Áp lực đồng trang lứa thường được cho là tiêu cực, nhưng trên thực tế, không phải lúc nào nó cũng mang lại tác động xấu. Mặt tích cực mà nó mang lại chính là thúc đẩy và tạo động lực để mọi người trở nên tốt hơn, luôn luôn phấn đấu và phát triển.
Gặp nhiều áp lực khi rời trường đại học
Mỗi con người, mỗi độ tuổi đều có những áp lực riêng mà bản thân đều phải trải qua để bước tới một giai đoạn khác trong cuộc đời. Ở độ tuổi 20, nhiều người thường cho rằng đây là độ tuổi của sự tự do, của tuổi trẻ để được sống và làm việc hết mình... tuy nhiên, thực tế đây cũng là độ tuổi mà nhiều người trẻ cảm thấy chênh vênh và chứa đầy những suy nghĩ khi nhìn thế giới xung quanh.
Ngày nay, việc các bạn trẻ vừa lên đại học đã bắt đầu đi làm thêm ngoài không còn quá xa lạ, nhiều người vừa ra trường đã có luôn cho mình một công việc ổn định và lâu dài. Bạn Vân Anh (23 tuổi, Hà Nam) là sinh viên mới ra trường và đang tiếp tục làm việc tại Hà Nội. Những năm tháng còn đi học, được sự giúp đỡ của bố mẹ, Vân Anh không cần ra ngoài làm thêm và dành thời gian để đi học là chủ yếu, bạn cũng tự tin về những học bổng và kiến thức mình có.
"Mình có những điểm mạnh của riêng mình, tuy nhiên khi bắt đầu tốt nghiệp và đi làm thì mình đã gặp rất nhiều lúng túng. Khi được hỏi sinh viên ra trường rồi mà trước giờ chưa có kinh nghiệm làm việc gì à? Mình cảm thấy rất áp lực. Lúc này mới thấy việc mọi người xung quanh vừa học vừa làm trước đó có những kinh nghiệm để xử lý tình huống thực tế mới thấy bản thân yếu kém như nào", Vân Anh chia sẻ.
Bắt đầu không phụ thuộc vào gia đình và phải tự nuôi bản thân giữa lòng Thủ đô rộng lớn, nhiều lúc Vân Anh chỉ muốn bỏ cuộc và về quê. "Ngành mình học và công việc mà mình muốn làm thì ở dưới quê lại chưa phát triển, mình không muốn bỏ dở công bao năm vất vả học hành. Vậy nên vẫn cố gắng bám trụ lại ở đây, bắt đầu như những bạn thực tập sinh khác để lấy thêm kinh nghiệm", Vân Anh chia sẻ.
Cũng giống Vân Anh, bạn Thu Minh ra trường đã hơn nửa năm, nhưng vẫn chưa tìm được công việc phù hợp, ở thời điểm này, việc phải lớn lên và trở thành người như thế nào là câu hỏi mà Minh luôn đặt ra cho mình mỗi ngày.
"Mình là người rất 'nhát' và khả năng ăn nói không được trau chuốt, lúc trước đi học thì luôn nhìn thấy các bạn khác tham gia câu lạc bộ hay có những bài thuyết trình, dẫn thuyết thú vị thì đều cảm thấy bản thân tại sao lại không thể làm được như vậy?", Minh nói.
Trước đây Minh cũng đã từng đi làm thêm rất nhiều công việc khi vẫn còn đang học đại học, tuy nhiên Minh cho rằng những công việc đó chỉ đảm bảo giúp bạn có thêm thu nhập, không giúp được nhiều trong công việc sau này vì trái với ngành mà bạn đang theo học.
Mặc dù vậy, Minh vẫn nhận ra việc gặp áp lực đồng trang lứa cũng là động lực để bản thân thay đổi và hoàn thiện hơn mỗi ngày. "Việc so sánh hay bị so sánh với những người đồng trang lứa là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên mình chọn cách so sánh vào những nỗ lực mà họ đã làm chứ không so vào thành quả họ đạt được. Vì kết quả được tổng hợp từ nhiều yếu tố khác nhau", theo Thu Minh.
Nói về tương lai, Thu Minh chia sẻ: "Mặc dù hiện tại mình vẫn chưa chọn được một công việc mà bản thân ưng ý, chưa ổn định được như nhiều bạn khác và vẫn phải đối mặt với áp lực cơm áo gạo tiền. Tuy nhiên mình vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê làm thiết kế của mình vì đó chính là động lực lớn lao nhất mà bản thân mình luôn cố gắng đạt được".
Chọn lọc thông tin, biến áp lực thành động lực
Là người thường xuyên tiếp xúc và làm việc với sinh viên, ThS tâm lý Đặng Hoàng An (giảng viên khoa tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP HCM) nhận ra số lượng bạn trẻ mắc phải tình trạng này ngày càng có xu hướng tăng.
Truyền thông và mạng xã hội có sự tác động nhất định đến lối nghĩ và hành động của người trẻ. Khi tiếp nhận những thông tin về thành tựu hay giải thưởng của người khác, các bạn trẻ có xu hướng tự so sánh và tự hình thành áp lực ngay từ bên trong.
Tuy nhiên, áp lực bản thân với các bạn đồng trang lứa không phải lúc nào cũng xấu. Nó thậm chí có thể biến thành động lực to lớn nếu các bạn trẻ hiểu rõ được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân mình và lấy người khác làm tấm gương để vươn lên.
Còn theo ThS tâm lý Nguyễn Bảo Ân, người sáng lập Let Go Dear, phòng tham vấn chuyên về mô hình phục hồi sức khỏe tâm thần và tâm lý học tích cực, cho biết, để tránh khỏi những suy nghĩ tiêu cực về bản thân với những thông tin mà họ nhận được, vấn đề chọn lọc tiếp thu tin tức ở người trẻ cần được diễn ra chủ động hơn.
"Có một hình ảnh rất thú vị minh họa cho việc tiếp nhận thông tin từ người khác, đó chính là như cách chúng ta ăn mía. Hãy ăn nước ngọt và nhả xác mía, đừng làm ngược lại.
Bên cạnh đó, các bạn cần phải học cách để chuyển trọng tâm chú ý của mình vào các yếu tố ưu tiên trong việc phát triển bản thân, thay vì đắm chìm vào những thông tin đó và cảm thấy lạc lối, khó chịu" - ông Ân nói.