Trước thềm năm học mới, thông tin về hơn 400 giáo viên ở huyện Thanh Oai, Hà Nội, gần 1.400 giáo viên ở Cà Mau bị xem xét hợp đồng khiến dư luận hết sức quan tâm. Câu chuyện cắt giảm, tăng thêm biên chế trong ngành giáo dục luôn nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận.
Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2017-2018 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo, không thể thực hiện việc cắt giảm 10% biên chế giáo viên một cách máy móc. Với những nơi thiếu giáo viên, vì học sinh, vẫn phải ưu tiên tuyển.
Ảnh minh họa.
Khó khăn chung
Theo ông Hà Kế San - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, hiện nay tỉnh Phú Thọ đang gặp khó khăn trong việc sắp xếp lại hệ thống trường lớp, tinh giản đội ngũ giáo viên. Cụ thể, nếu cắt giảm 10% biên chế từ nay đến năm 2021 theo Nghị quyết 29 thì Phú Thọ cần giảm trên 2.400 giáo viên, trong khi giáo viên mầm non đang rất thiếu và học sinh vào lớp tăng lên.
Giải pháp mà tỉnh này đang thực hiện là tiến hành rà soát quy hoạch bằng sáp nhập các trường, giải thể trường nhỏ… Hiện tỉnh Phú Thọ chỉ có trường THPT và một số trường mầm non là tư thục, chưa có trường tiểu học và THCS tư thục. Giải pháp chuyển các trường từ công lập sang tư thục cũng gặp khó khi chính sách của nhà nước trong vấn đề này lại không rõ, gần như không có quy định, nghị định hướng dẫn.
Cũng câu chuyện thiếu biên chế giáo viên, đặc biệt là ở bậc học mầm non, bà Nguyễn Thị Minh Giang- Giám đốc Sở GDĐT Kiên Giang cho biết, với chức năng nhiêm vụ của mình, Sở vẫn hợp đồng với giáo viên. Tuy nhiên, chỉ đạo của Trung ương là không hợp đồng lao động, UBND tỉnh cũng không có câu trả lời cho việc thiếu giáo viên…
Vì vậy, kiến nghị của bà Giang là nên căn cứ vào quy mô trường lớp, giao việc giao biên chế ngành giáo dục cho chính quyền địa phương quyết định…
Tại Quảng Ninh, bà Vũ Thị Liên Oanh- Giám đốc Sở GDĐT Quảng Ninh cho biết, trong 3 năm qua, giáo dục Quảng Ninh đã giảm được 9 trường, 11 điểm trường THCS; tổ chức lớp ghép điều chỉnh phù hợp sĩ số học sinh trên lớp ở mầm non, tiểu học… Đồng thời thực hiện kiêm nhiệm 574 vị trí nhân viên phục vụ sau khi được đào tạo lại và đào tạo bổ sung; kí hợp đồng với trung tâm y tế xã để thực hiện chức năng nhân viên y tế trường học; thí điểm thực hiện mô hình hợp tác công tư ở 3 cơ sở giáo dục… Từ đó cắt giảm nhu cầu sử dụng trên 1.400 người làm việc trong các cơ sở giáo dục…
Từ thực tế tại địa phương, bà Vũ Thị Liên Oanh kiến nghị, không nên cắt giảm biên chế một cách cơ học mà cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát số học sinh/ lớp, số lớp/ trường. Đề nghị Bộ GDĐT phối hợp Bộ Nội vụ quy định khung số người, khối lượng công việc của cán bộ ngành giáo dục, Bộ thống nhất Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ tăng biên chế nếu tăng lớp, tăng trường, xem xét lại định mức biên chế ngành giáo dục mầm non bởi đây là cấp học có nhu cầu lớn về giáo viên.
Cơ chế để tự chủ lương giáo viên
Về vấn đề này Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận: Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, trong đó có một số địa phương để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng trong công tác tuyển dụng, sử dụng giáo viên.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ GDĐT báo cáo kỹ Chính phủ về vấn đề này, cái gì thuộc thẩm quyền Chính phủ thì Chính phủ giải quyết, thậm chí có những việc nếu cần thiết Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ GDĐT lần đầu tiên trong nhiều chục năm đã nắm được tình hình giáo viên ở từng trường, không chỉ ở số lượng đơn thuần mà về tất cả từ trình độ, chuyên ngành đào tạo và việc phân công thế nào. Đây là cơ sở để có thể giải quyết tốt câu chuyện biên chế. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương chỉ đạo các trường tiếp tục cập nhật, tiến tới căn cứ vào đó định mức ra để đặt hàng đào tạo sư phạm.
Đối với vấn đề cắt giảm 10% biên chế giáo viên theo Nghị quyết số 19, Phó Thủ tướng khẳng định, hiểu và thực hiện máy móc cắt 10% giáo viên là chưa chuẩn xác. Nghị quyết nêu rất rõ chia thành từng thời kỳ, từ nay đến năm 2021 cắt trung bình 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.