Tinh hoa Việt

Biểu tượng rồng kỳ bí nhất trong văn hóa Việt

TẠ ĐỨC 06/03/2024 14:20

Rồng ở phương Đông thường được coi là con vật huyền thoại, là biểu tượng cho thần sông nước, thần mưa, rồi sau đó trở thành biểu tượng cho tổ tiên, tộc người, vua và đất nước.

anh-2-hinh-rai-ca-trong-kinh-hoa.jpg
Hình rái cá trên trống Kính Hoa.

Văn hóa Đông Sơn, nền văn hóa thời Hùng Vương dựng nước, An Dương Vương giữ nước, Hai Bà Trưng cứu nước (thế kỷ 7 TCN-1), là văn hóa của nhiều tộc Bách Việt có truyền thống trồng lúa nước nên cũng là nền văn hóa có nhiều biểu tượng vật tổ rồng khác nhau. Chúng đều được thể hiện nổi bật trên đồ đồng Đông Sơn, nhất là trên mặt trống đồng thường dưới dạng một con vật thực, dù được cách điệu hóa ít nhiều nhưng vẫn dễ dàng nhận ra.

Tuy nhiên, có một biểu tượng rồng với hình hài biến ảo, đa dạng đã làm cho các học giả cả tây và ta bối rối khi đoán định, chín người thì mười ý. Đó là hình một con vật trên mặt một số trống Đông Sơn lớn như: Miếu Môn, Kính Hoa, Yên Tập, Phú Xuyên, Lào...

Cùng con vật trên trống Miếu Môn, người này gọi là thú 4 chân, những người khác lại gọi là chim cao cẳng bắt cá hay thú 4 chân, đầu chim, thân hươu, đuôi chồn. Cùng con vật trên trống Phú Xuyên, người này gọi là giao long hay cá sấu, những người khác lại gọi là rồng, hươu, chó sói hay thú lạ.

Riêng nhà dân tộc học Từ Chi gọi con vật trên trống Miếu Môn là rái cá. Và đó là cách gọi tài tình, bởi trên mặt một chiếc trống khác có một vành chứa 8 con vật có đầu và chân giống con vật trên trống Miếu Môn nhưng miệng rõ ràng đang ngậm cá. Ngoài ra, trên thạp Đào Thịnh, có hình 2 con vật tương tự con vật trên trống Kính Hoa đang ở dưới nước hay giữa hai con thuyền biển.

Chúng ta biết rái cá là con vật giỏi bắt cá và tại nhiều nơi trên thế giới, nó được thuần hóa để săn bắt cá giúp người.

Giờ đây, chúng ta có thể coi các con vật nêu trên đều là rái cá và cũng có thể lý giải sự biến hóa của hình con vật đó trên đồ đồng Đông Sơn từ các tư liệu sinh vật học, dân tộc học và ngôn ngữ học.

Trong tâm thức của nhiều tộc người châu Á, chó, cáo, rái cá, cá, rồng... là những biểu tượng tương đương có thể thay thế nhau. Cụ thể, trong truyền thuyết Khmer, chó thường thay thế cho cáo hay rồng. Người Dao gọi Ông Tổ của mình là Long Khuyển (Chó Rồng) và một số nhóm người Dao đã chuyển Ông Tổ Chó thành Ông Tổ Rồng...

Chắc chắn, người xưa chưa phân biệt và nhìn nhận các con vật trên rạch ròi như người nay, chưa kể hình các con vật biểu tượng không nhất thiết giống các con vật thực. Dù thế nào, sự nổi bật của hình rái cá trên đồ đồng Đông Sơn cho thấy rái cá là vật tổ - biểu tượng của nhiều nhóm cư dân ven sông biển có vai trò quan trọng thời Đông Sơn.

Không ngẫu nhiên, Đinh Bộ Lĩnh - vị hoàng đế đầu tiên của nước Đại Việt được tương truyền có bố là rái cá.

anh-3-hinh-rai-ca-thap-dao-thinh.jpg
Hình rái cá trên thạp Đào Thịnh.

Một truyền thuyết kể mẹ Đinh Bộ Lĩnh có mang với thần nước là một con rái cá, sinh ra Đinh Bộ Lĩnh. Sau dân làng bắt được rái cá, ăn thịt rồi vứt xương đi. Mẹ Đinh Bộ Lĩnh nhặt chỗ xương ấy, gói lại đem về treo ở bếp. Đinh Bộ Lĩnh lớn lên rất khỏe mạnh, thông minh, lại giỏi bơi lặn nên đã đem được bộ xương rái cá - bố mình đặt vào long mạch là miệng một con ngựa đá dưới vực sâu, nhờ đó sau trở thành hoàng đế.

