Bí mật sau quá trình tan rã Xôviết: 'Nhóm tứ nhân' và Gorbachev

Nguyễn Trung Tín (biên dịch) 09/04/2016 16:35

Theo đánh giá của cựu Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Valentin Falin, Mikhail Gorbachev, Tổng bí thư cuối cùng của Đảng Cộng sản Liên Xô và cũng là Tổng thống duy nhất của Liên bang Xôviết, đã đóng vai trò của con bọ vòi voi gặm mục ruỗng gốc rễ của quốc gia xã hội chủ nghĩa này.

Bí mật sau quá trình tan rã Xôviết: 'Nhóm tứ nhân' và Gorbachev

Valentin Falin.

Ngày 3/4/2016 tới, ông Valentin Falin sẽ tròn 90 tuổi. Ban biên tập nguyệt san Tuyệt mật (Nga) đánh giá ông là người biết hầu như tất cả những bí mật trong chính sách đối ngoại và đối nội của Liên bang Xôviết.

Falin từng 7 năm là đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên Xô ở CHLB Đức (từ 1971 tới 1978). Sau đó, ông đã là Phó trưởng ban thứ nhất Ban Thông tin đối ngoại BCH TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô.

Năm 1982, ông bị “thất sủng” và phải quay ra làm bình luận viên quốc tế báo Izvestia và lãnh đạo hãng tin APN. Trong đỉnh điểm của công cuộc cải tổ, Falin đã giữ cương vị Trưởng ban Đối ngoại BCH TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô và Bí thư Trung ương Đảng (trong những năm 1989–1991).

Falin là người rất quyết liệt trong các đánh giá và ban biên tập Tuyệt mật phải nói rằng họ hoàn toàn không đồng tình với một số ý kiến và kết luận của ông. Nhưng họ tôn trọng những gì ông nói vì đó là ký ức của người từng can dự vào nhiều sự kiện then chốt trong lịch sử quốc gia Xôviết những thập niên cuối thế kỷ XX.

Falin nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không rút ra những bài học từ kinh nghiệm bi thảm trong lịch sử của mình mà chúng ta đã phải trả bằng cái giá vô cùng to lớn, thì chúng ta sẽ không thể cứu vãn được nước Nga hiện nay”. Những gì mà ông Falin trả lời cho nguyệt san Tuyệt mật có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những nguyên nhân đã dẫn tới sụp đổ Liên bang Xôviết ở đầu những năm 90 của thế kỷ trước.

PV: Thưa ông, đã một phần tư thế kỷ trôi qua kể từ này tan rã Liên bang Xôviết. Dư luận xã hội thì cho rằng, “mọi tội lỗi đều do Gorbachev”. Nhưng liệu có phải vị Tổng Bí thư cuối cùng và vị Tổng thống đầu tiên của chúng ta đã có lỗi trong tất cả mọi sự hay không? Hoặc giả, liệu có thể có được một ai đó khác cũng có thể ở vị trí của Gorbachev và gây nên mọi sự y hệt như thế?

Valentin Falin: Gorbachev được đưa lên nắm quyền lực ở Liên Xô là do sự hiệp thương ở cấp cao nhất trong đất nước chúng ta. Sự hiệp thương đó cần để bật đèn xanh cho mỗi một người trong số các ứng cử viên nhận được lá phiếu ủng hộ trong ban lãnh đạo đất nước tiếp tục đóng góp vai trò của mình trong chính sách của Liên bang Xôviết. Tại sao năm 1964 Leonid Brezhnev được đưa lên nắm quyền lực? Đó là vì Brezhnev là người không có khả năng gây ra đối đầu.

Năm 1964 đã hình thành tam đầu chế bao gồm Tổng Bí thư BCH TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô Brezhnev, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xôviết Tối cao Podgornyi và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Kosygin. Cả ba người đều có lá phiếu giá trị như nhau. Tôi từng có mặt trong một số tình huống, khi một trong số ba người tôi vừa nêu tên có ý kiến khác về một vấn đề chính trị quan trọng nào đó và sau đấy thì vấn đề đó đã bị bỏ lửng.

Đôi khi một trong số những thành viên tam đầu chế trong thời gian thảo luận một vấn đề quan trọng nào đó đã không có mặt trong Điện Kremli hay thậm chí là ở Moskva thì lúc ấy, quyết sách cho những vấn đề có ý nghĩa quan trọng chiến lược đối với đất nước đã bị gác lại vô thời hạn.

Tình huống này đã dẫn tới việc tháng 6/1977, tam đầu chế đã loại bỏ Nikolai Victorovich Podgornyi bằng việc xóa bỏ mọi chức vụ của ông ấy, chỉ để ông ấy chết dần chết mòn với tư cách là một cán bộ hưu trí cấp liên bang. Trước đó, năm 1976, Aleksei Nikolaievich Kosygin đã bị một cơn đột quỵ. Cũng trong giai đoạn đó tụ lại quanh Brezhnev là một loạt những kẻ xu phụ, chung tay tạo dựng trong nước một hệ thống sùng bái cá nhân mới. Họ đã biến một người hồn hậu và giản đơn thành một thần tượng đeo tới chín mười dãy huân huy chương.

Tôi phải nói rằng, chính Leonid Ilich Brezhnev đã không hề thích thú gì với sự chăm bẵm quá đáng đối với cá nhân ông ấy. Thí dụ, khi người ta định biến những trận chiến ở vùng Đất Nhỏ (nơi Brezhnev đã tham dự - NTT) thành một Stalingrad thứ hai, thì Leonid Iich đã nổi giận. Năm 1968, khi chúng tôi tới thăm viện bảo tàng Đất Nhỏ, Brezhnev đã nói với tôi rằng, ông không hề muốn để người ta nghĩ dường như tại vùng đất bé xíu này đã quyết định diễn tiến của chiến tranh thế giới thứ hai. Ông rất ngại việc người ta lại biến ông thành một thần tượng Xôviết.

Đúng là linh cảm đã không đánh lừa ông ấy. Lúc cuối đời, khi ông ấy đau yếu nặng, ông ấy đã hai lần đưa ra Bộ Chính trị thảo luận việc cho ông ấy rời khỏi chức vụ. Và cả hai lần đều bị từ chối. Brezhnev đã phải làm tấm mành che để người khác quậy phá chứ không phải thực hiện những gì thực sự cần thiết cho Liên bang Xôviết.

Những đảng viên thường của Đảng Cộng sản Liên Xô từng thầm thì với nhau: ở Liên bang Xôviết, trị vì không phải là Brezhnev mà là “nhóm tứ nhân” tự tạo Trong nhóm này đã có Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) Yuri Andropov, Bộ trưởng Quốc phòng Dmitri Ustinov, nhà tư tưởng chính yếu của Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Suslov và Bộ trưởng Ngoại giao Andrei Gromyko.

Các đồng nghiệp của tôi có lý khi gọi những người này là “nhóm tứ nhân”. Chính bốn người này đã tùy nghi linh động bộ máy quyền lực trong nước theo ý mình. Và về bản chất, chính vì thế đã bắt đầu quá trình suy thoái và hấp hối của Liên bang.

Ông khi đó cũng đã làm việc trong bộ máy của Andrei Andreyevich Gromyko. Vì sao ông lại cho rằng hoạt động của lãnh đạo Bộ Ngoại giao khi đó không đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của Liên bang Xôviết và của hệ thống xã hội chủ nghĩa? Theo những gì mà chúng ta đã biết, chính vì bảo vệ những quyền lợi xã hội chủ nghĩa mà ông Gromyko bị người Mỹ gọi là Ngài không?

- Trong những năm 70 của thế kỷ trước, người Mỹ đã buộc lãnh đạo CHLB Đức triển khai trên lãnh thổ nước hình hệ thống tên lửa Pershing như loại vũ khí tên lửa tấn công phủ đầu, chống lại “hiểm họa Xôviết”. Nếu được triển khai thì các tên lửa Pershing sẽ nhằm vào đích nước Cộng hòa Dân chủ Đức ruột thịt đối với những người Đức ở CHLB Đức.

Thủ tướng CHLB Đức lúc đó là Helmut Schmidt, người không muốn đồng bào mình phải hy sinh và nói chung muốn phòng ngừa trước thảm họa, đã đề nghị Liên Xô chấp nhận phương án giải quyết vấn đề như sau.

