Xã hội

Có hay không chuyện sử dụng cát biển làm đường cao tốc khiến lúa chết?

H.THẮNG 16/06/2024 06:51

Ngày 15/6, Bộ Giao thông vận tải cho biết, thông tin phản ánh một số diện tích lúa đông-xuân ở xã Vị Thắng (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) bị chết, giảm năng suất do việc sử dụng cát biển nhiễm mặn thi công đường cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn Cần Thơ-Cà Mau (giai đoạn 2021-2025) là không có cơ sở.

1-2-.jpg
Nhà thầu thi công Dự án đường bộ Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Ảnh: Vietnam+.

Về sử dụng cát biển để thi công thí điểm mở rộng cho các tuyến đường cao tốc, hiện nay, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, các nhà thầu đang làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng để hoàn thiện thủ tục cấp phép khai thác để thi công các đoạn tuyến tại các khu vực có điều kiện môi trường tương đồng với khu vực đã thí điểm, dự kiến đến cuối tháng 6/2024 mới có thể bắt đầu khai thác.

Thời gian gần đây, dư luận xã hội và một số cơ quan báo chí phản ánh việc một số một số diện tích lúa đông-xuân của các hộ dân tại ấp 9, xã Vị Thắng bị chết và giảm năng suất do dự án đường cao tốc thi công sử dụng cát biển nhiễm mặn.

Bộ Giao thông vận tải khẳng định, dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ-Cà Mau đang sử dụng duy nhất nguồn vật liệu cát đắp từ các mỏ cát sông được UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long cấp cho dự án theo cơ chế đặc thù.

“Quá trình khai thác, vận chuyển để đưa vật liệu cát về thi công công trình được kiểm soát hết sức nghiêm ngặt, chặt chẽ bởi nhiều cơ quan, đơn vị liên quan. Về phía các đơn vị của địa phương đã kiểm soát việc đăng ký phương tiện vận chuyển của nhà thầu, lắp đặt định vị hành trình phương tiện vận chuyển, lắp đặt, định vị camera giám sát thiết bị khai thác”, ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.

Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu phía chủ đầu tư, tư vấn giám sát, các nhà thầu phải thực hiện thí nghiệm vật liệu trước khi chấp thuận nguồn; khi đưa cát về công trường đều được thí nghiệm thành phần hạt, các chỉ tiêu cơ-lý theo quy định của chỉ dẫn kỹ thuật và phải đáp ứng yêu cầu mới được tư vấn giám sát, chủ đầu tư chấp thuận; công tác thí nghiệm, kiểm tra đều được thực hiện theo tần suất. Ngoài ra còn có sự kiểm soát của các cơ quan khác về nguồn gốc xuất xứ, hoá đơn chứng từ…

Vì vậy, các thông tin như một số báo chí phản ánh là thiếu cơ sở. Để đánh giá một cách toàn diện, khoa học, khách quan, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương tổ chức kiểm tra, xác định nguyên nhân theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan xem xét phản ánh của chuyên gia, làm rõ nguyên nhân gây thiệt hại và giải pháp xử lý, trả lời đầy đủ trước ngày 20/6.

Liên quan đến vấn đề này, tại phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải sáng ngày 14/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, vừa qua lúa tại xã Vị Thắng (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang), giáp cao tốc Hậu Giang - Cà Mau bị chết. Có thông tin cho rằng do đất bị nhiễm mặn từ nguồn cát đắp nền cao tốc.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, "dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau chưa sử dụng một hạt cát biển nào". Các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 nói chung, dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau nói riêng "đều sử dụng cát sông". Đoạn Cần Thơ - Cà Mau đang sử dụng duy nhất nguồn vật liệu cát đắp từ các mỏ cát sông được UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long cấp cho dự án theo cơ chế đặc thù.

Quá trình khai thác, vận chuyển để đưa vật liệu cát về thi công công trình được kiểm soát nghiêm ngặt bởi nhiều cơ quan liên quan. Chính quyền địa phương cũng kiểm soát việc đăng ký phương tiện vận chuyển của nhà thầu, lắp đặt định vị hành trình phương tiện vận chuyển, lắp đặt và định vị camera giám sát thiết bị khai thác.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư, tư vấn giám sát, các nhà thầu phải thí nghiệm vật liệu trước khi chấp thuận nguồn. Khi cát đưa về công trường đều được thí nghiệm thành phần hạt, các chỉ tiêu cơ lý theo quy định của chỉ dẫn kỹ thuật. Cát đáp ứng yêu cầu mới được tư vấn giám sát, chủ đầu tư chấp thuận; công tác thí nghiệm, kiểm tra đều được thực hiện theo tần suất. Các cơ quan liên quan kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ...

"Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, các nhà thầu đang làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng để hoàn thiện thủ tục cấp phép khai thác cát biển để thi công các đoạn tuyến tại khu vực có điều kiện môi trường tương đồng với khu vực đã thí điểm. Dự kiến cuối tháng 6 mới có thể bắt đầu khai thác", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có hay không chuyện sử dụng cát biển làm đường cao tốc khiến lúa chết?