Từ tranh cãi liên quan đến việc biến tấu ca khúc “Cô gái mở đường” của ca sĩ Han Sara cho thấy việc sáng tạo các tác phẩm âm nhạc trong thời đại kỷ nguyên số cũng nên có những quy định nhất định và phải phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Không thể phủ nhận những ca khúc nhạc xưa khi được các ca sĩ trẻ cover sẽ có nhiều bài hát thành công, tạo tiếng vang lớn. Thế nhưng, không thể tránh khỏi những lần thất bại. Bởi suy cho cùng, mỗi một thời đại sẽ có những cách cảm, cách phối những bản nhạc theo xu hướng khác nhau. Vậy nên, điều đáng nói là dù được phối theo xu hướng nào đi nữa thì những tác phẩm này phải luôn phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa của đất nước, tránh phản cảm, lố lăng.
Thất bại là điều khó tránh khỏi
Mặc dù tạo được hiệu ứng mạnh khi cho các ca sĩ cover lại các ca khúc với những bản phối mới, thế nhưng The Heroes cũng vướng phải không ít lùm xùm khi "biến tấu" các ca khúc lịch sử quá đà.
Cụ thể, trong tập phát sóng mới đây của chương trình The Heroes trên VTV3, nhiều khán giả cho rằng ca sĩ Han Sara đã “bóp méo” ca khúc trên nền ca khúc “Cô gái mở đường” (bài hát gốc của cố nhạc sĩ Xuân Giao).
Nữ ca sĩ đã làm mới phần giai điệu của những câu hát quen thuộc: Em đi lên rừng cây xanh mở lối/ Em đi lên núi núi ngả cúi đầu. Trong bài hát của mình, Han Sara lồng ghép những ca khúc của mình những câu hát đề cao tính nữ quyền, ca khúc được phối trên nền nhạc hiện đại, thay đổi phần lời và có nhắc đến nhiều nhân vật lịch sử như Âu Cơ, Hai Bà Trưng, Hồ Xuân Hương…
Thế nhưng, bài hát nhanh chóng gây ra tranh cãi về giai điệu. Bên cạnh những ý kiến tỏ ra đồng tình thì tiết mục này vấp phải hàng loạt ý kiến trái chiều, thậm chí phản ứng gay gắt khi cho rằng Han Sara không tìm hiểu kỹ ca khúc cũ, bản phối mới phối trên nền nhạc EDM sôi động làm mất đi sự trang nghiêm, hào hùng của ca khúc gốc.
Cũng là thể hiện lại bài hát “Cô gái mở đường”, thế nhưng Hậu Hoàng trong “Sàn đấu vũ đạo” lại nhận về không ít lời khen ngợi khi nhảy hip hop trên bài hát gốc. Hậu Hoàng đã chinh phục nhiều khán giả trong trang phục chiến sĩ, cổ quấn khăn rằn, nhảy trên nhạc nền remix của ca khúc lịch sử.
Trước đó, dư luận từng dậy sóng với phần trình diễn đầy cá tính của Thanh Lam khi thể hiện nhạc Trịnh Công Sơn qua 2 album "Ru mãi ngàn năm" và "Này em có nhớ". Thời điểm đó có nhiều ý kiến cho rằng nghe "Một cõi đi về", "Phôi pha"... qua tiếng hát Thanh Lam khiến khán giả "dựng tóc gáy" bởi sự vật vã quá đà trong cách phô diễn giọng hát.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết Online, ca sĩ Ngọc Anh cho rằng xu hướng âm nhạc hiện nay đã thay đổi nhiều so với thế hệ đi trước, các ca sĩ trẻ thường sáng tác các bài theo style underground, đặc biệt dòng nhạc Rap đang phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh những hiệu ứng tích cực thì vẫn tồn tại nhiều yếu tố mang tính tiêu cực.
“Nếu là những sáng tác mang hơi thở lối sống khát khao hiện đại thì lời lẽ tương đối hợp thời tràn đầy sức sống lạc quan. Còn đối với những bài hát có giai điệu đơn giản ít tính nhạc thường chú trọng lời lẽ nhiều hơn bởi lời lẽ thể hiện cá tính và phong cách (âm nhạc, thời trang..) của ca sĩ.
Các ca sĩ cần lưu ý khi cover lại các tac phẩm cũ mang tính lịch sử nên tôn trọng phần ca từ âm nhạc, có biến tấu cũng dựa trên cơ sở tôn trọng bản quyền không nên xuyên tạc, phá hoại tư duy ca khúc hay phóng tác theo lối tư duy gây sốc nhằm gây sự chú ý phá vỡ gốc văn hoá của tác phẩm sẽ gây phản cảm cho người nghe”, ca sĩ Ngọc Anh nhấn mạnh.
Biên độ khi biến tấu các ca khúc lịch sử
Chung quy lại, dù ở thời đại nào, dù xu hướng âm nhạc như thế nào thì các ca sĩ cũng cần tạo ranh giới cho những ca khúc lịch sử. Bởi có như vậy, phong cách và sự sáng tạo mới giữ được bản sắc văn hóa và tránh đi sự phản cảm, lố lăng.
Trò chuyện với PV, nhạc sĩ Lê Anh Dũng chia sẻ, khi một ca sĩ biến tấu, làm mới một tác phẩm âm nhạc bất kỳ thì họ đều cố gắng tối đa đưa phong cách của mình vào để định vị, xác định ngôn ngữ nghệ thuật riêng và không loại trừ việc họ luôn mong muốn, khát khao việc chứng minh bản thân với đồng nghiệp, với khán giả và nếu nhận được sự đánh giá cao từ giới chuyên môn, được số đông khán giả đón nhận thì sự nổi tiếng là điều tất yếu, gắn liền với quyền lợi mà người nghệ sĩ xứng đáng nhận được.
“Sẽ có nhiều nghệ sĩ có quan điểm rằng khi làm mới, biến tấu chỉ với mục đích tôn vinh tác phẩm âm nhạc, họ có quyền lựa chọn mục đích của mình nhưng sau tất cả tác phẩm âm nhạc đó có được phổ cập, được khán giả đón nhận mới là giá trị cốt lõi”, nhạc sĩ Lê Anh Dũng nói.
Theo nhạc sĩ Lê Anh Dũng, các nghệ sĩ khi làm mới hoặc biến tấu tác phẩm âm nhạc mang tính hào hùng, gắn liền với từng giai đoạn lịch sử của đất nước nên chú ý về tinh thần, thông điệp của tác phẩm âm nhạc mà tác giả gốc đã xây dựng từ trước đó. Các ca sĩ khi biến tấu cần hạn chế tối đa việc thay đổi tính chất âm nhạc hoặc lời ca bởi các tác giả khi sáng tạo ra tác phẩm âm nhạc đó đã tối ưu về chất liệu, về tinh thần tác phẩm nhằm phục vụ cho mục đích của họ rồi. “Với tôi, trong trường hợp này sẽ không có đúng - sai, chỉ có nên – không nên mà thôi”, nhạc sĩ Lê Anh Dũng nhắn nhủ.
"Chính vì lẽ này, đứng trên vai trò là một cá nhân đang làm công việc sáng tạo nghệ thuật, tôi nghĩ rằng đặt ra một “biên độ” nhất định để tránh việc “vượt rào” của các nghệ sĩ, ca sĩ khi làm mới tác phẩm nghệ thuật là một tư duy có thể nói là rất ngô nghê, thiển cận và để thực hiện nó là hoàn toàn không khả thi bởi sẽ dựa trên cơ sở nào để quy định về biên độ, và biên độ là như thế nào? Nghệ thuật không phải là khoa học tự nhiên, luôn luôn tương đối theo thời gian, ở mỗi thời đại, sự cảm nhận của con người là khác nhau. Nếu ta đưa ra một khuôn mẫu, một luật lệ rồi áp đặt nó vào nghệ thuật thì đó là đồng nghĩa với việc đặt dấu chấm hết cho sự phát triển nền nghệ thuật, nền văn hoá của dân tộc", nhạc sĩ Lê Anh Dũng đưa ra quan điểm.