Ở thời điểm đó, trong nhóm quân Xôviết đồn trú tại Đông Âu có triển khai tên lửa SS-4 và SS-5. Schmidt đề nghị: để cho Moskva thay những tên lửa loại này bằng những tên lửa mới hơn thuộc hệ Pioner (tức là SS-20) với điều kiện rằng các tên lửa Pioner không mang nhiều hơn số đầu đạn so với các hệ thống tên lửa cũ. Với tư cách Thủ tướng CHLB Đức, Schmidt sẽ gây sức ép đối với Washington để người Mỹ không triển khai tên lửa Pershing nữa.

Phương án nàycủa Schmidt là hoàn toàn có thể chấp nhận được. Để điều chỉnh lại hệ thống tên lửa của chúng ta trong các nhóm quân đồn trú ở nước ngoài không cần phải thêm một lần khua chuông gõ mõ khắp cả châu Âu. Vì trên các tên lửa SS-4 và SS-5 là đầu đạn đơn lập, còn trên các tên lửa Pioner là đầu đạn tam lập. Những biến động tên lửa của Mỹ ở CHLB Đức đã tạo ra nguy cơ có thực đối với châu Âu và Liên Xô cần phải ngăn chặn trước nguy cơ này.

Tôi đã báo cáo với Gromyko về các kế hoạch của người Mỹ và trình bày các đề nghị của Schmidt về vấn đề đó. Andrei Andreyevich, sau khi nghe tôi trình bày xong, đã nói đại ý rằng “gã trộm già Schmidt thông qua ông Filin đề nghị Moskva thay đổi tên lửa Xôviết trên không”. Và Gromyko kết luận: “Chờ tới khi nào người Mỹ triển khai xong những Pershing đó ở CHLB Đức thì chúng ta mới bắt đầu trò chuyện”. Tôi đáp: “Khi họ triển khai xong thì đã muộn rồi”. Gromyko nói luôn: “Không có từ “muộn” trong chính trị!”

Schmidt đã cố gắng thuyết phục lần cuối khi ông ấy trên đường bay từ Trung Quốc về Bonn và ghé qua Moskva. Ông ấy đã định liên hệ với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Kosygin, người đã không chống lại kế hoạch của Thủ tướng Đức về tên lửa Pioner. Thế nhưng thay vào chỗ Kosygin lại là ông Gromyko cố chấp nên ông ấy đành phải về không. Ở thời điểm đó, ông Kosygin, sau cú đột quỵ, đã gần như bị loại khỏi chiến trường và đành phải sống nốt những ngày cuối cùng của đời mình.

Rốt cuộc là người Mỹ đã triển khai xong các tên lửa Pershing ở CHLB Đức, cán cân lực lượng ở châu Âu đã nghiêng về phía NATO, còn đất nước chúng ta đã bị lôi cuốn vào cuộc chạy đua vũ trang cốt tử khiến kiệt quệ tất cả các nguồn lực ngoại tệ và đẩy nền kinh tế tới chỗ khủng hoảng. Hệ lụy của khủng hoảng kinh tế Xôviết chính là sự tan rã Liên bang Xôviết.

Bởi với những tên lửa Pershing ở CHLB Đức, người Mỹ đã triển khai tới 12 chương trình quân sự. Chúng ta cũng đã đáp trả bằng các chương trình của mình. Năm 1981 đã thông qua chương trình mới đối với các nước NATO ở châu Âu, còn đối với các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ là chương trình “Quân đội năm 2000”. Liên Xô bắt đầu ngột thở.

Tổng Tham mưu trưởng Liên bang Xôviết Nikolai Ogarkov đã báo cáo với Bộ Chính trị về việc quân đội Xôviết không đủ sức để đối chọi với chương trình trên. Và người ta đã nói với ông ấy rằng, một khi Ogarkov thông thạo về các câu chuyện quân sự phương Tây như thế, thì ông ấy hãy đi chỉ huy Nhóm quân Xôviết đồn trú ở Đức, còn Bộ Tổng tham mưu sẽ nhận người có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và chính phủ giao cho.

Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch Nikolai Baibakov báo cáo với Bộ Chính trị: nền kinh tế quốc gia không đủ sức vượt qua sức ép quân sự với người Mỹ. Ông ấy cũng được nghe câu trả lời như sau: “Nikolai Konstantinovich, đồng chí hãy về hưu nhé! Thay vào chỗ đồng chí sẽ là người nghe theo những mệnh lệnh nhận được!”

Tới giai đoạn cuối cầm quyền của Brezhnev, những nguồn lực được dự định dành cho việc phát triển nền kinh tế Xôviết và cải thiện chính sách xã hội của Liên bang, đã bị cắt giảm tới 50%. Bắt đầu cuộc khủng hoảng và tới giữa những năm 80 đã trở nên gay gắt đến mức đất nước chúng ta đã ở sát vực thẳm. Nguyên nhân của việc này chính là câu mà Andrei Gromyko đã nói: “Không có từ “muộn” trong chính trị!”

Nếu ông cho phép, chúng ta sẽ nói trực tiếp tới Mikhail Gorbachev, đội hình của ông ấy, công cuộc cải tổ và những sự kiện tiếp theo.

- Vấn đề chính của Gorbachev – đó là sự thiếu vắng trong con người một nhân cách. Sự tình là chính ông ấy đã trở thành nguyên thủ của quốc gia Xôviết và lại trong chính giai đoạn hết sức phức tạp đó. Giai đoạn mà ở Liên Xô khoảng cách giữa lời nói với việc làm đã đạt đến mức mà Đảng và chính phủ không thể nào xem nhẹ hơn những nhu cầu và mong muốn cơ bản nhất của người dân Xôviết.

Cũng trong giai đoạn đó ở đầu bên kia thế giới, ghế lãnh đạo CIA Mỹ có một chủ nhân mới là William Casey. Casey đã đề nghị Tổng thống Mỹ Reagan tạo ra sự mất giá đột biến đối với năng lượng.

Chính với hiệu lệnh của Reagan mà Arab Saudi, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất đã gây nên tình trạng dư thừa dầu mỏ và giá một thùng dầu mỏ đã giảm từ 25–26 USD xuống còn 8 USD. Và nguồn USD thu được nhờ dầu mỏ, vốn vẫn được đất nước chúng ta dùng để thanh toán cho nhập khẩu hàng tiêu dùng, chiếm 40% tổng lượng hàng tiêu dùng rộng rãi, và hơn nữa, cho các loại thuốc chữa bệnh mà chúng ta vẫn mua ở nước ngoài, tại các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, đã bị cạn kiệt.

Khối SEV thực tế bị đóng cửa, mọi người đều phải sống bằng ngoại tệ. Và đó là quyết định ngu ngốc thậm tệ. Tôi khi đó đang là lãnh đạo Ban Quốc tế BCH TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô, đã định lên tiếng phản bác rằng không thể làm như thế. Cần phải, trước tiên là triển khai chính sách vừa đủ trong lĩnh vực vũ trang.

Khi tham gia chạy đua vũ trang đáp trả thách thức từ Hoa Kỳ, chúng ta đã hành động không chỉ chống lại Mỹ mà chống lại chính bản thân đất nước mình. Chúng ta đã đồng lõa với chiến lược của Mỹ nhằm dồn Liên bang Xôviết vào chỗ chết bằng cuộc chạy đua vũ trang.

Gorbachev khi lên nắm quyền lực đã không có bất cứ một chương trình riêng nào cả. Khẩu hiệu của ông ấy chính là nguyên tắc Napoleon: cứ đánh đấm đi rồi hồi sau sẽ rõ. Sau khi Mikhail Sergeyevich đánh mất mình trong chính trị, ông ấy đã cố gắng bảo trì vị thế của mình hoặc cái có vẻ như là vị thế của mình bằng mọi giá. Ông ấy đã sẵn sàng trả giá cho việc đó, như nhân vật trong kịch Shakespeare, chỉ khác là rốt cuộc đã đánh đổi cả vương quốc lấy con ngựa.

Gorbachev đối với Tổ quốc chúng ta thực sự là con bọ vòi voi. Ông ấy đã hành theo theo nguyên tắc Clausewitz: Chỉ có thể chiến thắng nước Nga từ bên trong. Và ông ấy đã thắng: gặm hết gốc rễ để cây khô héo và chết. Giúp ông ấy là Eduard Shevardnadze, Aleksandr Yakovlev cùng những nhân vật xu phụ khác.

Bí mật sau quá trình tan rã Xôviết: 'Nhóm tứ nhân' và Gorbachev - 1

Mikhail Gorbachev và Valentin Falin.

Ông hãy kể về Aleksandr Yakovlev. Ông này đã là “đốc công của cải tổ”, còn dưới thời Yeltsin đã trở thành nhà tư tưởng chủ đạo của nền dân chủ Nga.

- Về việc Yakovlev sống dựa vào túi tiền người Mỹ thì tôi đã biết từ năm 1961. Một người quen làm việc trong KGB đã cho tôi biết điều này. Gần 10 năm trời Aleksandr Nikokayevich làm đại sứ Liên Xô ở Canada. Ông ấy không phải là gián điệp Mỹ theo cái nghĩa thông thường của từ này.

Tới thời điểm Gorbachev trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Yakovlev đã là một trong những điệp viên quan trọng nhất trong việc gây ảnh hưởng của Mỹ ở Liên Xô. Công bằng mà nói thì ông ấy là một người thiên bẩm rất tài năng và thông minh, thông minh và tài năng có lẽ gấp đôi Gorbachev. Thêm vào đó, chủ nhân của ông ta bên kia đại dương cũng không phải là những kẻ ngốc nghếch đần độn mà nắm được rất rõ những gì diễn ra trong thượng tầng chính trị Liên Xô khi đó.

Ở giai đoạn ấy tại Moskva, Chủ tịch KGB Vladimir Kryuskov đã mang những tài liệu vạch rõ chân tướng Yakovlev tới phòng làm việc gặp ông ta. Trước mọi câu hỏi của Vladimir Aleksandrovich, Yakovlev đều làm thinh. Và Kryuskov đã mang báo cáo lên gặp Gorbachev. Mikhail Gorbachev bặm môi rồi đưa ra một nhận xét kỳ quặc.

Ông ấy bảo, thì ngày trẻ ai chẳng có những sai lầm? Yakovlev là người có ích cho cải tổ nên ông ấy cần cho đất nước và cần phải cho ông ấy tham gia vào nền chính trị lớn. Và họ đã cho ông ta vào. Như thả dê vào vườn rau.

Quá trình thăng tiến của Yakovlev bắt đầu không phải theo đường chính trị mà theo đường quan hệ kinh tế đối ngoại. Việc này bắt đầu sau khi thông tin về mối quan hệ của ông ta với người Mỹ đã được chuyển tới Yuri Andropov và ông ta bị chuyển từ Ottawa về Moskva với chỉ lệnh “theo dõi, và không được để lọt vào BCH TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô”.

Năm 1982, Nikolai Nikolaievich Inozemtsev, giám đốc Viện Kinh Tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (IMEMO) qua đời. Tổ chức quyết định đặt Yakovlev vào ghế của người quá cố Inozemtsev. Để ông ấy nghiên cứu khoa học, còn tổ chức sẽ tiếp tục theo dõi. Rất quan trọng là việc làm sao cho cá khỏi kinh hãi bỏ lưỡi câu và lặn sâu xuống đáy. Năm 1984, Andropov qua đời và mọi người chẳng còn hơi đâu mà quan tâm tới Yakovlev nữa.

Khi Gorbachev còn ở trong đội hình của Chernenko, Yakovlev đã gây được ấn tượng rất mạnh với ông ấy. Bởi lẽ giám đốc IMEMO rất thông minh và hấp dẫn luôn có thể khi cần thiết thì mách bảo cho nhiều điều bổ ích và thể hiện rõ sự mới mẻ trong tư duy và giải pháp. Còn bản thân Gorbachev thì không có gì đặc biệt thông minh, nhưng lại rất nhạy cảm với những cái mới, thậm chí là quá nhạy cảm.

Mùa hè năm 1985, vài tháng sau cái chết của Chernenko và sau khi Gorbachev lên nắm quyền, ông ấy đã đưa Yakovlev lên làm Bí thư BCH TƯ phụ trách các vấn đề tư tưởng. Ông ấy đã cho một điệp viên gây ảnh hưởng vào tận BCH TƯ và ngồi vào ghế nhà tư tưởng chủ đạo của đất nước.

Năm 1989, tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Liên bang Xôviết lần thứ hai, Yakovlev đã thực hiện một bản báo cáo về những hệ lụy bi thảm đối với châu Âu từ việc ký hiệp ước Molotov – Ribbentrop. Chính vì bản báo cáo của Yakovlev mà Liên bang Xôviết đã bị buộc phải trở thành đất nước có trách nhiệm thanh toán và sám hối chỉ vì sự tồn tại của chính mình. Không lâu sau khi bản báo cáo đó xuất hiện đã nảy nòi ra các hoạt động đập phá ở các nước cộng hòa vùng ven Baltik, ở Moldova và miền Tây Ukraina. Năm 1988 máu đã đổ ở Sumquayt (thành phố ở nước cộng hòa Azerbaijan, nơi xung đột sắc tộc làm bùng nổ những vụ truy sát người Armenia tháng 2-1988 - NTT).

Một thời gian sau thì toàn bộ khu vực Ngoại Cápcadơ của quốc gia Xôviết đã bị nhấn chìm vào tình trạng diệt chủng lẫn nhau. Rồi sau đó tới lượt khu vực Bắc Cápcadơ. Thật là phải cảm ơn ông Aleksandr Nikolayevich Yakovlev về việc đó (!) Bây giờ thì đã có thông tin rõ ràng về việc trước khi Liên bang Xôviết tan rã, ông ấy đã rất năng nổ đi khăp các nước cộng hòa và thổi bùng lên ở đó tâm lý cực đoan quá khích. Trước khi bức tường Berlin sụp đổ, ông ấy đã sang cả CHDC Đức lẫn CHLB Đức.

Bầu không khí ở nước ta đã thế nào khi tiến tới quyết định về việc thống nhất nước Đức? Liệu Gorbachev có xứng đáng với việc nhận giải Nobel hòa bình năm 1990 không?

- Tại Liên Xô đã bùng nổ khủng hoảng kinh tế rồi tiếp theo là khủng hoảng xã hội. Đất nước đứng trước nguy cơ đói kém, và bùng nổ tư bản xã hội. Nhưng dư luận xã hội thì, tôi tin chắc thế, nằm dưới sự kiểm soát của hệ tư tưởng phương Tây. Chắc mọi người còn nhớ trong giai đoạn cải tổ ở các cửa hàng của chúng ta đều nhẵn như chùi, nhưng ngay lúc đó bên ngoài thành phố Moskva vẫn có những đoàn tầu chở đầy cá thịt, dầu ăn, rau quả. Nhưng những đoàn tầu này không được dỡ hàng và mọi thứ trên đó đều hóa ôi thiu. Công sức của hàng nghìn người dân Xôviết đã hóa thành công dã tràng chỉ vì ý muốn của ban lãnh đạo Xôviết.

Thượng tầng chính trị lúc đó chỉ xoay đi xoay lại quanh việc tranh luận: có nên lập ra chức vụ Tổng thống Liên bang Xôviết hay không? Khi đó tôi đã hỏi thẳng Gorbachev: Liệu có gì ở đất nước chúng ta thay đổi không sau khi lập ra chức vụ Tổng thống? Liệu trong các cửa hàng có xuất hiện thực phẩm không? Thà cứ cố gắng chăm lo cho tốt hơn việc cung cấp lương thực, chính sách xã hội, thanh niên, các vấn đề dân tộc ở vùng sâu vùng xa? Gorbachev đã đáp: “Về tất cả những vấn đề đó tôi sẽ ra chỉ lệnh. Chắc chắn sẽ có thực phẩm.”

Thế nhưng đã chẳng có gì thay đổi cả. Chỉ có vài cải thiện nhỏ về lương thực xuất hiện sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Sau này tôi mới biết rằng, đó đã không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Ngay trước khi diễn ra những cuộc thương thảo khét tiếng ở Arkhyz về một nước Đức tương lai, Gorbachev thông qua người trợ lý Chernyaev của mình đã liên hệ với Helmut Kohl và kể khổ: “Tôi không có gì để nuôi dân mình cả. Hãy cho tôi ba bốn tỉ Mark Tây Đức và đổi lại, các ông sẽ nhận được tại Arkhyz mọi thứ mà các ông cần”.

