Những tác động xấu cố ý hay vô ý của con người đối với môi trường biển sẽ đem đến hiểm họa khôn lường hơn cả những cực đoan thời tiết. Xả thải không qua xử lý, việc săn bắt thủy sản không đúng cách ở nhiều ngư trường, dầu mỡ từ thuyền bè chảy ra biển, ô nhiễm làng chài… Tất cả đang khiến biển “bạc” Việt Nam đối mặt với nhiều nguy cơ.
Môi trường biển phải được bảo vệ.
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, chất lượng nước biển đang bị ảnh hưởng xấu bởi sự gia tăng sự phù dưỡng (chất thải hữu cơ và dinh dưỡng quá nhiều trong nước biển). Quan trắc tại vùng ven biển các địa phương, hàm lượng COD, NH4+ tại hầu hết các khu vực đang ở mức cao vượt ngưỡng quy chuẩn Việt Nam.
Hàm lượng TSS trong nước biển cũng rất báo động khi nhiều vùng biển hiện nay như tại Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Giờ… đã cao hơn cho phép. Hàm lượng dầu mỡ khoáng cũng đang phổ biến.
Ngoài khơi, tại một số vùng Tây Nam Bộ, hàm lượng phốt phát được ghi nhận đã ở mưc cao hơn giới hạn… Và, trên hết là lượng rác thải đổ ra biển khi có tới trên 80% rác thải hiện nay có nguồn gốc từ nội địa theo các con sông đổ ra các vùng biển của Việt Nam.
TS Nguyễn Chu Hồi- Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển cho biết, đối với sông hồ, chỉ cần vài cân chất độc hại sẽ khiến cho cá chết hàng loạt hoặc thay đổi các tầng môi sinh của nguồn nước.
Song với biển khơi rộng lớn, một vài tấn chất độc trên căn bản chưa ảnh hưởng nhiều lắm. Ngay cả rác thải cũng vậy, vài chục tấn cũng không khác gì muối bỏ biển.
Tuy nhiên, dù là rác thải, chất độc hại, mỡ khoáng hay nhân tố nguy hại nào đó, sẽ luôn gây hậu quả khôn lường. Formosa Hà Tĩnh là ví dụ điển hình, hay vấn đề ô nhiễm tại các âu tầu hiện nay, nhiều thế hệ sẽ phải trả giá cho việc khắc phục.
Cũng theo báo cáo của Bộ TN&MT, hiện có đến hơn 80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ nội địa khi các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư xả nước thải, chất thải rắn không qua xử lý ra các con sông ở vùng đồng bằng ven biển hoặc xả thẳng ra biển.
Ví dụ như trong quá trình nuôi trồng thủy sản, một héc ta nuôi tôm sẽ thải ra môi trường khoảng 5 tấn chất thải rắn và hàng chục nghìn m3 nước thải trong một vụ nuôi. Với tổng diện tích nuôi tôm tại Việt Nam với hơn 600 nghìn héc ta, mỗi năm nguồn thu lợi này sẽ thải ra môi trường gần 3 triệu tấn chất thải rắn. Đa phần số này sẽ theo sông ra biển.
Tương tự như vậy, điều tra của Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho thấy, ô nhiễm biển do dầu mỡ khoáng cũng rất báo động. Cụ thể, khu vực vịnh Cửa Lục – cầu Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh), hàm lượng dầu có xu hướng tăng trong giai đoạn 2011-2015, đạt giá trị từ 0,0012mg/L đến 0,826mg/L, tăng so với quy chuẩn là 0,2mg/L.
Cảng Hải Phòng 0,42mg/L, Cảng Cái Lân 0,6mg/L, Cảng Vũng Tàu 0,52mg/L, Cảng Vietso Petro 7,57mg/L… Tất cả đều cao hơn quy chuẩn 0,3mg/L. Ngoài ra, với hàng trăm giếng khoan thăm dò và khai thác dầu khí, ngoài việc thải nước lẫn dầu, mỗi năm còn khoảng 5.600 tấn rác thải dầu khí, trong đó có 20% đến 30% là chất thải rắn nguy hại rất có thể xâm phạm môi trường biển khi chưa có bãi chứa hợp lý.
“Dầu mỡ khoáng sẽ ngăn chặn không khí hòa tan vào nước khiến hàm lượng oxy trong nước thấp, trung bình 3,3-10,9mg/l vào mùa khô và 1,16-6,1mg/l vào mùa lũ, trong khi nhu cầu oxy thực tế cần tới 13,6-31mg/l. Đây thực sự là nguy cơ với thảm thực vật và các loài hải sản biển. Hiện có khoảng 85 loài hải sản đang ở mức độ nguy cấp và trên 70 loài hải sản đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam. Đó là chưa kể đến mỗi năm sẽ mất hơn 50 tấn san hô và theo đà này 20 năm nữa san hô không còn trong vùng biển Việt Nam”, TS Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.
Theo số liệu của biên phòng Quảng Ninh, tại vùng biển Cô Tô, riêng năm 2014, 2015 lực lượng biên phòng đã phát hiện và thu giữ hơn hàng chục trường hợp ngư dân đánh cá bằng việc “cô nước biển”.
Chỉ cần một viên thuốc bằng ngón tay, cả một vùng biển sẽ bị cô đặc, cá ở tầng nước nổi sẽ bị “cô” lại và nổi trên mặt nước. Tương tự ở tầng sâu, chỉ cần “viên đạn” thuốc, các loại thủy hải sản sẽ bị “giật” và “chết lâm sàng”.
Việc khai thác trái phép này còn diễn ra ở nhiều vùng biển khác. “Khái niệm bảo vệ nguồn lợi và môi trường biển vẫn còn xa lạ đối với phần lớn ngư dân, khi cuộc sống sinh nhai là yếu tố sống còn.
Họ không cần biết sự thiếu ý thức sẽ khiến cho trên 1.200 loài rong, cỏ và vi tảo, trên 7.000 loài động vật không xương sống, khoảng 2.500 loài cá, 50 loài rắn, rùa và thú biển đứng trước nguy cơ tận diệt. Biển bạc lâm nguy nếu không có sự thay đổi tích cực ngay từ bây giờ” - PGS TS Võ Sỹ Tuấn (Viện Hải dương học) cho biết.
Việt Nam có trên 1 triệu km2 biển, hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ, trên 3.260 km bờ biển, tiềm năng biển là vô cùng lớn. Vì thế, môi trường biển phải được bảo vệ bất cứ giá nào.