Trong lịch sử hơn 70 năm tồn tại của nhà nước Xôviết chỉ có hai người từng được giữ vị trí bảo vệ gần gụi nhất của nguyên thủ quốc gia trong nhiều năm liền. Một trong hai người đó là Trung tướng Nikolai Vlasik (22-5-1896 – 18-6-1967). Đây cũng là một vị tướng an ninh phải trải qua những thăng trầm cay đắng nhất trong chế độ Xôviết.
Xuất thân từ thành phần cơ bản
Nikolai Vlasik sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Ông mới chỉ học hết lớp ba trường dòng và bắt đầu phải kiếm sống từ năm 13 tuổi. Và ông đã tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Năm 1919, Vlasik gia nhập cơ quan an ninh và cũng từ thời điểm đó bắt đầu phục vụ trong bộ phận bảo vệ lãnh tụ Xôviết, tới năm 1927, trong thực tế đã trở thành chỉ huy lực lượng bảo vệ Stalin. Từ giữa những năm 1930, Vlasik đã là Cục trưởng Cục 1, tức là Cục Bảo vệ các nhà lãnh đạo cao nhất của chế độ Xôviết và trụ ở cương vị này nhiều năm liền dưới những chức danh khác nhau khi lực lượng an ninh bị thay tên và có những cải cách hành chính. Tuy nhiên, ở đỉnh cao danh vọng, tướng Vlasik dường như phạm phải những sơ sảy không nhỏ, làm mếch lòng lãnh tụ nên tháng 5/1952, ông đã bị giáng chức xuống địa phương phục vụ trong lực lượng cảnh sát trại giam, tới tháng 12/1952, do hệ lụy từ vụ án buộc tội một số bác sĩ âm mưu làm phản nên đã bị bắt vì là người từng phải chịu trách nhiệm về công tác bảo vệ cho lãnh đạo cao cấp.
Họa vô đơn chí, trong quá trình diễn ra điều tra vụ án, các cơ quan tư pháp đã phát hiện ra nhiều sai quấy khác của tướng Vlasik nên rốt cuộc ngày 17/1/1953, ông đã bị kết án 10 năm tù vì tội lạm dụng quyền hạn và chức vụ.
Trích biên bản phiên tòa
Biên bản ghi lại một phần nội dung phiên tòa xử tướng Vlasik có thể giúp thấy những điều kiện khắc nghiệt mà một vị tướng an ninh ở cương vị như thế phải chịu đựng. Trên những ghế ngồi cao như thế, bất cứ một sự đơn giản hóa nào cũng có thể trở thành bằng chứng buộc tội nặng nề khi “hùm đã sa cơ”.
Thư ký: Bị cáo Vlasik đã được áp giải tới tòa và hiện đang bị canh giữ. Các nhân chứng Vladimir Avgustovich Stenberg và Vera Gerasimovna Invanskaya đã có mặt và đang ở trong phòng xét xử.
Chánh án: Bị cáo Vlasik, khai tên họ, năm sinh, nơi sinh, đảng tịch, cương vị đã giữ cuối cùng.
Vlasik: Tôi là Nikolai Sidorovich Vlasik, sinh năm 1896, quê quán làng Bobynichi huyện Slonimsky, tỉnh Baranovich, dân tộc: Bạch Nga, cựu đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1918 tới năm 1952, Trung tướng, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ Bộ An ninh Quốc gia (MGB) Liên bang Xôviết, bị bắt vì vụ việc ngày 15/12/1952 đang xét xử. Tôi đã nhận được cáo trạng ngày 11/1/1955.
Chánh án: Bị cáo từng có những huân chương và danh hiệu gì?
Vlasik: Tôi từng được tặng thưởng ba Huân chương Lênin, bốn huân chương Cờ Đỏ, các Huân chương Sao Đỏ, Kutuzov hạng nhất, các huy chương “20 năm Hồng quân Công – Nông”, “Bảo vệ Moskva”, “Chiến thắng phát xít Đức”, “Kỷ niệm 800 năm Moskva”, “30 năm Quân đội và Hải quân”. Được tặng danh hiệu “Chiến sĩ an ninh danh dự” hai lần cùng với huy hiệu chứng nhận. Theo tôi nhớ, lần đầu tôi được tặng danh hiệu này là vào khoảng năm 1926-1927, còn lần thứ hai vào khi nào thì tôi đã quên mất.
Chánh án: Nhân chứng Stenberg, khai tên họ, năm sinh, nơi sinh, đảng tịch, vị trí đang giữ.
Stenberg: Tôi là Vladimir Avgustovich Stenberg, sinh năm 1899, quê ở Moskva, công dân Xôviết, năm 1933 được nhập quốc tịch Liên Xô, không tham gia đảng, nghề nghiệp: họa sĩ.
Chánh án: Ông có quan hệ thế nào với bị cáo Vlasik?
Stenberg: Quan hệ bình thường, bằng hữu.
Chánh án: Bị cáo Vlasik, bị cáo có quan hệ thế nào với nhân chứng Stenberg?
Vlasik: Quan hệ bình thường, bạn bè.
Chánh án: Nhân chứng Ivanskaya, hãy khai tên họ, năm sinh, nơi sinh, đảng tịch, vị trí đang giữ.
Ivanskaya: Tôi là Vera Gerasimovna Ivanskaya. Quê ở Dvinsk, người Nga, quốc tịch Xôviết, đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1941, nghề nghiệp: nghệ sĩ.
Chánh án: Bà có quan hệ thế nào với bị cáo Vlasik?
Ivanskaya: Quan hệ bình thường.
Chánh án: Bị cáo Vlasik, bị cáo có quan hệ thế nào với nữ nhân chứng?
Vlasik: Quan hệ bình thường.
Chánh án: Tôi xin cảnh báo trước với các nhân chứng rằng họ chỉ được nói ra trước tòa sự thật. Nếu có những lời cố tình làm chứng không đúng sự thật thì sẽ phải chịu trách nhiệm theo điều 95 Luật Hình sự nước Cộng hòa LB Nga.
Đồng chí bảo vệ, hãy đưa nhân chứng ra khỏi phòng xử án.
Bị cáo Vlasik, tòa thông báo cho bị cáo biết rằng, bị cáo có quyền khai trước tòa về tất cả các phần trong hồ sơ cũng như về từng phần. Có quyền đặt câu hỏi đối với các nhân chứng cũng như trình các yêu cầu trước tòa trước và trong quá trình xét xử.
Nikolai Vlasik, Joseph Stalin và Vasily Stalin.
Vlasik: Bị cáo đã rõ các quyền của mình, hiện nay bị cáo chưa có yêu cầu gì đối với tòa.
Chánh án: Tôi tuyên bố thành phần Hội đồng Thẩm phán trong vụ án này. Chánh án: Đại tá Tư pháp Borisoglevsky, các thẩm phán là Đại tá Tư pháp Kovalenko và Đại tá Tư pháp Rybkin, thư ký tòa - đại úy Afanasiev. Tòa thông báo là bị cáo có quyền có ý kiến phản đối về toàn bộ thành phần xét xử cũng như những thành viên đơn lẻ. Bị cáo có ý kiến phản đối ai không?
Vlasik: Không, không có.
Chánh án: Tôi tuyên bố khai mạc phiên tòa. Đồng chí thư ký, hãy đọc bản cáo trạng!
(Thư ký đọc cáo trạng)
Chánh án: Bị cáo Vlasik, bị cáo có nhận mình đã có tội như trong cáo trạng không và bị cáo có hiểu rõ tội của mình không?
Vlasik: Bị cáo hiểu tội của mình. Bị cáo nhận mình có tội nhưng xin tuyên bố rằng bị cáo không hề có động cơ gì xấu trong những việc đã phạm phải.
Chánh án: Từ thời điểm nào tới thời điểm nào bị cáo đã giữ chức Cục trưởng Cục Bảo vệ ở Bộ An ninh Quốc gia cũ của Liên bang Xôviết?
Vlasik: Từ năm 1947 tới năm 1952.
Chánh án: Bị cáo đã có những nhiệm vụ gì ở cương vị đó?
Vlasik: Bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Chánh án: Tức là bị cáo đã được Ban Chấp hành Trung ương và Chính phủ đặc biệt tin tưởng. Thế bị cáo có làm được những gì để xứng đáng với sự tin cậy đó?
Vlasik: Bị cáo đã áp dụng mọi biện pháp để hoàn thành nhiệm vụ này.
Chánh án: Bị cáo có biết Stenberg không?
Vlasik: Có, tôi có biết ông ấy.
Chánh án: Khi nào bị cáo làm quen với ông ấy?