Trong câu nói này là toàn bộ bản chất của Gorbachev. Ông ấy đã vay tín dụng của phương Tây và sẵn sàng thanh toán không chỉ bằng sự toàn vẹn của các nước xã hội chủ nghĩa khác mà ngay cả bằng sự tồn tại của chính quốc gia mình.

Ngoài các cuộc thương lượng của Gorbachev với Kohl tại Arkhyz, tháng 12-1989, lãnh đạo Xôviết còn gặp gỡ với Tổng thống Pháp Francois Mitteran ở Kiev. Mitteran đề nghị Gorbachev cùng bay sang Berlin để hỗ trợ cho Honecker. Phản ứng của Gorbachev: “Ngài muốn bay thì ngài cứ bay! Chứ tôi không bay đâu!”.

Tôi vẫn còn nhớ việc Thatcher đã đề nghị Gorbachev không nên đích thân xử lý vấn đề liên quan tới nước Đức mà nên thành lập một ủy ban chuyên trách về câu chuyện này, gồm các thành viên là nước Anh, Pháp và Liên Xô. Thatcher lo ngại rằng việc thống nhất nước Đức theo cách của Gorbachev sẽ dẫn tới việc phần tây nước Đức nuốt chửng phần đông và thay vì một nước Đức thống nhất sẽ nảy sinh đụng độ hai miền Tây – Đông.

Gorbachev ngay trước mắt tôi đã phản ứng lại đề nghị của “bà đầm thép” như sau: “Tôi không muốn giặt đồ lót bẩn hộ cho người Anh và người Pháp, nhưng tôi sẽ ủng hộ cho việc thống nhất nước Đức”. Đấy, Moskva đã bán CHDC Đức và Honecker, và tất cả những người dân Đông Đức, như thế đấy.

Tôi biết rõ rằng, tại các cuộc thương thảo ở Arkhyz, Helmut Kohl đã hỏi Gorbachev về việc, liệu Moskva có cách nào đó để giúp đỡ cho Erich Honecker, Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Đức và toàn bộ tầng lớp tinh hoa CHDC Đức không? Kohl cứ nghĩ rằng kiểu gì thì Moskva cũng phải giơ tay ra đối với những đồng chí đồng đội cũ của mình. Thế nhưng, Gorbachev đã đáp: “Những vấn đề đó là công chuyện nội bộ của các ngài và các ngài tự biết đối xử với ai thế nào là tốt…”

Nhưng giải pháp của Gorbachev trong việc “bán đứng” CHDC Đức không phải là ý đồ riêng do chính ông ấy nghĩ ra. Đó là cách mà tháng 6/1989, George Bush (cha) đã mách cho ông ấy, khi vợ chồng ông ấy sang thăm Washington.

Trước lúc “mách bảo” lịch sử đó, đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, bà Barbara Bush đã “phòng xa”, làm công tác tâm lý cho Raisa Maksimovna (vợ Gorbachev – NTT). Hai người đàn bà này đã phối hợp tác chiến nhịp nhàng trong giai đoạn trước khi tan rã Liên bang Xôviết. Để Gorbachev tiếp tục phản bội thêm một lần nữa, chỉ cần độc một điều: làm sao để “bà Barbara thân quý” và Raisa Maksimovna tạo ra sức ép đối với những tham vọng đầy tính tự ái của Mikhail Sergeyevich và ông ấy, ý thức được tầm quan trọng lịch sử của cá nhân mình, sẽ phùng mang trợn má lên ngay.

Chính trong trạng thái tự thổi phồng như thế, ông ấy đã nhận giải thưởng Nobel về hòa bình năm 1990. Đó chính là tiền thưởng cho sự phản bội lại hệ thống xã hội chủ nghĩa và ứng trước cho kế hoạch đã được lập ra và phối hợp hành động làm tan rã Liên bang Xôviết.

Liệu Gorbachev có xứng đáng nhận giải Nobel về hòa bình hay không? Cũng xứng đáng như thế là việc Juda đã nhận được từ Caiaphas 30 đồng tiền bạc…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bí mật sau quá trình tan rã Xôviết: 'Nhóm tứ nhân' và Gorbachev

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO