Biến tướng lễ chùa online - Bài 1: Những chuyện dở khóc, dở cười

Hoàng Vân 15/02/2022 09:28

Chỉ với một chiếc điện thoại kết nối Internet, các Phật tử có thể dâng hương, niệm Phật trong một không gian tâm linh trang nghiêm y như thật mà không cần phải đến tận nơi.

“Công nghệ hóa” tâm linh

5h30 chiều, trở về nhà sau giờ làm việc, bà Phạm Thị Kỳ (52 tuổi, Nghệ An) tranh thủ ăn uống, thay đồ sạch sẽ, tối nay bà đi lễ chùa. Tuy nhiên, khác với những ngày thường, bà không phải tự đi xe máy, phương tiện đến chùa của bà là một thiết bị công nghệ thông tin có kết nối Internet.

Hình thức đi chùa được chuyển đổi theo chủ trương của Nhà nước.

Ngồi trong căn phòng yên tĩnh, bà nhấn các thao tác dâng hương, chắp hai tay cầu nguyện… Âm thanh "nam mô a di đà phật" được lặp lại nhiều lần vọng ra từ máy tính cũng là giây phút hiếm hoi trong ngày bà cảm thấy tâm mình nhẹ nhõm.

Vốn là giáo viên mầm non của một trường công lập, dù đã bước sang tuổi ngũ tuần, bà vẫn chủ nhiệm lớp 2 tuổi, lớp học có gần 30 học sinh. Đi sớm, về muộn công việc lại vất vả nhất trong các bậc học, vì vậy có nhiều lúc bà rơi vào tình trạng stress.

Các Phật tử không còn cùng nhau lễ chùa trực tiếp...

Trò chuyện với PV Đại Đoàn Kết Online, bà cho biết, bà có thói quen đi lễ chùa từ ngày sinh con gái đầu lòng. Hàng tháng, vào ngày Rằm hoặc mồng Một, bà thường cùng chồng đi dâng hương tại các đền, chùa gần nhà, với hi vọng điều may mắn sẽ luôn mỉm cười với mình và gia đình.

Đi chùa nhiều, bà học được cách tĩnh tâm, đây cũng chính là biện pháp giúp bà thanh lọc tâm hồn sau những muộn phiền, lo toan của cuộc sống thường nhật.

...Thay vào đó là truy cập theo hình thức lễ chùa online. Ảnh: NVCC.

“Đi lễ chùa từ lâu đã trở thành nét văn hóa, nếp sống không thể thiếu của gia đình tôi. Tôi luôn dạy các con phải biết ơn những thế hệ đi trước, sống nghĩa tình và biết lễ nghi, phép tắc. Chính vì vậy, đi lễ chùa là cách để gia đình chúng tôi giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, ghi nhớ công ơn ông bà, tổ tiên, nhằm hướng tới chân - thiện - mỹ trong cuộc sống”, bà nói.

Tuy nhiên, khi thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, người dân được yêu cầu hạn chế ra đường, tránh tụ tập nơi đông người để đảm bảo an toàn, tránh lây lan diện rộng, vì thế mà việc thực hiện tín ngưỡng tâm linh tại các đền chùa của bà cũng bị ảnh hưởng.

Bà Phạm Thị Kỳ thường đi lễ chùa online vào buổi tối mồng Một hoặc ngày Rằm. Ảnh: NVCC.

Để tín ngưỡng cũng như nếp văn hóa của gia đình không bị gián đoạn mà vẫn chấp hành chủ trương của Nhà nước, bà Kỳ đành tìm đến hình thức đi lễ chùa online. Với bà, so với việc đến tận nơi, hình thức này thuận tiện hơn.

Theo bà Kỳ, đi lễ chùa online giúp hạn chế rủi ro trong tình hình dịch bệnh phức tạp, tại các ngôi chùa Online, bà vẫn đăng kí các loại hình thờ ngày cúng như: cúng giỗ, lễ, Tết…

“Tuy nhiên, chỉ có điều là tất cả đều được mô phỏng bằng công nghệ 3D và đương nhiên là không có thật. Hơn nữa đi lễ chùa online cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bên cạnh việc áp dụng công nghệ vào các nghi thức lễ bái, tiền công đức, đóng góp của các tăng ni, phật tử cũng được “công nghệ hóa”.

Việc tiền công đức được chuyển khoản đi đâu, có đúng nơi cần đến hay không vẫn luôn là dấu hỏi lớn mỗi lần tôi có ý định làm công đức tại những ngôi chùa mở cửa online", bà Kỳ cho hay.

Biến tướng hình thức lễ chùa, tiềm ẩn nhiều rủi ro

Bà Kỳ thông tin, hiện nay, nhiều đình chùa đã nhận công đức của mọi người qua các trang thanh toán điện tử như: Vnpay, Momo... hoặc bằng hình thức chuyển khoản.

"Bên cạnh việc giúp người dân thuận lợi hơn trong việc tỏ lòng thành với các bậc siêu nhiên mà không cần phải đến trực tiếp đóng góp, đây cũng chính là cơ hội để các đối tượng xấu ngang nhiên hoành hành. Từ ý nghĩa ban đầu của việc lễ chùa online, văn hóa lễ chùa trở nên tiêu cực hơn trong mắt người Việt", bà Kỳ thông tin thêm.

Trước đó, việc nhiều tờ báo điện tử đưa tin "tố giác" một số trang Facebook giả danh chùa Yên Tử lừa đảo kêu gọi cúng dường qua ví điện tử đã phần nào làm mất đi nét văn hóa tâm linh đi chệch hướng. Mặc dù, sau đấy Giáo hội Phật Giáo có lên tiếng đính chính, song dư âm về thông tin vẫn đọng mãi. Bởi từ lâu, khái niệm "công đức online hay cúng dường online (thông qua ví điện tử MoMo") là cụm từ còn khá lạ lẫm với đại đa số người dân Việt Nam.

Dù vậy, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc đi lễ chùa theo hình thức Online cũng được nhiều Phật tử ưu chuộng. Tuy nhiên, với họ hình thức này chỉ là biện pháp tạm thời, “chống cháy” trong tình cảnh éo le. Bởi, lễ chùa online cũng tiềm ẩn không ít rủi ro nếu không có sự am hiểu kỹ càng.

Lo sợ trước những "chiêu trò" của các đối tượng lừa đảo, bà Trần Thị Huệ (61 tuổi, Ngô Quyền, Hải Phòng) đã phải ngừng việc dâng hương, lễ chùa của bản thân.

“Ở tuổi này, tôi sợ nhất là truy cập vào những trang web độc hại, biết là có hình thức đi lễ chùa online nhưng bản thân vẫn thích đến đền chùa trực tiếp hơn vì được tận mắt thấy, tai nghe. Tôi cảm thấy lúc mình đứng trước bàn thờ là lúc tâm mình trong và hướng thiện nhất. Chỉ khi đứng trước ban thờ thì đức Phật mới có thể nhìn thấu tâm mình mà phù hộ cho mình được bình an, may mắn”, bà Huệ chia sẻ.

Lý giải cho việc không tham gia việc đi chùa Online, bà Huệ cho rằng, mỗi một hình thức đi chùa đều có nét riêng. Tuy nhiên, nói đến nét văn hoá truyền thống đặc thù của người Việt thì việc được “cước đạp thực địa”- nghĩa là được đến tận nơi vẫn là tốt hơn cả.

Bên cạnh những mặt tích cực thì lễ chùa online tiềm ẩn nhiều rủi ro.

“Nếu chúng ta quá lạm dụng hình thức đi chùa Online thì sẽ làm nhạt phai đi những hình bóng ngôi chùa ngoài đời thực. Việc hội nhập để bắt kịp thời đại công nghệ thông tin 4.0 là rất tốt, tuy nhiên cũng có một vài cá nhân lợi dụng lòng tin tín ngưỡng để tuyên truyền, hướng dẫn các Phật tử đi lạc hướng, truyền bá những thông tin sai sự thật”, bà bất bình.

Từng là nạn nhân của các đối tượng chuyên lừa đảo qua mạng, bạn Hoàng Quỳnh Chi (20 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) rơi vào tình huống "dở khóc, dở cười" vì bị mất khoản tiền nộp học. Lần này, Quỳnh Chi không dám liều mình đi chùa Online, mặc dù đã là Phật tử tại chùa Trấn Quốc.

Trong tình hình dịch bệnh, lễ chùa online được xem là biện pháp "chống cháy".

Quỳnh Chi cho rằng, đến tận nơi được tụng kinh, niệm Phật, vái lạy trước ban thờ thì Phật mới ở trong tâm, lúc đó tâm mới tịnh để sám hối. Hơn nữa, ngày nay các hình thức đi chùa Online trở nên tràn lan cũng là cơ hội để các đối tượng xấu trục lợi. “Mình không muốn dẫm vào vết xe đổ và trở thành nạn nhân cho các đối tượng lừa đảo”, Quỳnh Chi ngán ngẩm nói.

“Hiện nay những ngôi chùa tồn tại trên mạng vẫn chưa chính thống. Vì vậy, người sử dụng hình thức đi chùa Online cần hết sức cẩn trọng trọng việc tham quan, chiêm bái cũng như học hỏi giáo lý trên những ngôi chùa trực tuyến”, Quỳnh Chi nêu cảnh báo.

Thầy Thích Tuệ Minh, trụ trì Chùa Chí Linh - Yên Thành, Nghệ An.

Nói về những rủi ro khi đi lễ chùa online, thầy Thích Tuệ Minh, trụ trì Chùa Chí Linh - Yên Thành, Nghệ An thông tin, khi đi lễ chùa online, các Phật tử có thể đối mặt với muôn vàn rủi ro. Hệ lụy của việc lạm dụng lễ chùa online về mặt tâm linh sẽ làm phai nhạt tính truyền thống lâu đời văn hoá đi chùa của Việt Nam ta.

Mặt khác, đi chùa theo hình thức online rất dễ bị các đối tượng xấu trục lợi. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là sẽ không được trực tiếp “Thân Giáo” để hành trì một cách thiết thực và hiệu quả về hành trình tu tập tâm linh.

“Phật giáo là để khơi nguồn tỉnh thức, mở mang trí tuệ từ đó giúp con người tìm hiểu đúng bản chất mọi sự thật, để học hỏi và thực hành cách ứng xử với phiền não, thoát khổ chứ không phải là để cầu xin, tín ngưỡng. Nếu quá sa đà vào các hoạt động đi chùa online sẽ dẫn đến ảo giác và ảo tưởng, lạc lối, không mang lại lợi ích thật sự”, thầy Thích Tuệ Minh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biến tướng lễ chùa online - Bài 1: Những chuyện dở khóc, dở cười

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO