Biến đổi khí hậu và những cảnh báo

Lã Thế Tuấn (Tổng hợp) 20/07/2016 16:20

Tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng rõ rệt hơn, làm cho cuộc sống của con người trở nên khó khăn. Không chỉ hiện tượng ấm lên của trái đất, El Nino và El Nina, mà sự thay đổi đó còn diễn ra khốc liệt hơn, từng ngày từng ngày.

Ngập lụt

Do sự thay đổi của khí hậu theo hướng ấm lên, nên nước biển cũng dâng lên, đe dọa gây ra lũ lụt cho nhiều vùng trên trái đất. Tới nay, khoảng 2,6% dân số toàn cầu (177 triệu người) đang sống ở nơi có nguy cơ ngập lụt thường xuyên.

Nhiều quốc gia đang bị nạn nước biển dâng, lũ lụt đe dọa. Theo cơ quan chức năng của Liên hợp quốc, với Việt Nam, ¼ dân số (khoảng trên 23 triệu người) được coi là đang sống ở những vùng có khả năng bị lụt thường xuyên. Còn với Trung Quốc, 4% dân số nước này cũng đang sống ở những nơi có cùng nguy cơ ngập lụt. Là một quốc gia biển, khoảng 13 triệu người dân đất nước này đang phải đối mặt thường xuyên với lũ... Tính chung toàn cầu, cứ 40 người thì có 1 người sống ở nơi có tình trạng lụt lội thường xuyên đe dọa.

LHQ cũng cho biết, trên toàn cầu, 8/10 nước bị tác động nhiều nhất với cảnh lũ lụt là thuộc về châu Á: Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Bangladesh, Myanmar, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Còn ở châu Âu, Hà Lan là quốc gia dễ tổn thương nhất: hơn 40% lãnh thổ trong tình thế nguy hiểm bởi nạn nước biển dâng. Tuy nhiên, Hà Lan có hệ thống đê biển rất vững chắc, hạn chế thấp nhất tác hại của nước biển dâng; trong khi đó hầu hết các quốc gia châu Á lại không đủ kinh phí để tạo ra hệ thống phòng vệ ấy. Chính vì thế, có thể nói châu Á sẽ là nơi chịu tác động nhiều nhất của nạn nước biển dâng, cũng là nơi những trận bão lũ hoành hành.

Đáng buồn là các phân tích khoa học cho thấy, các quốc gia thải ra nhiều khí carbon nhất tạo nên sự biến đổi xấu của khí hậu lại không phải hứng chịu tác động của thay đổi khí hậu. Ví dụ như đối với nước Mỹ, một trong những quốc gia thải khí lớn nhất tính theo đầu người, gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất, nhưng lại đứng hàng thứ 34 trong danh sách những quốc gia có nguy cơ bị ngập lụt thường xuyên.

Khi trái đất ấm lên, bầu khí quyển nóng hơn thì lượng tan băng ở hai cực sẽ nhiều lên, khiến nước biển dâng cao và cũng tạo ra nhiều trận mưa dữ dội hơn. Vì thế, cảnh báo về nạn lũ lụt trước mắt được coi là rất cần thiết.

Mưa to gió lớn

Trên thế giới, lượng mưa trút xuống mỗi nơi một khác. Có những nơi quanh năm không mưa, thấp hơn 10.000 lần so với trung bình của toàn trái đất. Sự chênh lệch ấy đã tạo ra những vùng đất ẩm ướt, lụt lội quanh năm, đồng thời cũng có những nơi cực kì khô hạn, khiến tốc độ sa mạc hóa tăng lên.

Mưa gió không theo một lộ trình vạch sẵn, tuy rằng có mùa, điều đó càng thể hiện rõ trong mấy năm qua do sự biến đổi khí hậu đang ngày một xấu đi.

Nghiên cứu mưa được giới khoa học trên thế giới tiến hành liên tục, nhằm tìm ra quy luật của tự nhiên, đồng thời cũng là để cảnh báo cho con người nhằm tránh những thảm họa có thể xảy ra. Nhưng hầu hết những nghiên cứu về mưa được đưa ra đều gây tranh cãi, vì những cơ sở minh chứng cho nó đều không chắc chắn, kể cả những cảnh báo cũng không nhiều tính thực tế.

Một trận lụt tấn công thủ đô Bangkok của Thái Lan.

Cách đây chưa lâu, một nhóm nghiên cứu đến từ Đức và Tây Ban Nha đã tiến hành ý tưởng thống kê số liệu từ những ghi chép về lượng mưa ở một số vùng nhất định, hy vọng có thể mang về những chứng cứ xác đáng hơn. Nhưng dẫu thế thì họ cũng chỉ kết luận được rằng, mưa càng ngày càng có xu hướng rơi nhiều hơn ở vùng nhiệt đới so với nơi hoang mạc. Khu vực Papua New Guinea (châu Phi), những cơn dông nhỏ thường đến cách nhau 1 tuần và những cơn lớn cách nhau 1 tháng. Nhưng tại Niger, con số tương ứng là 2 tuần và 2 tháng. Từ đó người ta cho rằng, dông bão sẽ ít xảy ra ở đây hơn. Nhưng, các nhà nghiên cứu không thể giải thích được những trận mưa lớn bất thường gây lũ lụt ở cả Papua New Guines lẫn Niger.

Vậy, câu hỏi đặt ra là: Quy luật ở đây là gì? và có quy luật hay không khi trời làm mưa to? Câu hỏi vẫn còn ở phía trước cho dù giới khoa học vẫn không thôi hy vọng. Nicole Fradie, một nhà nghiên cứu mưa bão cho biết, thật đáng tiếc là khi người ta cho rằng sắp chạm tay đến kết luận cuối cùng, thì lại xuất hiện những yếu tố thiên nhiên dị biệt, nên có thể nói công cuộc nghiên cứu về mưa là một cuộc Marathon không có đích đến.

Những vùng đất hút gió bão

Tuy nhiên, người ta cũng đã nhận thấy, trên thế giới có những vùng được coi là “chốn đi về” của gió bão. Đó là những vùng đất gió bão rất nhiều, tác động tiêu cực tới cuộc sống con người.

Tháng 4/1996, cách đây hơn 20 năm, tại đảo Barrow nằm ở vùng duyên hải phía Tây Bắc Australia, người ta ghi nhận một cơn gió mạnh có vận tốc lên tới 408 km/h. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho rằng, đây là cơn gió mạnh nhất trong lịch sử. Tuy nó có liên quan đến cơn bão nhiệt đới Olivia, nhưng nó không phải là bão mà trận cuồng phong chỉ quét qua rất nhanh. Trên đường đi, nó đã nhanh chóng thổi bạt tất cả những gì được coi chướng ngại vật. Đáng chú ý, đảo Barrow thường xuyên chịu đựng những trận cuồng phong. Vì thế, người ta còn gọi Barrow là “đảo gió”.

Ở nhiều nơi trên trái đất, người ta nhận thấy hiện tượng vòi rồng xuất hiện dày hơn vì thế nguy cơ cũng nhiều hơn. Vòi rồng có thể hiểu là một cột khí xoáy mở rộng từ đáy một cơn giông bão xuống mặt đất. Vòi rồng được ghi nhận ngày một nhiều hơn ở các bang phía Đông Nam nước Mỹ. Nơi đây từng được gọi là “hành lang bão tố”. Không thể tưởng tượng được, có lần kỉ lục người ta ghi nhận tới 207 vòi rồng hình thành ở khu vực này chỉ trong một ngày đêm, tất nhiên là lớn nhỏ khác nhau. Tại Oklahoma, nơi có vận tốc gió vòi rồng cao nhất lên tới 486 km/h.

Còn với bão, vùng biển nhiều bão tố nhất, thường xuyên bị những cơn gió mạnh tấn công là Nam Đại Dương. Nó không bị các lục địa cản trở nên vận tốc gió trung bình lên tới 160 km/h.

Nam cực được coi là “quê hương” của những cơn gió bất thường. Theo John King (Cơ quan nghiên cứu Nam cực tại Cambridge, Anh), buộc phải chấp nhận những trận gió mạnh, với vận tốc trung bình 153 km/h. “Đôi khi chúng ta đành chung sống với những hiện tượng nguy hiểm của thiên nhiên. Tuy nhiên chúng ta cũng cần cảnh báo và loài người càng cần phải cảnh giác hơn khi mà khí hậu toàn cầu đang thay đổi theo chiều hướng xấu”- John King nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biến đổi khí hậu và những cảnh báo