Quốc tế

Biến động thế giới năm 2023

Thế Tuấn 04/01/2024 23:04

Thế giới năm 2023 với nhiều diễn biến khó lường, đầy biến động có thể vẫn tiếp diễn trong năm 2024.

anh-1.jpg
Khói lửa bao trùm Bắc Gaza trong cuộc chiến Hamas - Israel. Ảnh: Reuters.

Cuộc chiến Hamas - Israel

Vào đầu giờ sáng 7/10, ngày cuối cùng dịp lễ trọng đại của người Do Thái, người Israel bị đánh thức bởi tên lửa và còi báo động không kích khi lực lượng Hamas từ Dải Gaza phát động cuộc tấn công quân sự lớn nhất mà Israel phải đối mặt kể từ năm 1973. Hamas mở 6 mũi tấn công vào lãnh thổ miền nam Israel bằng đường bộ, đường biển và cả đường không.

Ngay sau đó, Israel đã tổ chức phản kích với quyết tâm tiêu diệt toàn bộ lực lượng Hamas. Binh lính Israel với các phương tiện chiến tranh hiện đại đã tiến vào Dải Gaza. Người Palestine từ phía bắc vội vã di tản về phía nam. Cho tới cuối tháng 12, hơn 19.000 thường dân Palestine thiệt mạng do bom đạn. Hơn 500.000 người bị thương.

Trước sự tấn công dữ dội của Israel, lực lượng Hamas đã rút lui xuống hệ thống đường hầm được xây dựng kiên cố sâu trong lòng đất. Tuy nhiên, cuộc chiến vẫn tiếp diễn. Dải Gaza vẫn mịt mù khói súng và số người chết tiếp tục tăng lên.

Cuộc chiến Hamas - Israel đã khiến thế giới chia rẽ: một bên ủng hộ Hamas, bên kia ủng hộ Israel; Trung Đông trở thành “thùng thuốc súng” đầy nguy hiểm.

anh-2.jpg
Nắng nóng kỷ lục ở Thung lũng Chết (California, Mỹ). Nguồn: AFP.

COP 28 và Trái đất bị nung nóng

Ngày 13/12 được ghi vào lịch sử nhân loại như một bước tiến lịch sử. Sau hơn 2 tuần bàn thảo, Hội nghị Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) đã thông qua thoả thuận khẳng định sự khởi đầu của kỷ nguyên “chia tay” năng lượng hóa thạch - nguyên nhân chính khiến Trái đất bị nung nóng. Điều đó cũng có nghĩa là đã đặt các quốc gia sản xuất, xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới vào tình thế “khó xử”.

2023 được cho là năm nóng nhất trong vòng 125.000 năm, với mùa hè kéo dài còn mùa đông ấm hơn. Điều đó được cho là xuất phát từ lượng carbon từ các hoạt động của con người thải ra, chủ yếu là từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch (xăng dầu, than đá, khí đốt).

Biến đổi khí hậu đã tạo ra nhiều hình thái thời tiết khác thường, cực đoan. Mùa đông, nhiệt độ trung bình ở các nước châu Âu cao hơn, nhưng tuyết lại rơi dày đặc. Châu Á lại chứng kiến cảnh mùa đông như thể đang biến mất.

Năm 2023, biến đổi khí hậu cũng khiến nhiều quốc gia châu Phi vừa phải chịu động đất, lại phải căng mình trước lũ lụt, trong khi đó nhiều nơi hạn hán kéo dài khiến đất đai canh tác bị hoang mạc hóa.

Một hiện tượng thời tiết khác thường khác đó là bão cát thổi liên tục ở Trung Đông; khói mù bao phủ nhiều quốc gia châu Á, châu Mỹ. Những cánh rừng ở châu Âu, châu Mỹ bốc cháy. Nước hệ thống sông rừng mưa Amazon suy kiệt. Lượng nước của hơn 60% hồ nước trên thế giới cạn ở mức báo động.

Năm 2024 khí hậu toàn cầu vẫn được dự đoán tiếp tục diễn biến phức tạp, khi hiện tượng El Nino tăng cường.

Chập chờn giá dầu mỏ

OPEC (Tổ chức các nước sản xuất dầu mỏ) và OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác) được cho là sở hữu 80% trữ lượng dầu mỏ thế giới. Chính vì thế, các quốc gia này nắm vai trò thống lĩnh thị trường và dẫn dắt giá dầu mỏ toàn cầu.

Năm 2023 chứng kiến sự thất thường của giá dầu mỏ thế giới. Từ đầu năm cho tới giữa năm 2023, giá dầu mỏ chủ yếu theo hướng leo thang, lúc cao nhất lên tới 90 USD/thùng. Nửa cuối năm, giá dầu “lững thững” đi xuống. Tuy nhiên, tại thời điểm kết thúc năm 2023, giá dầu mỏ vẫn ở mức từ 75 USD tới 80 USD/thùng.

OPEC và OPEC+ đã quyết định hạ sản lượng, với mức 2,2 triệu thùng/ngày. Động thái này làm dấy lên lo ngại giá dầu mỏ sẽ tăng trở lại ngay từ đầu năm 2024. Giới chuyên gia tài chính quốc tế cho rằng, giá dầu mỏ từ 75 USD thùng (tính trung bình trong tháng 12/2023) có thể sẽ lên tới 90 USD vào thời điểm hết quý 1/2024, và có thể “lên đỉnh” 100 USD vào tháng 6/2024.

Xăng dầu, khí đốt là nhiên liệu thiết yếu, tác động tới rất nhiều ngành kinh tế, tới sinh hoạt hằng ngày của người dân. Vì thế, sự chập chờn giá dầu khiến thế giới ái ngại, nhất là trong lúc nhiều dự báo cho rằng kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn chưa ra khỏi “đầm lầy”, có thể chỉ đạt mức tăng trưởng 2,1%.

anh-4.jpg
Một em bé Nigeria đang được kiểm tra sức khoẻ. Nguồn: Unicef.

An ninh lương thực toàn cầu bị đe dọa

2023 cũng là năm thế giới “mất mùa”. Hầu hết các quốc gia sản xuất gạo, lúa mỳ hàng đầu thế giới đều có những vụ thu hoạch kém, do tác động xấu từ thời tiết. Điều đó khiến giá lương thực toàn cầu dâng cao, đẩy những cộng đồng yếu thế ở những quốc gia nghèo vào vòng nguy hiểm.

Báo cáo toàn cầu về "Khủng hoảng lương thực năm 2023" của Liên hợp quốc hồi tháng 8 cho thấy, hơn 117 triệu người đã bị đẩy vào tình thế thiếu hụt lương thực trầm trọng, sau các cú sốc kinh tế và thời tiết cực đoan. Con số này gần bằng 122 triệu người của cả năm 2019 khi mà đại dịch Covid-19 hoành hành.

Tuy nhiên, cho đến tháng 12/2023, con số người “thường xuyên thiếu ăn” còn cao hơn nhiều, với khoảng hơn 230 triệu người trên toàn thế giới. Châu Phi là lục địa mà tình hình mất an ninh lương thực ở mức nguy hiểm, trong đó vùng Sừng châu Phi (gồm 7 quốc gia) khó khăn nhất: khoảng 70 triệu người thiếu lương thực. Theo Liên hợp quốc, chỉ tính riêng trẻ em, khoảng 10,4 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở vùng lõi Sừng châu Phi rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính. Thiếu lương thực còn “tấn công” hơn 15 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh sản; 5,6 triệu trẻ em gái vị thành niên và gần 1,1 triệu phụ nữ mang thai.

Sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo

Nếu như khái niệm trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành quen thuộc, 2023 lại là năm sóng gió của ChatGPT với biết bao tranh cãi. Ngày 30/11/2022, OpenAI công bố bản demo ChatGPT trong một mô hình trò chuyện, tương tác có định dạng hội thoại. Điều đó gây chấn động dư luận. ChatGPT nhanh chóng trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất trong lịch sử công nghệ.

Đầu năm 2023, bắt đầu những tranh luận gay gắt, kể cả kêu gọi cấm ChatGPT. Tuy nhiên những nhà phát triển ChatGPT không lùi bước. Trong suốt năm 2023, những bước đi thần tốc của OpenAI, mà rõ nhất là ChatGPT gây ra nhiều lo lắng về “sự thật bị bẻ cong”. Tháng 11/2023, Mỹ, Anh và 16 quốc gia khác công bố thỏa thuận chi tiết đầu tiên về trí tuệ nhân tạo (AI), nhấn mạnh những biện pháp đảm bảo trí tuệ nhân tạo an toàn trước những kẻ lừa đảo, thúc đẩy các công ty tạo ra các hệ thống AI “an toàn ngay từ khâu thiết kế”.

Ngày 9/12, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận về việc soạn thảo quy định quản lý sử dụng AI. Cao ủy Thị trường nội bộ và Công nghiệp EU Thierry Breton nói đó là một thỏa thuận lịch sử, bao gồm các yêu cầu về tính minh bạch đối với tất cả các mô hình AI.

Tuy EU đã đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt về quản lý và sử dụng AI, nhưng rõ ràng là câu chuyện vẫn sẽ nóng trong năm 2024, khi mà nhân loại nhận thấy không thể quay lưng với AI, trong đó có ChatGPT, nhưng rất cần những quy tắc công nghệ lẫn đạo đức khi phát triển và sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biến động thế giới năm 2023

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO