Biển Chết nằm trên biên giới giữa Bờ Tây, Israel và Jordan trên thung lũng Jordan. Khu vực chứa nước bị hãm kín này có thể coi là một hồ chứa nước có độ mặn cao nhất trên thế giới. Biển Chết dài 76 km, chỗ rộng nhất tới 18 km và chỗ sâu nhất là 400 m. Bề mặt Biển Chết nằm ở 417,5 m dưới mực nước biển.
Mực nước ở Biển Chết đang dần thu hẹp với tốc độ 1 m/năm. (Nguồn: Reuters).
Nước Biển Chết mặn gấp 9,6 lần so với nước biển thường, với nồng độ muối lên tới 33,7% và các khoáng chất khác rất cao. Vì vậy, Biển Chết còn có tên gọi khác là Biển Muối. Bởi độ mặn của nó mà du khách có thể dễ dàng nổi trên mặt nước ngay cả khi không biết bơi. Không như muối ăn, muối ở đây rất đắng. Loại muối đắng này giúp trị nhiều bệnh da liễu như bệnh vấy nến, bệnh sần vỏ cam, mụn nhọt... Trong nước hồ có rất nhiều loại khoáng chất.
Biển Chết có sức lôi cuốn đặc biệt và các du khách từ các khu vực xung quanh Địa Trung Hải trong hàng nghìn năm qua. Nhưng tới nay, địa danh du lịch này lại đang bị tàn phá bởi khoảng 5.000 hố sụt xuất hiện từ những năm 1980 cho đến nay, và thường nuốt chọn nhà cửa, gây hư hại đường xá xung quanh nó mà không hề có cảnh báo nào. Tình trạng này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi giới khoa học ước tính có khoảng 400 hố sụt xuất hiện xung quanh Biển Chết mỗi năm- tức khoảng 1 hố sụt xuất hiện mỗi ngày.
Đến nay chưa có con số chính xác về số người gặp nạn do các hố sụt xuất hiện. Nhưng cách đây vài tháng, một hố sụt bất ngờ xuất hiện tại bãi biển Mineral, một khu nghỉ dưỡng ở khu định cư Mitzpe Shalem của Israel, đã nuốt chửng toàn bộ một bãi đỗ xe cùng một phòng trị liệu và nhiều cây cọ. Sự việc khiến khu nghỉ dưỡng vốn tiếp nhận 250.000 du khách mỗi năm đã phải đóng cửa.
Đó chưa phải là tất cả. Nhiều chuyên gia môi trường nói rằng các hố sụt này gây ra do các con đập đã chặn nguồn nước mới đổ vào Biển Chết, và do sự “khát nước” của hàng loạt công ty khai thác khoáng sản hoạt động trong khu vực này. Kể từ năm 1980, mực nước ở Biển Chết đã giảm khoảng 35m- tức khoảng 1 m mỗi năm. Điều này được giới chuyên gia kết luận là do nguồn cung cấp nước đến từ Biển Galilei ở miền Bắc Israel đã được xây dựng đập nên gần như không có nước cung cấp cho Biển Chết.
Các nhà khoa học cảnh báo, cần sớm khôi phục đủ lượng nước của sông Jordan, nguồn nước cung cấp chính cho Biển Chết. Trong khi đó, còn có một dự án xây dựng một kênh đào với tổng giá trị đầu tư lên đến 900 triệu USD. Kênh đào này sẽ kéo dài từ Hồng Hải đến Biển Chết. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia môi trường nói rằng dự án này chỉ có thể giúp làm chậm quá trình chết của Biển Chết chứ không thể cứu vãn được tình hình. Ngoài ra, đề xuất này cũng gây tranh cãi vì người dân lo ngại sẽ ảnh hưởng đến môi trường.
Ngày nay, ngay cả sông Jordan cũng có nhiều khúc bị khô hạn, chủ yếu do gia tăng dân số, phát triển không bền vững và tình hình xung đột. Vì vậy, Biển Chết ngày càng nhận được ít nước hơn từ sông Jordan.
Trong cảnh báo của mình về hiện tượng trên Biển Chết, các chuyên gia môi trường cho biết bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy nó đang chết dần là bãi cát nóng của vùng biển này ngày càng dài hơn, trong khi lượng nước thấp đi trông thấy. Với tốc độ suy giảm mức nước như hiện nay, Biển Chết có thể thực sự chết vào khoảng năm 2050.