Vlasik: Bị cáo không nhớ chính xác nhưng hình như là vào khoảng năm 1934. Bị cáo biết là ông ấy làm họa sĩ trang trí ở Quảng trường Đỏ trong những dịp lễ hội. Trong thời gian đầu thì chúng tôi cũng rất ít khi gặp nhau.
Chánh án: Lúc đó bị cáo đã ở trong đơn vị bảo vệ Chính phủ?
Vlasik: Đúng thế, bị cáo được phân công về đơn vị bảo vệ Chính phủ từ năm 1931.
Chánh án: Bị cáo đã làm quen với Stenberg như thế nào?
Vlasik: Đó là trong thời gian tôi yêu cô gái tên là Spirina. Khi ấy, tôi đã li dị với vợ mình rồi. Cô Spirina khi ấy sống ở căn hộ cùng cầu thang lên với gia đình Stenberg. Một lần, bị cáo tới căn hộ của cô Spirina, đúng lúc đó vợ của Stenberg cũng ghé vào chơi và chúng tôi đã được giới thiệu làm quen với nhau. Một thời gian sau, chúng tôi có vào chơi căn hộ của gia đình Stenberg và ở đó bị cáo đã làm quen với chính ông Stenberg.
Chánh án: Điều gì khiến bị cáo trở nên gần gũi với Stenberg?
Vlasik: Dĩ nhiên là chúng tôi trở nên gần gũi với nhau qua những lần uống rượu chung và các cuộc làm quen với phụ nữ.
Chánh án: Để làm việc đó thì căn hộ của ông ta là một nơi rất thuận lợi ư?
Vlasik: Bị cáo rất ít khi tới căn hộ của ông ấy.
Chánh án: Bị cáo có hay nói những câu chuyện công việc trước mặt Stenberg không?
Vlasik: Những câu chuyện công việc đơn lẻ mà bị cáo từng phải nói qua điện thoại trước mặt Stenberg không cung cấp cho ông ấy thông tin gì được cả, vì thường là bị cáo chỉ nói rất ngắn gọn có hay không. Chỉ có một lần bị cáo buộc phải nói qua điện thoại trước mặt Stenberg với một Thứ trưởng. Chuyện hôm đó liên quan tới trang bị cho một sân bay. Bị cáo khi ấy nói rằng đấy là vấn đề không liên quan tới bị cáo và đề nghị liên lạc với Tư lệnh Không quân.
Chánh án: Tòa công bố lời khai của bị cáo trong quá trình thẩm vấn sơ bộ ngày 11-2-1953: “Tôi buộc phải thú nhận rằng tôi đã quá vô tư lự và thiển cận về chính trị đến mức trong những cuộc chơi bời trác táng đó trước mặt Stenberg và vợ của ông ta đã có những cuộc trò chuyện về công việc với lãnh đạo Bộ An ninh Quốc gia cũng như ra những mệnh lệnh về chuyên môn cho các cán bộ chiến sĩ dưới quyền”.
Bị cáo có công nhận đó là những lời khai của bị cáo không?
Vlasik: Khi bị thẩm vấn bị cáo đã ký vào biên bản ghi lời khai này nhưng trong đó không hề có một chữ nào là của bị cáo nói. Tất cả đều là do điều tra viên viết. Bị cáo đã nói khi bị thẩm vấn là bị cáo không phủ nhận việc bị cáo đã có những cuộc nói chuyện qua điện thoại về công việc trong thời gian uống rượu với Stenberg nhưng bị cáo tuyên bố rằng, không thể hiểu bất cứ điều gì từ những cuộc nói chuyện như thế. Ngoài ra, bị cáo xin được lưu ý là, Stenberg đã có nhiều năm làm việc trang trí ở Quảng trường Đỏ và đã tự biết rất nhiều điều liên quan tới công việc của các đơn vị trong Bộ An ninh Quốc gia.
Chánh án: Bị cáo tuyên bố rằng không có chữ nào của bị cáo trong biên bản thẩm vấn. Điều đó đúng với riêng phần chúng ta đang xét xử hay với toàn bộ vụ án này?
Vlasik: Không, không thể đánh giá như thế được. Bị cáo đã công nhận trong lúc bị thẩm vấn là bị cáo không chối bỏ lỗi của mình trong việc đã có những cuộc trò chuyện mang tính công việc qua điện thoại trước mặt Stenberg. Bị cáo cũng đã nói rằng, trong những cuộc nói chuyện đó có thể đã đề cập tới những vấn đề mà Stenberg đã biết và vì thế có thể rút ra được những thông tin nào đó. Nhưng điều tra viên đã ghi những lời bị cáo nói theo cách của đồng chí ấy, khác với những lời mà bị cáo đã nói khi bị thẩm vấn. Hơn thế nữa, hai điều tra viên Rodionov và Novikov đã không cho bị cáo được sửa lại bất cứ từ gì vào văn bản mà họ đã ghi.
Chánh án: Đã có trường hợp nào mà bị cáo nói chuyện với lãnh đạo Chính phủ trước mặt Stenberg chưa?
Vlasik: Có một lần. Nhưng cuộc nói chuyện đó chỉ là những câu trả lời của bị cáo trước những câu hỏi của lãnh đạo
Chính phủ và Stenberg đã không thể hiểu được bất cứ điều gì ngoài việc biết ai là người mà bị cáo đã nói chuyện.
Chánh án: Bị cáo đã gọi lãnh đạo Chính phủ theo tên và tên đệm hay theo họ?
Vlasik: Khi nói chuyện tôi đã gọi theo họ.
Chánh án: Đó là cuộc nói chuyện về việc gì?
Vlasik: Đó là cuộc nói chuyện về bưu kiện được gửi cho lãnh đạo Chính phủ từ Cápcadơ. Bị cáo đã chuyển bưu kiện đó tới phòng xét nghiệm để phân tích. Việc phân tích đòi hỏi phải mất một số thời gian và tất nhiên là bưu kiện bị giữ lại. Ai đó đã báo cáo với lãnh đạo về bưu kiện và đồng chí ấy đã gọi điện cho bị cáo để hỏi nguyên nhân, mắng mỏ bị cáo về việc chậm chuyển bưu kiện đến và yêu cầu phải mang lại ngay. Bị cáo đã trả lời là bị cáo sẽ đi kiểm tra ngay vụ việc rồi về báo cáo lại.
Chánh án: Cuộc trò chuyện này được nói từ đâu?
Vlasik: Từ trang trại ngoại ô của bị cáo.
Chánh án: Bị cáo chủ động gọi qua điện thoại hay bị cáo được gọi tới nghe điện thoại?
Vlasik: Bị cáo được gọi tới nghe điện thoại.
Chánh án: Nhưng khi đó bị cáo đã biết ai là người gọi tới nên đã có thể bảo Stenberg đi ra ngoài phòng.
Vlasik: Tất nhiên là bị cáo đã có thể làm như thế. Và hình như là khi ấy bị cáo đã khép cửa phòng lại.
Chánh án: Bị cáo đã cho Stenberg đi trên máy bay công vụ thuộc Cục Bảo vệ bao nhiêu lần?
Vlasik: Hình như là hai lần.
Chánh án: Bị cáo có thẩm quyền làm như thế không?
Vlasik: Có, bị cáo có thẩm quyền làm như thế.
Chánh án: Việc đó đã được cho phép bởi quy định, quy chế hay mệnh lệnh?
Vlasik: Không, không có quy định riêng nào về việc này. Nhưng khi đó bị cáo cho rằng, bị cáo có thể cho phép Stenberg đi trên máy bay vì nó không chở khách ở trong. Thiếu tướng Alexandr Poskrebyshev, Cục trưởng Cục Đặc vụ BCH TƯ Đảng, tức là Ban Thư ký của lãnh tụ Stalin cũng từng làm như thế khi cho phép các nhân viên trong Văn phòng Đảng đi máy bay.
Chánh án: Liệu điều đó có nghĩa là bị cáo đặt những mối quan hệ bạn bè với Stenberg lên trên những chức trách công vụ không?
Vlasik: Hóa ra lại là như vậy.
Chánh án: Bị cáo từng cấp cho bạn bè và những người đàn bà sống với mình giấy phép vào Quảng trường Đỏ khi có duyệt binh phải không?
Vlasik: Có việc này ạ.
Chánh án: Bị cáo có nhận ra đấy là lạm dụng chức trách nhiệm vụ được giao không?
Vlasik: Khi ấy bị cáo đã không để ý tới việc đó. Nhưng giờ thì bị cáo coi đấy là hành vi lạm dụng chức quyền của bị cáo. Nhưng bị cáo cũng xin được xem xét là, bị cáo chỉ cấp giấy ra vào cho những người mà bị cáo biết rõ.
Chánh án: Nhưng bị cáo đã cấp giấy ra vào Quảng trường Đỏ cho một phụ nữ tên là Nikolayeva, người có quan hệ với các nhà báo nước ngoài.
Vlasik: Chỉ bây giờ bị cáo mới nhận thức được là bị cáo đã phạm tội khi đưa cho chị ta giấy ra vào mặc dù khi ấy bị cáo không đánh giá đúng việc này và không nghĩ mình đang làm một việc gì đó sai trái.
Chánh án: Bị cáo cũng từng đưa cho nhân tình của mình là Gradusova và chồng của cô ta vé vào xem trên khán đài sân vận động Dinamo?
Vlasik: Có thế ạ.
Chánh án: Vé vào ngồi ở chỗ nào cụ thể?
Vlasik: Bây giờ thì bị cáo không còn nhớ nữa ạ.
Chánh án: Tòa xin nhắc lại cho nhớ: chính nhờ vé mà bị cáo đã cho nên họ đã ngồi được vào khán đài sân vận động Dinamo đúng ở nơi mà các cán bộ quan trọng của BCH TƯ và Hội đồng Bộ trưởng thường ngồi. Và sau đó họ đã gọi điện lại cho bị cáo để kể một cách ngạc nhiên về những gì đã nhìn thấy. Bị cáo có nhớ chuyện này không?
Vlasik: Có, bị cáo có nhớ chuyện này. Nhưng đã không thể có chuyện gì xấu xảy ra được vì những việc tôi đã làm.
Chánh án: Thế bị cáo có thẩm quyền làm như đã làm không?
Vlasik: Giờ thì bị cáo hiểu rằng, bị cáo đã không có thẩm quyền và cũng không nên làm như thế.
Chánh án: Bị cáo hãy nói, bị cáo và Stenberg cùng những tình nhân của mình có bao giờ ngồi ở trong những lô dành cho đội bảo vệ Chính phủ ở Nhà hát Lớn và các nhà hát khác không?
Vlasik: Có, một hai lần gì đấy bị cáo đã tới Nhà hát Lớn. Cùng với tôi là Stenberg với vợ ông ấy và cô Gradusova. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã hai ba lần tới nhà hát Vakhtangov, nhà hát Operetta…
Chánh án: Bị cáo có nói với họ rằng những lô ấy là dành cho nhân viên đội bảo vệ Chính phủ không?
Vlasik: Không. Vì đã biết tôi là ai rồi nên chắc là họ cũng đã đoán ra được điều này.
Thẩm phán Kovalenko: Tòa xin công bố lời khai của bị cáo Vlasik ngày 26-2-1954: “Stenberg và những người nhân tình đó không những không được quyền biết những ai được ngồi ở các lô đó mà còn không được quyền biết bất cứ điều gì về những lô đó. Còn tôi đã đánh mất sự cảnh giác và tự tới đó với bọn họ, hơn thế nữa, đã phạm pháp khi không chỉ một lần chỉ thị cho phép để Stenberg và những nhân tình vào những lô dành cho các đồng chí Bí thư khi không có mặt tôi”.
Có đúng thế không? Đã xảy ra những trường hợp như thế?
Tướng Vlasik và vợ.
Vlasik: Đúng là có những trường hợp như thế. Nhưng bị cáo bắt buộc phải nói rằng, ở những lô như thế trong các nhà hát như Operetta hay Vakhtagov, không bao giờ các thành viên Chính phủ tới xem cả.
Chánh án: Bị cáo đã từng chiếu cho Stenberg và các nhân tình xem những đoạn phim mà bị cáo đã quay về lãnh đạo Chính phủ?
Vlasik: Có việc như thế. Nhưng bị cáo đã nghĩ rằng, một khi những đoạn phim này là do bị cáo quay thì bị cáo có quyền được chiếu chúng. Giờ thì bị cáo hiểu rằng, lẽ ra bị cáo không nên làm như thế.
Chánh án: Bị cáo đã chiếu cho họ xem trang trại của Chính phủ ở hồ Ritsa?
Vlasik: Có thế, xem cảnh quay từ xa. Nhưng bị cáo muốn nói để tòa hiểu đúng bị cáo. Hồ Ritsa là nơi mà theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ được cho hàng nghìn người tới đó tham quan. Bị cáo từng được giao nhiệm vụ tổ chức quy trình tham quan các thắng cảnh ở đó. Cụ thể, đã tổ chức đi tham quan bằng canô và các canô này chạy theo hành trình sát nơi có các trang trại của Chính phủ và khách tham quan. Trong bất cứ trường hợp nào thì phần lớn khách tham gia đều biết nơi có trang trại của Chính phủ.
Chánh án: Nhưng không phải mọi khách tham quan đều biết đích xác nơi có trang trại của lãnh đạo Chính phủ. Thế mà bị cáo lại kể cho Stenberg và các nhân tình biết chuyện này.
Vlasik: Nơi có trang trại của lãnh đạo Chính phủ đã được tất cả những người tham quan biết rõ. Điều này đã được chứng tỏ bằng rất nhiều tư liệu điều tra mà bị cáo có được trong giai đoạn đó.
Chánh án: Bị cáo còn để lộ những thông tin tối mật nào nữa trong các cuộc trò chuyện với Stenberg?
Vlasik: Không có gì cả.
Chánh án: Thế bị cáo có kể cho ông ta nghe chuyện trang trại của Nguyên soái Kliment Voroshilov từng là một nhà lãnh đạo cao cấp vào loại hàng đầu ở Liên Xô giữa thế kỷ XX và những tài liệu đã thị thiêu hủy tại đó?
Vlasik: Đích xác thì bị cáo không nhớ việc này nhưng cũng có chuyện như thế. Khi trong một lần bị cáo xin Stenberg cho mấy cái bóng đèn con để trang trí cây thông thì đã tiện mồm kể cho ông ấy biết về những chuyện có thể xảy ra nếu không thận trọng với các bóng đèn trên cây thông.
Chánh án: Bị cáo đã kể cho ông ta biết những gì đã bị tiêu hủy trong đám cháy đó ư?
Vlasik: Cũng có thể bị cáo đã kể cho ông ấy biết rằng đã có những tài liệu lịch sử quan trọng đã bị tiêu hủy trong đám cháy đó.
Chánh án: Bị cáo có thẩm quyền nói cho ông ta biết chuyện này?
Vlasik: Tất nhiên là không. Nhưng bị cáo đã không coi đấy là việc quan trọng.
Chánh án: Bị cáo đã nói với Stenberg về việc năm 1941 đã xuống Kuybyshev để chuẩn bị các căn hộ cho các thành viên Chính phủ?
Vlasik: Stenberg cũng ở thời điểm đó đã trở về từ Kuybyshev và bị cáo đã nói chuyện về chuyến đi của bị cáo xuống Kuybyshev, nhưng nội dung cụ thể của cuộc nói chuyện thì bị cáo không còn nhớ nữa.
Chánh án: Bị cáo từng kể cho Stenberg biết chuyện một lần bị cáo từng phải đánh lừa một vị đại sứ nước ngoài khi ông này muốn kiểm tra xem trong lăng có thi hài của Lênin hay không và để làm việc đó, ông ta đã mang vòng hoa tới viếng?
Vlasik: Bị cáo không còn nhớ cụ thể nhưng hình như đã có một cuộc nói chuyện về việc này.
Thẩm phán Kovalenko: Tòa công bố lời khai của bị cáo Vlasik ngày 18-2-1953: “Tôi đã để lộ những thông tin mật cho Stenberg biết hoàn toàn chỉ do tôi đã vô tư lự quá. Thí dụ như trong những năm chiến tranh, khi thi hài Lênin đã dược đưa ra khỏi Moskva, và một vị đại sứ nước ngoài muốn kiểm tra xem liệu thi hài Lênin có còn ở trong lăng hay không, đã mang vòng hoa tới viếng. Việc này đã được báo cáo cho tôi qua điện thoại về trang trại, khi ở đó cạnh tôi có Stenberg. Sau khi nói chuyện điện thoại xong, tôi có kể cho Stenberg biết việc này và bảo, để đánh lừa vị đại sứ ấy chúng tôi đã phải nhận vòng hoa và đặt cạnh đội gác danh dự ở cửa lăng. Cũng còn có những trường hợp tương tự như thế nhưng tôi không còn nhớ chúng nữa vì tôi không để lắm tới những câu chuyện đó, và vì tôi đã cho rằng Stenberg là một người trung thực”.
Đó có đúng là lời khai của bị cáo không?
