Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội có hơn 200 ca mắc thủy đậu. Theo các chuyên gia y tế, trong thời điểm giao mùa như hiện nay, dự báo số ca mắc thủy đậu có nguy cơ gia tăng.
Thủy đậu là một bệnh lý có khả năng lây lan nhanh chóng và bùng phát thành dịch nếu không có biện pháp kiểm soát và ngăn ngừa tốt. Bệnh thường xảy ra rải rác quanh năm, nhưng xuất hiện nhiều vào dịp Đông Xuân và có thể tự khỏi sau khoảng 2 - 3 tuần. Khi bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng, nguy cơ lây cho mọi người trong nhà là rất cao.
Đặc biệt, trẻ em trong độ tuổi từ 2 - 8 tuổi có nguy cơ mắc cao nhất, ngoài ra, người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh nếu không được tiêm phòng đầy đủ.
Người lớn mắc thủy đậu thì lâm sàng sẽ nặng hơn trẻ em và dễ có nguy cơ bị bội nhiễm. Ở những bệnh nhân có cơ địa đặc biệt như suy giảm miễn dịch thì có thể xảy ra biến chứng, nhẹ là nhiễm trùng da nơi mụn nước xuất hiện, nặng hơn có thể gây viêm phổi, viêm não...
TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, thủy đậu là bệnh do virus varicella zoster gây ra. Bệnh xảy ra quanh năm và tăng cao hơn từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm; có khả năng lây lan cao, lên đến 90% đối với người chưa từng mắc hoặc chưa từng tiêm vaccine. Khi mắc bệnh thủy đậu sẽ nổi phát ban, nổi mụn nước nhỏ chứa đầy dịch, gây ngứa. khi khởi phát bệnh, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân trong vòng 12 - 24 giờ.
Theo đó, ban đầu, các tổn thương có dạng chấm, sẩn phù (thường không dễ nhận thấy), sau đó chúng sẽ phát triển thành mụn nước trong vòng 24 - 48 giờ. Các vết mụn nước sẽ giống như giọt nước, nông, có màng mỏng và có vùng viêm đỏ xung quanh, thường kèm theo cảm giác ngứa.
Trong khoảng thời gian 8 - 12 giờ, các vết mụn nước sẽ chứa dịch màu vàng nhạt, lõm xuống và nhanh chóng trở thành mụn mủ màu trắng mịn, sau đó chúng chuyển thành vảy tiết màu đỏ nâu. Vảy tiết sẽ rụng sau 1 - 3 tuần và để lại vết hồng, một số trường hợp có thể có nền da hơi lõm dễ tạo thành sẹo thâm trong một khoảng thời gian dài hoặc sẹo vĩnh viễn.
TS Nguyễn Văn Lâm phân tích, bệnh thủy đậu là bệnh lành tính nhưng cũng có những biến chứng với mức độ từ nhẹ đến nặng. Bội nhiễm là biến chứng hay gặp nhất của bệnh thủy đậu. Nếu bội nhiễm nặng, vi khuẩn có thể xâm nhập từ bỏng nước vào máu gây nhiễm trùng huyết.
Ngoài ra, các biến chứng nặng như viêm phổi, não, tiểu não... là các biến chứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, thường để lại di chứng sau này. Ở các nước tiên tiến trên thế giới, việc chích ngừa đầy đủ khiến cho virus thủy đậu không còn tồn tại trong cộng đồng, tuy nhiên tại Việt Nam, do tình trạng số trẻ chích ngừa bệnh không đủ 100% nên virus dễ lây lan, trẻ dễ mắc bệnh hơn.
BS Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM) cho biết, nguy hiểm nhất là trẻ dưới 3 tháng tuổi mắc bệnh do lây từ mẹ. Đặc biệt, nếu người mẹ bị nhiễm bệnh trong vòng 5 ngày trước sinh và 2 ngày sau sinh thì trẻ sơ sinh dễ bị lây từ mẹ sang. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh giai đoạn này rất cao, lên đến 25 - 30% số trường hợp bị nhiễm. Sai lầm của các bà mẹ là khi phát hiện bệnh liền cách ly con, không cho con bú nhưng thực tế bệnh đã lây từ trước đó. Khi không được bú sữa mẹ, đề kháng của trẻ càng giảm thì mức độ bệnh lại càng nặng. Đặc biệt, nếu thai phụ mắc bệnh trong giai đoạn đầu thai kỳ, nguy cơ sảy thai sẽ tăng cao. Hơn nữa, trẻ sinh ra có thể mắc thủy đậu bẩm sinh hoặc có nhiều dị tật như đầu nhỏ, tay chân go gồng, bại não, nhẹ cân, chậm phát triển...
Theo TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh thủy đậu thường gặp ở trẻ em, tuy nhiên người lớn nếu chưa mắc bệnh khi tiếp xúc với người bệnh hoặc bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh tự miễn hệ thống cũng dễ bị lây và có xu hướng nặng hơn trẻ em.
Điều quan trọng là người bệnh phải theo dõi và phát hiện kịp thời các biến chứng, giữ gìn vệ sinh và tránh tự ý sử dụng các thuốc có thể gây bệnh nặng hơn như corticoides.
Việc điều trị bệnh thường tập trung vào việc làm giảm nhẹ các triệu chứng và giữ bệnh nhân không bị mất nước. Cách tốt để phòng ngừa bệnh thủy đậu là tiêm phòng vaccine thủy đậu. Việc tiêm vaccine sẽ kích thích cơ thể sản xuất kháng thể chống lại chủng virus gây bệnh, giảm nguy cơ mắc bệnh và ngăn chặn sự lây lan. Vì vậy, việc tiêm vaccine phòng thủy đậu là biện pháp phòng tránh thủy đậu hiệu quả và lâu dài nhất.
Nếu gia đình có trẻ nhỏ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế uy tín để tiêm theo dõi đúng liều lượng quy định. Lịch tiêm gồm: Mũi 1: Tiêm khi trẻ trên 1 tuổi; Mũi 2: Trẻ từ 1 - 13 tuổi: Tiêm cách mũi 1 tối thiểu 3 tháng. Trẻ 13 tuổi trở lên: Tiêm cách mũi 1 ít nhất 1 tháng. Khi tiếp xúc với người đang mắc bệnh thủy đậu mà bản thân chưa tiêm ngừa vaccine, cần tiêm chủng trong 3 ngày sau đó.
Đồng thời cần thường xuyên vệ sinh tay sạch bằng xà phòng. Cho trẻ nghỉ học cho đến khi mụn nước khô đóng vẩy; cần vệ sinh đồ dùng, các bề mặt trẻ hay chạm vào để làm sạch virus gây bệnh.
Khi trẻ bị thủy đậu cần tắm bằng nước đun sôi để nguội, hạn chế dùng xà phòng để tránh gây viêm nhiễm khi xà phòng đọng lại ở các nốt bong tróc. Sau đó, dùng khăn mềm thấm nhẹ nhàng toàn thân, bôi xanh methylen để sát khuẩn, mặc quần áo thoáng mát. Cùng với đó, cần vệ sinh mắt mũi, răng miệng 2 - 3 lần/ngày bằng nước muối 0,9% vì thủy đậu có thể mọc trong miệng, không vệ sinh có thể gây bội nhiễm.
Thủy đậu ở trẻ sơ sinh là một bệnh nặng (nặng hơn so với thủy đậu trẻ em hoặc người lớn) với nguy cơ tử vong cao lên đến 30% do tổn thương đa cơ quan. Nếu không được điều trị bệnh kịp thời và đúng phác đồ thì trẻ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, sốc nhiễm trùng nhiễm độc, bội nhiễm vi khuẩn, các biến chứng về thần kinh như: viêm màng não, viêm tuỷ, viêm dây thần kinh thị giác, viêm đa dây thần kinh.