Khi khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện ở động Người Xưa có 3 ngôi mộ với các bộ xương người hóa thạch, ước tính cách đây khoảng 7.500 năm.
Nơi mà chúng tôi đang nói đến là động Người Xưa, nằm trên núi đá vôi ở rừng nguyên sinh thuộc Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình).
Để đi tới động, từ vị trí bìa rừng, chúng ta phải đi bộ trên quãng đường dài 4 km. Trên hành trình, sẽ phải đi qua cây cầu dài hơn 100 m để đến được núi đá vôi, sau đó, phải leo hơn 200 bậc đá để đến trước cửa động. Tại đây, trước mắt là cửa động rộng khoảng 10 m, cao 20 m. Ở bên trong động, có nhiều nhũ đá, khi gõ vào sẽ phát ra những âm thanh như tiếng cồng, tiếng chiêng của người Mường.
Ông Phạm Phú Cường - cán bộ VQG Cúc Phương cho biết: Hang động này dài khoảng 300 m, được chia làm 3 ngăn, cửa quay về hướng Tây Nam. Trong đó, ngăn ngoài cùng rộng, sáng và thoáng nên được người tiền sử chọn làm nơi sinh sống; ngăn giữa hẹp, tối, ẩm thấp, là nơi loài dơi sinh sống; ngăn trong cùng tối, ẩm có hệ thống nhũ đá rất đẹp.
Theo tài liệu của VQG Cúc Phương, động Người Xưa được Viện khảo cổ Việt Nam và các chuyên gia Đức tiến hành khai quật năm 1966. Qua đó, đã phát hiện nhiều loại rìu, dao đá, mũi nhọn xương, vỏ ốc, xương thú... Các nhà khảo cổ kết luận, ở trong động, đã từng có người nguyên thủy sinh sống trong một thời gian dài.
Đặc biệt, ở động còn phát hiện 3 ngôi mộ cổ với các bộ xương người đã hóa thạch còn khá nguyên vẹn, cách ngày nay khoảng 7.500 năm. Khi khai quật, thi hài trong mộ được chôn trong tư thế nằm co ở độ sâu 40 - 140 cm, xung quanh kè đá hộc, đáy lót đá dăm và rắc thổ hoàng.
Theo ông Cường, trong 3 bộ hài cốt, có 2 bộ được lưu giữ tại Bảo tàng khảo cổ học Việt Nam, 1 bộ được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Cúc Phương.
'Cùng với động Người Xưa, tại VQG Cúc Phương còn phát hiện hang Con Moong, nơi có những dấu tích của người Việt cổ có niên đại cách đây từ 7.000 - 12.000 năm', ông Cường nói.