Mới đây dư luận xã hội bất ngờ trước những màn tranh luận “nảy lửa” tại phần thi “Trang phục dân tộc” của cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2023. Với sự tham gia của 59 nhà thiết kế thời trang chưa bao giờ các trang phục được cho là tôn vinh bản sắc văn hoá dân tộc lại được “sáng tạo” hơn sức tưởng tượng của công chúng đến thế. Có thể kể đến trang phục “Mắc võng Trường Sơn” (NTK Nguyễn Hải) là hình ảnh chiếc võng, khăn dù và núi rừng Trường Sơn. Trang phục “Hương thị” lấy ý tưởng từ làng nghề làm hương truyền thống, trang phục “Gánh mẹ” ôm đồm với nhiều chi tiết như căn nhà, quang gánh và cả hình ảnh người con thành đạt… Trang phục “Ơi yàng” (Trần Văn Minh) với ý nghĩa tôn vinh văn hóa vùng đất Tây Nguyên gồm kiến trúc nhà rông, nghề dệt thổ cẩm, văn hóa cồng chiêng của đồng bào…
Ngay sau phần trình diễn, nhiều khán giả đã cho rằng quá nhiều thông điệp vào trang phục khiến trang phục giống như một cuộc thi hóa trang, rối rắm và thiếu điểm nhấn. Vì quá chú trọng đến sự độc đáo, lạ mắt mà yếu tố thời trang, văn hóa và thẩm mỹ đang bị coi nhẹ.
Đây cũng không phải lần đầu công chúng được trải nghiệm những trang phục “có một không hai” tại các cuộc thi nhan sắc. Trước đó, với ý tưởng lan toả bản sắc dân tộc những món ăn như phở, bánh mỳ, bún mắm, bánh tráng trộn, bánh tét, hủ tiếu… đến những nghề nghiệp như chài lưới, dệt chiếu, làm hương, nuôi tằm… thậm chí là bàn thờ gia tiên cũng đã được các nhà thiết kế biến thành các trang phục mang danh bản sắc hoá dân tộc. Tuy nhiên, từ ý tưởng cho đến hiện thực hóa thành trang phục có tính thẩm mỹ hay không lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Không chỉ các “sân chơi” về nhan sắc, ngay tại các sàn diễn thời trang nhiều trang phục dân tộc cũng đang bị biến tướng bởi các sáng tạo lệch chuẩn của các nhà thiết kế. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều hoạt động nghệ thuật sử dụng các trang phục truyền thống nhưng đã cách tân, cải biên khác xa với bản gốc, khiến công chúng có thể có những cái nhìn sai về văn hoá các dân tộc. Mới đây, tại show diễn thời trang New Tradition - Truyền thống mới, khán giả đã vô cùng bức xúc với những hình ảnh người mẫu đội nón quai thao, mặc áo yếm phản cảm do để lộ nhiều phần cơ thể. Ngay sau chương trình, đơn vị tổ chức sự kiện đã bị phạt 85 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 18 tháng.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc đầu tư vào phần thi trang phục dân tộc của các thí sinh là một bước tiến tích cực, nhưng việc lạm dụng các chi tiết và thông điệp trong trang phục có thể gây ra sự lộn xộn và thiếu tính thẩm mỹ. Đặc biệt, trong cuộc thi nhan sắc quốc tế, trang phục không chỉ là cơ hội để thể hiện bản sắc dân tộc mà còn là cơ hội để giao lưu, gặp gỡ và giao tiếp với người tham dự từ các quốc gia khác. Vì thế cần xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo trang phục dân tộc vừa thể hiện bản sắc văn hóa mà còn đảm bảo tính tinh tế và thẩm mỹ.
“Để có được trang phục dân tộc vừa đẹp vừa ý nghĩa, chúng ta cần hiểu rõ về các yếu tố văn hóa, lịch sử, và những đặc trưng quan trọng để có thể áp dụng chúng vào thiết kế” - ông Sơn nói.
Sự sáng tạo về thời trang là “vô hạn”, tuy nhiên sáng tạo quá đà sẽ khiến trang phục bị biến dạng, méo mó và phản cảm. Riêng với trang phục truyền thống, là di sản văn hóa, là thông điệp quá khứ. Làm mới trang phục truyền thống phải khơi dậy được bản sắc dân tộc và không làm mai một giá trị văn hóa.