Sau nhiều tháng ghi nhận lượng mưa ít ỏi, hôm 21/11, thành phố New York (Mỹ) đã ban hành cảnh báo hạn hán đầu tiên trong 22 năm qua. Người dân và các cơ quan của thành phố được yêu cầu giảm thiểu việc sử dụng nước.
Thị trưởng New York Eric Adams nêu rõ không nên đánh giá thấp tình hình thời tiết khô hạn hiện nay, cũng như những hậu quả đi kèm. Nguyên nhân được cho là từ biến đổi khí hậu. Nếu tình trạng khô hạn tiếp diễn, chính quyền New York có thể nâng mức cảnh báo lên tình trạng khẩn cấp do hạn hán.
Thành phố New York cũng như các khu vực lân cận đang trong tình trạng báo động đỏ về cháy rừng do gió lớn, độ ẩm thấp và thời tiết khô hạn. Các hồ chứa lớn trong thành phố thường được lấp đầy bằng nước mưa vào tháng 10 và tháng 11, nhưng hiện chỉ đầy khoảng 60%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 79,2%.
Tuy nhiên, không chỉ New York, mà còn thì rất nhiều nơi trên Trái đất cũng đã rơi vào tình cảnh tương tự.
Chính vì thế, mới đây Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã công bố báo cáo năm 2024, trong đó cảnh báo rằng các thảm họa liên quan đến khí hậu đang đẩy hành tinh đến “bờ vực thẳm”. Theo nhận định của Giám đốc điều hành UNEP, ông Inger Andersen, những thất bại trong việc tăng cường các biện pháp thích ứng đã làm suy yếu các phản ứng đối với các cú sốc khí hậu, gây tổn hại đến sinh kế của những nhóm dân số nghèo và dễ bị tổn thương.
“Biến đổi khí hậu đang tàn phá các cộng đồng trên khắp thế giới, đặc biệt là những cộng đồng nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. Những cơn bão dữ dội đang san phẳng nhà cửa, các đám cháy đang xóa sổ rừng, trong khi sự xói mòn đất đai và hạn hán đang làm suy thoái cảnh quan. Con người, sinh kế của họ và thiên nhiên mà họ phụ thuộc đang thực sự bị đe dọa bởi hậu quả của biến đổi khí hậu. Nếu không hành động, đây sẽ là kịch bảo dự báo trước về tương lai của chúng ta” - ông Andersen nói và cho biết, nếu không hành động ngay lập tức, nhiệt độ thế giới có thể sớm vượt quá 1,5 độ C và thậm chí có thể đạt mức tăng thảm khốc là 2,6-3,1 độ C so với mức tiền công nghiệp.
Để “mở khóa” các khoản hỗ trợ tài chính cho thích ứng với biến đổi khí hậu, báo cáo của UNEP kêu gọi các nước áp dụng chính sách ưu đãi về tài chính, hoán đổi nợ để thích ứng và thanh toán cho các dịch vụ bổ trợ hệ sinh thái.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động không nhỏ đến đời sống con người, việc giảm thiểu lượng khí methane thải ra môi trường là một trong những vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm.
Methane được coi là tác nhân quan trọng gây ra biến đổi khí hậu. Chiếm khoảng 20% lượng khí nhà kính do con người thải ra, methane có nguy cơ gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu mạnh hơn khí CO2 gấp 80 lần trong khoảng thời gian 20 năm và ước tính đã góp phần gây ra 30% tình trạng nóng lên toàn cầu kể từ thời kỳ tiền công nghiệp.
Ông Fattih Birol - Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhấn mạnh, xử lý khí methane là một trong những việc quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất, có thể thực hiện để hạn chế tình trạng nóng lên trong thời gian ngắn.
Ông Nicola Armaroli - Giám đốc nghiên cứu Viện Tổng hợp hữu cơ và phản ứng quang học, Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Italy cho biết, gần 160 quốc gia đã cam kết cắt giảm 30% lượng khí thải methane so với năm 2020 vào cuối thập kỷ này, nhưng nồng độ methane đang tăng nhanh hơn bất kỳ loại khí nhà kính chính nào khác. Tổng lượng khí thải methane hàng năm đã tăng 61 triệu tấn (khoảng 20%) trong hai thập kỷ qua. Những hành động thời gian qua là không đủ để hạn chế khí methane vì thế Trái đất vẫn tiếp tục bị đe dọa.
Biến đổi khí hậu ngày càng tiến dần tới mức cực đoan. Báo cáo mới nhất của Phòng Thương mại quốc tế (ICC) cho thấy, các hiện tượng thời tiết cực đoan đã gây thiệt hại 2.000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu trong thập kỷ qua. Nghiên cứu của công ty tư vấn kinh tế chuyên ngành Oxera đã chỉ ra, gần 4.000 sự kiện thời tiết cực đoan liên quan đến khí hậu đã tác động đến 1,7 tỷ người từ năm 2014 đến 2024.
Chỉ trong 2 năm gần đây, thiệt hại kinh tế toàn cầu liên quan đến các hiện tượng thời tiết cực đoan đã lên tới 451 tỷ USD, tăng 19% so với 8 năm trước đó. Phân tích của Oxera cũng nhấn mạnh tác động nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển, với các sự kiện thời tiết cực đoan thường gây ra thiệt hại về kinh tế vượt quá GDP hàng năm của các quốc gia này.
Ông John Denton - Tổng thư ký ICC, cho biết: “Dữ liệu trong thập kỷ qua chứng minh rõ ràng rằng biến đổi khí hậu không phải là vấn đề của tương lai. Nền kinh tế đang phải gánh chịu những tổn thất lớn về năng suất do các hiện tượng thời tiết cực đoan ngay tại thời điểm này”.
Ông Denton nhấn mạnh, cần những kết quả cụ thể để đẩy nhanh hành động khí hậu, đặc biệt là trong bối cảnh rủi ro kinh tế hiện nay. Để đạt được điều này, cần có một gói tài chính toàn diện để giúp các nước chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và chống chịu biến đổi khí hậu. Ông cũng cho rằng, việc tài trợ cho các nước đang phát triển không phải là từ thiện, mà là một khoản đầu tư vào một nền kinh tế toàn cầu mạnh mẽ và bền vững hơn.
Trong khi đó, ông Ilan Noy - nhà kinh tế học chuyên về thảm họa tại Đại học Victoria Wellington (New Zealand) cho biết, số liệu từ báo cáo của ICC phù hợp với các nghiên cứu trước đây của ông nhưng nhấn mạnh rằng dữ liệu đó chưa phản ánh đầy đủ bức tranh thực tế. Điều đáng chú ý là những con số này bỏ sót tác động đáng kể tại các cộng đồng nghèo và các quốc gia dễ bị tổn thương.
Biến đổi khí hậu đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nghiên cứu của ông Ilan Noy ước tính, thiệt hại kinh tế hàng năm do thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu lên tới 143 tỷ USD (chưa tính khu vực châu Phi).
Bão Yinxing cùng lúc với 3 cơn bão khác là Toraji, Usagi và Man-Yi, khiến vùng biển Tây Thái Bình Dương lần đầu tiên có 4 cơn bão hoành hành trong tháng 11, kể từ khi thông tin bắt đầu được ghi nhận vào năm 1951. Trong khi đó, riêng với Philippines, chỉ trong vòng 3 tuần đã hứng chịu 5 cơn bão lớn. Đây được coi là hậu quả của biến đổi khí hậu khiến nước biển ấm lên một cách bất thường.