Trung tuần tháng 12, sau 2 tuần nhóm họp kéo dài thêm 2 ngày so với dự kiến, COP25 (Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu) đã không đạt được những kết quả cụ thể, nhất là việc giảm khí thải CO2 và mức đóng góp của các nước làm giảm nhiệt trái đất. Điều đó cho thấy trái đất còn phải tiếp tục đối diện thảm họa trong sự bất thường của thời tiết.
1. COP25 một lần nữa gây thất vọng khi không đạt được mong muốn đề ra. Điều này đã được dự báo trước, khi nó đã trục trặc từ khi chưa khai mạc.
Ngày 1/11, Tây Ban Nha đã đứng ra đăng cai tổ chức COP25, sau khi Chile rút quyền đăng cai. Như vậy, với thời gian chuẩn bị chỉ vỏn vẹn trong 1 tháng, Tây Ban Nha sẽ phải nỗ lực rất nhiều để hoàn thành các công tác hậu cần cần thiết cho việc tiếp đón 25.000 phái đoàn tham dự.
Thủ tướng Tây Ban Nha, ông Pedro Sanchez, tin tưởng nước mình sẽ hoàn thành trọng trách, và “Madrid sẵn sàng nhận trách nhiệm vì một hành tinh xanh”. Cho tới ngày 15/12, khi COP25 kết thúc, quả là Tây Ban Nha đã làm được điều đó, nhưng kết quả nghị sự thì không.
Nói về sự “rút lui”, Tổng thống Chile Pinera Sebastian cho biết: “Tôi xin một lần nữa khẳng định cam kết bảo vệ môi trường và thiên nhiên; cam kết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu (BĐKH) và nóng lên toàn cầu. Vì lý do đó, tôi đã có cuộc nói chuyện với Tổng thống Tây Ban Nha và ông ấy cho biết sẵn sàng đứng ra đăng cai tổ chức COP 25 tại Madrid”.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Santiago đã “đá quả bóng” sang Madrid, khi mà Thỏa thuận Paris với tham vọng ngăn nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, là điều rất khó khăn vì không có sự đồng thuận của các nước giàu; nhất là việc Tổng thống Mỹ tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận này.
Cũng chính từ sự rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống BĐKH của Mỹ khiến thế giới phải tìm ra bước đi mới để bảo vệ môi trường sống mà không có sự hợp tác của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngày 4/11, Washington thông báo khởi động quá trình rút khỏi Hiệp định được đàm phán dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Theo đó, Mỹ sẽ hoàn tất quá trình rút khỏi Hiệp định Paris trước ngày 4/11/2020. Mỹ - nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới về lịch sử, sẽ trở thành quốc gia giàu nhất đứng ngoài Hiệp định. Đáng chú ý, với quyết định này, Tổng thống Trump hứa sẽ thúc đẩy các ngành công nghiệp dầu khí và than của Mỹ- những ngành công nghiệp gây ô nhiễm hàng đầu.
Kể từ khi nhậm chức, ông Trump với tôn chỉ “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” và chính sách “nước Mỹ trên hết” đã bỏ đi khá nhiều di sản của người tiền nhiệm Obama, từ môi trường đến tự do thương mại và Hiệp định Paris là một trong số đó. Trước đây, chính quyền Obama đã đưa Mỹ tham gia vào Thỏa thuận hồi năm 2015, hứa hẹn đến năm 2030 sẽ cắt giảm 26-28% lượng khí thải nhà kính của Mỹ so với mức năm 2005.
Trẻ em châu Âu phải tự làm mát nơi công cộng trong mùa hè nắng nóng kỉ lục 2019.
2. Trở lại với COP25 tại Madrid. Sau 2 tuần họp, COP 25 cũng chỉ nhấn mạnh “nhu cầu khẩn cấp” phải hành động, mà không đạt được thỏa thuận về những điểm chính nhằm giải quyết tình hình khí hậu khẩn cấp hiện nay.
Hội nghị kết thúc với một tuyên bố được đánh giá là “khiêm tốn về những ý định” trong cuộc chiến chống BĐKH. Nhiều nước gây ô nhiễm hàng đầu đã từ chối đưa ra những cam kết trong việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cũng như mức kinh phí phải đóng góp.
Bộ trưởng Môi trường Chile, Chủ tịch COP25 Carolina Schmidt thừa nhận: “Đây là Hội nghị khí hậu dài nhất trong lịch sử và tôi muốn cảm ơn các bạn vì đã đặt trái tim và nỗ lực vào việc tìm kiếm thỏa thuận với tất cả các bên. Thật đáng buồn khi chúng ta không thể đạt được thỏa thuận cuối cùng, song tôi cũng xin cảm ơn tất cả các bạn vì những nỗ lực thời gian qua”.
Trên thực tế, các cuộc đàm phán ở Madrid được xem là thử thách đối với ý chí của các chính phủ nhằm thông qua một hành động tập thể. Giới khoa học trước đó cảnh báo, tốc độ tăng của nhiệt độ Trái đất sẽ nhanh chóng tới ngưỡng không thể cứu vãn được nếu không giảm mạnh lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Hội nghị kết thúc với một tuyên bố thừa nhận “nhu cầu khẩn cấp” phải hành động, khiêm tốn hơn rất nhiều so với những lời hứa cắt giảm khí nhà kính, cũng như mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu bày tỏ sự thất vọng: “Đã có một sự bất đồng lớn về ý tưởng và không thể đưa các bên đi tới sự đồng thuận”.
Theo bà Helen Mountford- Phó Chủ tịch Viện Tài nguyên thế giới, những cuộc thảo luận tại COP25 đã cho thấy “sự thờ ơ” của các nhà lãnh đạo nhiều chính phủ trước lời kêu gọi “khẩn cấp” của giới khoa học, cũng như các nhà hoạt động môi trường trong suốt thời gian qua trong cuộc chiến chống BĐKH.
Từ nay tới Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) về chống BĐKH tại Glasgow, Anh vào cuối năm 2020, tất cả các nước sẽ phải trình lên bản sửa đổi các cam kết của mình. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện nay, mới có khoảng 80 trên tổng số 190 nước tham gia thực hiện điều này.
Như vậy, sự nóng lên của Trái đất vẫn sẽ tiếp diễn và hành tinh tiếp tục mong manh hơn.
3. BĐKH gây ra sự cực đoan của thời tiết. Đó là điều không mới mẻ gì. Tuy nhiên, trên thực tế nó đã diễn ra rất khốc liệt.
Mùa hè 2019 tại châu Âu là mùa hè nóng nhất trong lịch sử. Kể từ cuối tháng 6, đầu tháng 7, hầu hết các quốc gia châu lục này bước vào đợt nắng nóng kéo dài. “Châu Âu không còn là châu Âu nữa, mà là một chảo lửa”- đây không chỉ là nhận định của riêng Reuters mà là chung với nhiều hãng thông tấn lớn.
Người ta không thể hình dung nhiệt độ châu Âu lại lên tới 41 độ C. Tại Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Bỉ… kể cả Thụy Sĩ, nhiệt độ nhiều ngày lên tới 40 độ C, buộc chính quyền phải kêu gọi trẻ em, người già không nên ra khỏi nhà đề phòng sốc nhiệt.
Chính quyền các địa phương nước Pháp liên tục ban bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời mở cửa tất các công viên, bể bơi, tòa nhà trong thành phố, lắp đặt thêm vòi nước, hoãn các kỳ thi ở trường, phát nước cho người vô gia cư. Còn tại Italia, các bệnh viện phải lên mọi phương án ứng phó với thời tiết cực đoan. Chính phủ Đức cảnh báo người dân ngoài nhiệt độ cao, thì tia bức xạ ngoài trời sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe con người và vật nuôi. Chính quyền khuyến cáo người dân không ra đường từ 11h đến 15h.
Nguyên nhân trực tiếp gây ra đợt nắng nóng dữ dội “thiêu đốt” châu Âu được cho là do một luồng không khí nóng từ Bắc Phi thổi vào. Đi kèm với cái nóng là bụi siêu mịn PM 2.5 trong không khí. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Dim Como- chuyên gia về BĐKH và thời tiết cực đoan (Đại học Amsterdam, Hà Lan), thì điều đó là do BĐKH toàn cầu, các dạng nắng nóng bất thường có khả năng sẽ thường xuyên hơn và khủng khiếp hơn. Theo ông David Dehenauw- phụ trách dự báo thời tiết của Viện Khí tượng hoàng gia Bỉ (IRM) thì mức nhiệt độ mùa hè 2019 là mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận kể từ khi mốc nhiệt độ cao nhất tại Bỉ được lưu lại vào năm 1833.
Còn theo Euronews, gần 1.400 vụ cháy rừng đã xảy ra ở châu Âu trong năm 2019, số lượng cao gấp nhiều lần so với con số 174 của trung bình 10 năm qua.
Học sinh Malaysia phải đeo khẩu trang trong lớp do khói mù từ những vụ cháy rừng ở Indonesia tràn sang.
4. Chưa hết, nắng nóng kỉ lục năm 2019 đã đẩy nhanh quá trình tan băng tại hai cực của Trái đất, mà rõ nhất là tại Greenland - vùng đất quanh năm bốn bề đều băng tuyết.
Phát biểu tại cuộc họp của LHQ ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 26/7, Người phát ngôn Tổ chức Khí tượng thế giới của LHQ Clare Nullis cho biết, nền nhiệt tại nhiều nơi đã “xô đổ” những kỷ lục trước đó, đây là điều “không thể tin”, nó sẽ làm khí hậu Trái đất biến đổi. Bà Nullis cũng nói rằng, nắng nóng khiến Greenland - dải băng lớn thứ 2 thế giới ở Bắc Cực (sau dải băng ở Nam cực) sẽ tan nhanh. Chỉ tính riêng trong tháng 7, Greenland đã mất 160 tỷ tấn băng do tình trạng tan băng trên bề mặt, tương đương với 64 triệu bể bơi tiêu chuẩn Olympic.
Người ta biết rằng, hơn 80% Greenland bị băng giá bao phủ. Tuy nhiên, tình trạng biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng đến vùng đất của người dân quanh năm sống với băng tuyết này khi diện tích các dải băng tại đây ngày một giảm. Theo tính toán của các nhà khoa học, lượng băng tan chảy ở Greenland mỗi năm khiến nước biển dâng cao khoảng 0,7mm, song với tốc độ tan chảy như hiện nay, con số này có thể còn tăng. Kể từ năm 1972 đến nay, lượng băng tan chảy của Greenland đã góp phần làm mực nước biển dâng cao tổng cộng 13,7mm. Hiện tốc độ băng tan chảy tại Greenland nhanh gấp 6 lần so với những năm 80 của thế kỷ trước. Còn theo nghiên cứu của Viện Khí tượng Đan Mạch, Greenland đã chứng kiến đợt tan băng dài nhất trong hơn 40 năm trở lại đây. Đặc biệt chỉ riêng trong ngày 1/8, ước tính băng Greenland đã tan 12,5 tỉ tấn, con số cao nhất trong vòng 100 năm nay.
Cùng với việc băng tan, các nhà hoạt động môi trường còn dẫn ra các vụ cháy rừng ở Amazon và Indonesia - những bằng chứng rõ ràng về sự tăng nhiệt của Trái đất.
Như thế, loài người còn tiếp tục phải hứng chịu nhiều thảm họa thiên nhiên và cuộc chiến chống BĐKH lại càng cần có thêm nhận thức, sự chung tay cộng đồng trách nhiệm của tất cả các quốc gia. Trong đó, vai trò đặc biệt quan trọng thuộc về những nước giàu.
Greta Thunber.
Greta Thunber - cô bé 16 tuổi người Thụy Điển đã trở thành nhà hoạt động môi trường nổi bật của năm 2019. Greta Thunber (cùng nhóm 12 em nhỏ) đã đệ đơn kiện 5 nền kinh tế lớn lên LHQ (ngày 23/9) vì không ngăn khủng hoảng môi trường. Trong đó có câu: “ Các vị đã đánh cắp ước mơ và tuổi thơ của chúng cháu bằng những ngôn từ sáo rỗng… Các vị không đủ trưởng thành để nói về việc xây dựng kinh tế xanh, bỏ mặc các vấn đề cho thế hệ sau gánh vác”. Tại Hội nghị thượng đỉnh hành động chống biến đổi khí hậu ở trụ sở LHQ (New York, Mỹ), tiếng nói dõng dạc, đanh thép của cô bé nhỏ nhắn đã khiến mọi người bối rối. Greta Thunber cùng các nhà hoạt động môi trường nhỏ tuổi không đòi hỏi bất kỳ khoản tiền bồi thường nào, thay vào đó đề nghị các nước ngay lập tức điều chỉnh các mục tiêu khí hậu của họ và hợp tác với các quốc gia khác để giải quyết cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu.