Đây là một trong những bất cập về chính sách được các đại biểu nhận diện tại hội thảo “Rà soát, đánh giá chính sách, pháp luật về tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về” do Bộ LĐTB-XH phối hợp với Tổ chức di cư quốc tế ( IOM) tổ chức ngày 11/9 tại Hà Nội.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Đánh giá về tình hình mua bán người báo cáo Bộ Công an cho biết, xu hướng chung của các loại tội phạm hình sự, tội phạm mua bán người tại nước ta diễn biến phức tạp, rất nghiêm trọng và phương thức thủ đoàn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Trung bình hàng năm, toàn quốc phát hiện khoảng 400 vụ án mua bán người. 90% nạn nhân các vụ mua bán người là phụ nữ, trẻ em gái.
Báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia, từ năm 2012 đến 2017 lực lượng chức năng đã giải cứu được khoảng 7.500 người. Đáng lưu ý, nạn nhân bị mua bán người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em chiếm trên 90% và có đến 80% thuộc dân tộc ít người. Có đến 70% nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn; họ chỉ làm ruộng hoặc không có việc làm. Đáng chú ý, nạn nhân bị bán ra nước ngoài chiếm trên 80%, trong đó chủ yếu là sang Trung Quốc chiến hơn 75%. Các nạn nhân là phụ nữ bị bán ra nước ngoài đa số bị ép kết hôn làm vợ và bóc lột tình dục chiếm đến gần 80%
Tại hội thảo nhiều đại biểu chỉ ra rằng, dù hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân đã được xây dựng, làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai công tác này ở các địa phương. Tuy nhiên, công tác này đang gặp nhiều khó khăn, thách thức do chính những chính sách và cơ chế.
Chỉ ra những bất cập, chính sách về cơ chế ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTB&XH thẳng thắn cho biết, dù nhiều chính sách được ban hành nhưng pháp luật vẫn chưa quy định việc loại trừ trách nhiệm hành chính cho nạn nhân. Vì vậy mới xảy ra tình trạng trớ trêu là phụ nữ đã là nạn nhân của tội phạm mua bán người, họ có thể còn bị phạt tiền vì hành vi bán dâm, xuất nhập cảnh trái phép, sử dụng giấy tờ giả mạo để xuất nhập cảnh. Quy định này có thể làm tổn hại đến quá trình hỗ trợ, tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân, gây cho họ cảm giác sợ hãi và bị kỳ thị.
Để khắc phục những hạn chế trong cơ chế, chính sách tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, các đại biểu cho rằng cần sửa đổi Nghị dịnh xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội năm 2005 theo hướng miễn trừ trách nhiệm hành chính cho nạn nhân bị mua bán trong một số trường hợp như bán dâm, xuất nhập cảnh trái phép, sử dụng giấy tờ giả mạo để xuất nhập cảnh để tránh cho họ cảm giác sợ hãi và bị kỳ thị, qua đó hỗ trợ tốt hơn việc tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân.
Đồng thời, bổ sung vào nghị định quy định về từng dạng đối tượng được hỗ trợ và dịch vụ hỗ trợ với từng đối tượng nạn nhân, bao gồm những nạn nhân tự trở về, nạn nhân ở địa phương khác, nạn nhân là nam giới, để tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền các địa phương trong việc hỗ trợ các đối tượng khác nhau….