Ngày 4/1, giới chuyên y tế Nam Phi cảnh báo chủng virus SARS-CoV-2 đang lây lan ở nước này có thể sẽ kháng vaccine Covid-19.
Điều đó lại một lần nữa dấy lên lo ngại về biến thể này, kể từ ngày 14/12 khi giới chức Vương quốc Anh cho biết đã phát hiện biến thể của virus gây ra bệnh Covid-19. Thực hư câu chuyện này ra sao?
Giáo sư Y khoa John Bell của Trường Đại học Oxford (Anh) cho biết ông có “linh cảm” các loại vaccine đang được sử dụng hiện nay có thể hiệu quả đối với biến thể virus mới. Tuy nhiên, vị chuyên gia vi trùng học cho biết thêm: “Tôi không chắc về chủng ở Nam Phi. Tôi nghĩ đây là một dấu hỏi lớn”.
10 ngày trước (tính vào thời điểm ngày 4/1/2021), Nam Phi đã bị phong tỏa sau khi Tổng thống Cyril Ramaphosa nói chủng virus mới 501.V2 dường như “dễ lây lan hơn” so với loại virus bùng phát trong đợt đầu tiên.
Trước đó, vào ngày 23/12, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Matt Hancock nói chủng virus ở nước này đã được phát hiện trong 2 trường hợp tại Anh. Ngay sau đó, 2 bệnh nhân này và những người có tiếp xúc gần đã được cách ly. Trong một diễn biến liên quan, chính phủ Anh đã áp dụng quy định hạn chế nghiêm ngặt đối với những người đến từ Nam Phi.
Trả lời phỏng vấn Đài Times Radio, ông Bell nói ông cảm thấy lo ngại về chủng virus ở Nam Phi hơn so với chủng ở Anh ở một số khía cạnh. “Các đột biến liên quan đến chủng ở Nam Phi thực sự là những thay đổi khá lớn trong cấu trúc của protein, cho phép các kháng thể bám vào virus” - trích lời GS John Bell.
Ông J.Bell cũng cho rằng mặc dù chưa có thông tin về việc liệu đột biến này có làm tăng mức độ nghiêm trọng hay không, nhưng nó lại gia tăng sự lây lan, có thể là do tăng khả năng liên kết với tế bào người. Nói dễ hiểu thì đó phải được coi là vấn đề nghiêm trọng.
Khi được hỏi liệu các loại vaccine Covid-19 hiện nay có khả năng đối phó với biến thể virus mới ở Anh và Nam Phi hay không, ông Bell nói nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Oxford đang đánh giá việc này và vẫn còn “cơ hội để hành động” vì vaccine có hiệu quả tốt hơn nhiều so với dự đoán.
“Theo tôi, chưa chắc những đột biến này sẽ làm mất tác dụng của vaccine. Tôi nghĩ chúng sẽ vẫn hiệu quả” - ông Bell nói và bổ sung rằng việc tạo ra vaccine mới là điều “hoàn toàn có thể” và hiệu quả trong cuộc chiến chống Covid-19.
“Mọi người nên bình tĩnh. Mọi chuyện sẽ ổn thôi. Tuy nhiên, đây không phải là những biến thế duy nhất mà chúng ta thấy mà sẽ còn nhiều biến thể khác” - GS J.Bell cảnh báo.
Tới thời điểm này, biến thể Covid mới đã xuất hiện tại nhiều quốc gia. Không chỉ ở châu Âu, mà cả châu Mỹ, châu Phi, châu Á cũng đã ghi nhận ca nhiễm virus biến thể với tốc độ lây lan hơn 70% so với chủng virus SARS-CoV-2 “truyền thống”.
Vậy thì biến thể mới của SARS-CoV-2 lan truyền bao xa? Đó là câu hỏi làm đau đầu giới nghiên cứu vi trùng học thế giới.
Ví dụ, ở Nhật Bản, 2 trường hợp nhiễm mới (ngày 17/12/2020) là một phi công ở độ tuổi 30 trở về từ London và một phụ nữ 20 tuổi, một trong những thành viên gia đình của ông ta không có tiền sử đến Anh - Kyodo News đưa tin.
Từ trường hợp này, người ta cho rằng chưa hẳn chủng virus biến thể chỉ bắt đầu từ Anh mà hoàn toàn có khả năng “tự sinh sôi” từ chủng cũ. Có nghĩa là, ở bất cứ đâu cũng có thể có chủng virus mới này. Cũng lại là một ví dụ khác, người ta biết rằng, ở Tây Ban Nha, 4 trường hợp biến thể mới đã được xác nhận ở Madrid. Tuy nhiên không một bệnh nhân nào đều từ Anh quốc đến, bị ốm nặng. Điều đó cho thấy không phải người nào dương tinh với SARS-CoV-2 chủng mới đến từ Anh cũng “gieo rắc tai họa” vì độc lực của biến thể virus này không quá nguy hiểm.
Về biến thể mới của virus SARS-CoV-2, giới khoa học cho rằng có 3 điều kết hợp với nhau. Thứ nhất, nó đang nhanh chóng thay thế các phiên bản khác của virus. Thứ hai, nó có các biến thể ảnh hưởng đến một phần có thể là quan trọng của virus. Thứ ba, một số biến thể đó đã được xác định tại các phòng thí nghiệm là có tăng khả năng lây nhiễm virus cho các tế bào.
Theo James Gallagher - một chuyên gia vi trùng học nói với BBC thì tất cả những điều này tạo nên tình huống virus có thể lây lan dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các loại vaccine hàng đầu được phát triển trong những tháng gần đây vẫn hữu hiệu dù có các biến thể mới này.
Tương tự, giới nghiên cứu của Anh cho rằng biến thể mới của virus SARS-CoV-2 không gây bệnh nặng hơn.
Theo nghiên cứu của Cơ quan Y tế công cộng Anh, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 mới dường như không gây ra bệnh nặng hơn các biến thể khác nhưng có thể lây lan nhanh hơn. Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học Anh đã so sánh 1.769 người bị nhiễm biến thể mới với 1.769 người mắc virus cũ mà họ gọi là “loại hoang dã”.
Hai nhóm được đối sánh 1:1 dựa trên độ tuổi, giới tính, khu vực cư trú và thời gian thử nghiệm. Kết quả, trong số 42 người nhập viện thì có 16 người bị nhiễm virus biến thể mới, còn 26 trường hợp bị nhiễm virus cũ. Về tỷ lệ tử vong: Có 12 trường hợp tử vong trong các trường hợp nhiễm biến thể mới so với 10 trường hợp tử vong ở các trường hợp nhiễm virus cũ.
Nhóm nghiên cứu đi đến kết luận: Không tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ tử vong trong 28 ngày giữa các trường hợp có biến thể và trường hợp so sánh (chủng virus cũ). Đồng thời, không có sự khác biệt đáng kể về khả năng tái nhiễm với biến thể mới so với các biến thể khác.
Theo Andrew Hayward- nhà dịch tễ học hàng đầu, chuyên gia tư vấn cho Chính phủ Anh thì dẫu thế vẫn cần phải cảnh giác hơn đối với biến thể mới của virus SASR-CoV-2 vì thực tế chúng đang gây ra lây nhiễm Covid-19 nhiều hơn.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiến hóa của virus vẫn chưa vượt kiểm soát. “Điều quan trọng là phải minh bạch, phải nói cho công chúng biết về biến thể này, nhưng quan trọng không kém là đây cũng là một phần bình thường trong quá trình tiến hóa của virus” - ông Mike Ryan, Giám đốc phụ trách tình trạng khẩn cấp của WHO, nói. Vị chuyên gia này cũng cho rằng các quốc gia đã ban hành các hạn chế đi lại với Anh đang phản ứng một cách thận trọng.
Theo giới chức WHO, các đột biến của virus này đến nay vẫn diễn ra chậm hơn so với virus gây bệnh cúm, thậm chí biến thể mới vẫn có tỉ lệ lây nhiễm ít hơn các bệnh khác, chẳng hạn như quai bị. Bà Soumya Swaminathan - nhà khoa học trưởng của WHO, nhận định dù đã xuất hiện nhiều biến thể của virus corona nhưng cho đến nay vẫn chưa có biến thể nào kháng hay lờn thuốc hoặc vaccine đang phát triển.