Vlasik: Bị cáo có nói với điều tra viên rằng có thể đã có những trường hợp người ta gọi điện thoại tới cho bị cáo. Nhưng những khi đó có Stenberg bên cạnh bị cáo hay không thì bị cáo không còn nhớ nữa.
Chánh án: Bị cáo có kể cho Stenberg nghe về việc tổ chức bảo vệ trong Hội nghị Postdam hay không?
Vlasik: Không. Tôi không hề nói với ông ấy về chuyện này. Khi tôi trở về từ Postdam, thì tôi đã cho Stenberg xem những đoạn phim quay ở Postdam trong thời gian diễn ra hội nghị. Vì trong những đoạn phim này tôi được quay ở ngay sát cạnh người được bảo vệ nên ông ấy không thể hiểu rằng tôi là người chỉ đạo toàn bộ công tác bảo vệ đó.
Chánh án: Bị cáo Vlasik, có phải bị cáo đã tiết lộ với Stenberg ba điệp viên bí mật của Bộ An ninh Quốc gia là Nikolayeva, Krivova và Ryantseva không?
Vlasik: Tôi đã nói với ông ấy về thói nhiễu sự của Ryantseva và buột miệng nhận xét rằng, có lẽ cô ta có liên quan tới công an.
Chánh án: Tòa công bố lời khai của nhân chứng Stenberg ngày 22-10-1953: “Từ Vlasik tôi mới được biết rằng cô người quen của tôi, Galina Nikolayevna Krivova, hiện đang làm việc tại công ty trang trí ngoại thất thuộc Xôviết Moskva là nhân viên của Bộ An ninh Quốc gia, cũng như việc nhân tình của ông ấy, Valentina Ryazantseva (tôi không rõ tên đệm theo cha của cô này) cũng cộng tác với Bộ An ninh Quốc gia. Ngoài ra, Vlasik không nói cho tôi biết thông tin gì thêm về công việc của Bộ An ninh Quốc gia”.
Bị cáo có xác nhận những lời khai này không?
Vlasik: Bị cáo có nói với Stenberg rằng Ryazantseva ngày nào cũng gọi điện thoại cho tôi và mời gặp. Trên cơ sở của sự việc này và của việc là cô ta làm trong một cửa hàng thực phẩm nào đó, bị cáo có nói với Stenberg rằng, có lẽ cô ta có cộng tác với điều tra hình sự. Nhưng bị cáo không hề nói với Stenberg rằng cô ta là nhân viên của Bộ An ninh Quốc gia, bởi vì chính bị cáo cũng không biết về chuyện này. Cũng phải nói rằng, tôi biết cô Ryazantseva từ khi cô ta còn bé…
Không hề oán thán
Gần hai tháng sau phiên tòa xử án 10 năm tù cho tướng Vlasik, lãnh tụ Stalin cũng qua đời vào ngày 5/3/1953… Tới ngày 27/3/1953, tướng Vlasik được ân xá giảm án xuống còn 5 năm tù. Tới ngày 15/12/1956, Xôviết tối cao Liên Xô đã ra sắc lệnh trả lại tự do cho tướng Vlasik. Tuy nhiên, ông vẫn không được phục hồi quân hàm và chức vụ.
Tướng Vlasik đã quay trở lại sống ở Moskva trong cảnh túng thiếu và qua đời vào ngày 18/6/1967. Trước khi mất không lâu, ông đã chuyển cho cơ quan lưu trữ nhà nước những tài liệu của cá nhân ông. Trước khi mất, ông đã để lại di bút: “Tôi đã bị Stalin trừng phạt một cách tàn khốc. Suốt 25 năm phục vụ tận tụy, không hề bị nhắc nhở điều gì, chỉ toàn khen ngợi và ban thưởng, tôi đã bị khai trừ khỏi Đảng và tống giam. Ông ấy đã trao tôi cho kẻ thù vì tôi đã trung thành vô bờ bến với ông ấy. Nhưng không bao giờ, không phút nào, dù tôi ở trong tâm trạng nào, dù tôi bị hành hạ thế nào, khi ở trong tù, tôi không bao giờ có chút oán thán Stalin”.
Ngày 28/6/2000, Tòa án Tối cao LB Nga đã quyết định bãi bỏ bản án xử tướng Vlasik năm 1944 vì “không có bằng chứng phạm tội”.
Trong những hồi ức còn lại, tướng Vlasik luôn nhớ tới lãnh tụ Stalin với những gì tốt đẹp nhất.