Tiếp đó, sử sách và sử miệng Việt cũng ghi nhận một loạt truyền thuyết về mối liên hệ thần bí giữa Lý Công Uẩn và chó: Mẹ ông đến chùa Tiêu Sơn, đêm nằm mơ thấy thần (chó) rồi có mang; khi mẹ bế ông đến cửa nhà Lý Khánh Văn, con chó bằng đồng - một linh vật để trong nhà bỗng sủa vang, điềm báo có thánh nhân xuất hiện; trước khi ông ra đời, ở quê ông có con chó đẻ con mang sắc trắng đốm đen thành hình chữ “Thiên tử”; ông cho rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long đúng vào năm Canh Tuất 1010; sau đó, một con chó mẹ đang mang thai từ chùa quê ông bơi qua sông Hồng tới núi Khán Sơn ở Thăng Long “cắn lau làm ổ đẻ”, một dấu hiệu của đất lành đất quý, vì thế, sau khi lên ngôi, ông đã cho xây đền thờ Cẩu Mẫu và Cẩu Nhi trên núi Khán và giữa hồ Trúc Bạch…

Những truyền thuyết đó phản ánh tín ngưỡng vật tổ chó của dòng họ Lý Công Uẩn, và vật tổ chó đó, rất có thể là một sự chuyển đổi từ vật tổ rái cá.

Mặt khác, truyền thuyết về việc mẹ Lý Công Uẩn thụ thai sau khi mơ thấy thần chó khá gần gũi với truyền thuyết về mẹ của Hán Cao Tổ Lưu Bang thụ thai sau khi mơ thấy thần rồng (rắn). Thực chất, vật tổ chó của nhà Lý tương đương với vật tổ rồng của nhà Hán.

Nhìn rộng ra, ở phương Bắc, các vị hoàng đế sáng lập nhà Tống (960-1279) và nhà Thanh (1644-1911) trong truyền thuyết dân gian cũng là con của rái cá.

Một điều lý thú nữa là trong sử sách Việt Nam từ thời Trần đến thời Nguyễn, chữ Lạc bộ Trãi đã luôn được dùng để ghi các tên gọi Lạc Việt, Lạc Long Quân, Lạc hầu và Lạc tướng.

Các cuốn từ điển cho biết chữ “Lạc” này chỉ “một loài thú giống cầy” hay “loài chó lửng”. Chúng ta biết, cầy và lửng là hai loài họ hàng gần với rái cá.

Rất có thể, việc các sử gia Việt Nam dùng chữ “Lạc” trên ngầm chỉ tín ngưỡng vật tổ rái cá của hoàng tộc nhà Đinh và nhà Lý, hai triều đại đã khai sáng và phục hưng nước Đại Việt của người Lạc Việt.

Thời Trần, Yết Kiêu là tên một danh tướng từng được vua Trần ban tặng danh hiệu "Trần triều Đệ nhất Đô soái Thủy quân". Từ điển cổ Trung Quốc xác định Yết Kiêu là một “loài chó săn mõm ngắn”. Đó chính là rái cá, con vật có mõm ngắn được người nuôi để săn cá. Tên gọi này cũng tỏ ra phù hợp với vị thế gia nô và tài bơi lặn siêu việt của Yết Kiêu.

Cuối cùng, truyền thuyết dân gian Việt và sử nhà Nguyễn còn ghi lại nhiều câu chuyện về việc rái cá phù trợ Nguyễn Ánh (tức Gia Long, vị vua đầu tiên của triều Nguyễn) trong thời kỳ bị quân Tây Sơn truy đuổi. Một chuyện kể trên đường trốn chạy ra biển, Nguyễn Ánh ngửa mặt lên trời khấn cầu thì có một con rái cá xuất hiện trước mũi thuyền dẫn đường đưa Nguyễn Ánh đến nơi ẩn náu. Một chuyện nữa kể hai con rái cá xuất hiện trước thuyền của Nguyễn Ánh để báo phía trước có quân Tây Sơn nhưng không kịp, khi quân Nguyễn Ánh sắp bị đánh bại thì trời bỗng nổi giông bão, làm đắm các chiến thuyền Tây Sơn. Nhớ công ơn đó, sau khi lên ngôi, vua đã phong cho đôi rái cá là “Lang lại nhị đại tướng quân” (Hai đại tướng quân rái cá).

Các truyền thuyết trên chắc chắn là do bề tôi vua Nguyễn tạo ra để gây uy tín và khẳng định chân mệnh đế vương của ông. Mặt khác, chúng cũng phản ánh sự tồn tại của tín ngưỡng thờ vật tổ rái cá ở người Việt phía Nam thời này.

Vào thời Lý, các nghệ nhân Việt Nam đã tạo ra biểu tượng rồng Đại Việt dựa trên sự tổng hòa các biểu tượng rồng Đông Sơn, Trung Hoa và Phật giáo Ấn Độ.

Biểu tượng rồng ở chùa Phật tích chính là biểu tượng rồng Đại Việt đẹp, sống động và tiêu biểu nhất với đầu cá sấu, mắt ếch, vòi voi, sừng hình rùa cách điệu, thân, lưỡi và nanh rắn. Có điều, ở biểu tượng rồng mang đẫm thần thái Đông Sơn đó, chúng ta lại không thấy một yếu tố nào của rái cá, có lẽ do tính bất định và kỳ bí của biểu tượng này ngay từ thời Đông Sơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biểu tượng rồng kỳ bí nhất trong văn hóa Việt