Để giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa gây nguy hại đến môi trường, cần có nhiều giải pháp đồng bộ và sự hợp tác của các bên liên quan, trong đó vai trò của phụ nữ có ý nghĩa quan trọng trong việc biến rác thành tài nguyên.
Người dân khu dân cư Thuận An 4 phường Xuân Hà phân loại rác ủ phân hữu cơ.
Đó là những vấn đề được đặt ra tại Diễn đàn chính sách về vai trò của phụ nữ và các bên phi chính thức trong quản lý rác thải nhựa và nền kinh tế tuần hoàn tài nguyên do Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng và Hội Kinh tế Môi trường tổ chức vào ngày 28/11.
Tại Diễn đàn, các ý kiến đều có chung nhận định, rác thải sinh hoạt đang là vấn nạn trong đó ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những mối đe dọa và thách thức toàn cầu đối với môi trường, kinh tế và xã hội.
Bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) nêu thống kê, hiện nay ở khu vực đô thị tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh là 38.000 tấn/ngày với tỷ lệ thu gom khoảng 85%. Ở khu vực nông thôn tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 31.500 tấn/ngày với tỷ lệ thu gom trung bình mới đạt 40-55%.
Mặc dù lượng chất thải lớn như vậy nhưng trong thực tế, tại các địa phương dành nguồn lực đầu tư cho việc thu gom xử lý chất thải rắn còn hạn chế, thiếu các giải pháp kỹ thuật phù hợp trong khi nhu cầu về quản lý chất thải rắn ngày càng cao. Chính việc lúng túng trong xử lý rác như nơi chôn lấp, công nghệ, kinh phí, tổ chức thu gom đã dẫn tới hiện tượng đầu làng một bãi rác, cuối làng một bãi rác, rất phổ biến tại nông thôn hiện nay.
Để giải quyết bài toán nan giải này, các ý kiến tại Diễn đàn đều nhận định rằng, phụ nữ có đóng góp quyết định trong việc biến rác thành tài nguyên. Như ở cấp hộ gia đình, những người phụ nữ tham gia vào công tác phân loại rác tại nguồn. Ở cộng đồng, họ cũng chính là những người tiên phong áp dụng các mô hình giảm thiểu thu gom rác tài nguyên và rác nhựa để tái chế. Trong chuỗi giá trị rác, các chị em phụ nữ lao động phi chính thức như đồng nát, ve chai đã đóng góp đáng kể vào tái sử dụng tái chế các loại rác thải.
Với nỗ lực giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa, Dự án “Đại dương không nhựa - Chương trình thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa vì một cộng đồng khỏe mạnh và thành phố xanh” do Cơ quan phát triển Hoa Kỳ tài trợ, được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và cộng đồng đã được khởi động tại 2 quận Sơn Trà và Thanh Khê của thành phố Đà Nẵng.
Trong khuôn khổ Dự án, mô hình giảm thiểu phân loại thu gom và tái chế rác thải tại nguồn được thí điểm xây dựng tại khu dân cư Thành Vinh 4 phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. Tại khu dân cư, các tổ nòng cốt được thành lập gồm chi ủy, Ban Công tác Mặt trận, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và các tổ trưởng dân phố.
Qua triển khai mô hình đã bước đầu đạt được một số hiệu quả trong công tác quản lý rác tại cộng đồng. Với cách tuyên truyền thông qua tập huấn, sau đó đến từng hộ gia đình vận động, thuyết phục, các tổ nòng cốt đã vận động được 100% các gia đình trong khu dân cư thực hiện phân loại rác tài nguyên tại nguồn. Bên cạnh đó các tổ nòng cốt còn tổ chức các đợt thu gom rác tài nguyên từ các hộ dân trong khu vực vào các ngày chủ nhật hàng tuần, tổ chức thực hiện ủ được hàng tấn rác thành phân hữu cơ.
Còn tại khu dân cư Thuận An 4 phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, từ khi thực hiện mô hình, việc thu gom, phân loại rác tài nguyên diễn ra khá thuận lợi do các hộ dân hưởng ứng rất nhiệt tình.
Song song với sự chủ động của người dân thì việc các thành viên trong Ban Chỉ đạo đi thu gom và bán rác tài nguyên diễn ra đều đặn hằng tuần. Số tiền này được sử dụng cho các mục đích công tác xã hội tại địa phương như hỗ trợ các gia đình khó khăn, tặng quà cho con em hiếu học trong khu dân cư.
Thành công từ Dự án “Đại dương không nhựa - Chương trình thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa vì một cộng đồng khỏe mạnh và thành phố xanh” được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao nhận thức trách nhiệm của công dân về bảo vệ môi trường, đồng hành cùng với các cấp chính chính quyền. Qua việc mỗi người hình thành thói quen phân loại, thu gom và tái sử dụng rác thải một cách tự nhiên thì sẽ hình thành văn hóa bảo vệ môi trường.