “thời gian vàng” thì trong phục hồi chức năng lại vẫn chưa xác định được điểm mốc thời gian quan trọng.

Theo BS Nguyễn Xuân Thắng thì sau khi cứu chữa 24 giờ, chỉ nên tập nhẹ. Nếu vội vàng tập sớm sẽ làm tăng nguy cơ tai biến lần nữa. Còn thì tập đúng cách phải từ 3 đến 6 tháng, không được thấy dấu hiệu phục hồi mà ngưng tập.

Cũng không chỉ chú trọng tập phục hồi chức năng vận động mà cần tập luyện kiên trì khắc phục, phục hồi những tổn thương khác, như tổn thương về ngôn ngữ, nuốt, rối loạn về tâm lý...

Một nghiên cứu cho thấy, chỉ có 25%-30% bệnh nhân sau đột quỵ tự đi lại, phục vụ bản thân; 20%-25% đi lại khó khăn và cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hàng ngày; 15%-25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh nhân đột quỵ nhiều, cơ sở điều trị ít