Bình Định giữ Tuồng

NGUYỄN VĂN HỌC 16/11/2023 08:31

Đến đất võ Bình Định cũng là đến với quê hương của nghệ thuật tuồng truyền thống. Ngày nay, dẫu cuộc sống đã đổi thay, nhưng người Bình Định vẫn yêu tuồng. Cũng bởi vẫn còn những nghệ sĩ bền bỉ, hết lòng thắp lửa tình yêu nghệ thuật truyền thống, lan tỏa giá trị đến các thế hệ con cháu và học trò.

Nghệ thuật tuồng Bình Định có nhiều nét đặc sắc.

Cha truyền con nối

Bình Định là nơi ghi dấu nhiều tác giả lỗi lạc của sân khấu tuồng như Đào Duy Từ và Đào Tấn. Lịch sử tuồng Bình Định gắn liền với tên tuổi của Đào Duy Từ - bậc tài danh văn võ song toàn. Là người Thanh Hóa nhưng vào xứ Đàng Trong xây dựng sự nghiệp vào khoảng đầu thế kỷ 17, chính ông đã truyền dạy tuồng cho dân Bình Định cũng như lập nên nhiều đoàn hát bội với các vở tuồng đặc sắc còn lưu lại đến ngày nay.

Vào giữa thế kỷ 19, Bình Định sản sinh ra một kịch tác gia tuồng xuất sắc là Đào Tấn. Cùng với việc sáng tác nhiều vở tuồng hấp dẫn và có giá trị, ông đã lập nên trường đào tạo hát bội quy mô và danh tiếng nhất thời bấy giờ. Từ đây, nhiều tài năng hát bội đã được nuôi dưỡng và trở thành những tên tuổi lớn của sân khấu tuồng Bình Định và trở thành nét văn hóa độc đáo của vùng đất này. Có thể kể đến các tên tuổi nghệ sĩ như: Võ Sỹ Thừa, Tư Cá, Hoàng Chinh, Lưu Hạnh, Văn Bá Anh, Dương Long Căn... Sau đó là các nghệ sĩ Xuân Hợi, Tuyết Mai, Hoàng Kiều, Hoàng Việt…

Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Nguyễn Xuân Hợi và Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Võ Thị Tuyết Mai vừa thành đạt trên con đường nghệ thuật, vừa gìn giữ nghệ thuật tuồng và truyền dạy cho các học trò. Họ là cặp vợ chồng nghệ sĩ tuồng “ăn ý”, cả hai đều biết cách thu xếp cuộc sống, có nhiều đóng góp cho nghệ thuật tuồng. NSND Xuân Hợi (sinh năm 1959) nổi lên từ lò tuồng Nhơn Hòa (huyện An Nhơn, Bình Định) từ năm 12 tuổi, có bố và anh trai là nhạc công có tiếng.

Khi đó anh là cậu bé có niềm đam mê, nhẫn nại, chịu khó luyện tập và được cặp vợ chồng nổi danh về tuồng lúc bấy giờ là Hoàng Chinh - Hồng Thu nhận làm con nuôi và hết lòng bồi dưỡng nghề. Xuân Hợi tiến bộ nhiều hơn và năm 1978 là một trong số ít người được tuyển chọn về Nhà hát Tuồng Nghĩa Bình (khi đó có tên là Đoàn tuồng Liên khu V) công tác. Còn Tuyết Mai là con NSND Võ Sỹ Thừa - một trong những cánh chim đầu đàn của ngành tuồng cả nước; mẹ chị là NSƯT Đinh Bích Hải - diễn viên nòng cốt của Đoàn tuồng Liên khu V.

Hai cậu ruột - NSND Đinh Quả và NSƯT Đinh Thái Sơn - cũng là những người có tiếng trong nghề tuồng. Ngay từ nhỏ chị đã được theo bố mẹ đi lưu diễn. Thừa hưởng năng khiếu từ bố và mẹ truyền cho, năm 1977 chị vào học tại Trường Trung cấp Văn hóa thông tin Bình Định, trở thành “cây” tuồng trẻ được chú ý. Chị sở hữu khả năng nổi trội ít ai có được. Đó là sự thông minh, hoạt bát, nhanh nhạy, có trí nhớ tốt. Sau này hai vợ chồng chị đồng hành trên sân khấu, biểu diễn, hỗ trợ nhau, bồi đắp tình yêu tuồng cho con cái và các bạn trẻ, góp phần làm nên sức sống nghệ thuật truyền thống ở Bình Định.

Một người khác cũng khá đặc biệt là nghệ sĩ Hoàng Việt, cán bộ phụ trách và quản lý đoàn tuồng Trần Quang Diệu cho biết, mô hình “gia đình tuồng” (cả gia đình hát tuồng) đã xuất hiện khá lâu và trở thành truyền thống của đất Quy Nhơn. Hoàng Việt cũng ra đời trong một gia đình cha truyền con nối, thuộc thế hệ thứ tư của nhà soạn tuồng nổi tiếng, danh nhân Ðào Tấn. Ông ngoại anh là cụ Thập Có, tên thật Hà Quang, là một trong những học trò thành danh của cụ Ðào Tấn, ông tổ của nghệ thuật tuồng Việt Nam.

Sau khi cụ Ðào Tấn mất, ông về quê lập trường dạy hát. Hoàng Việt là con của NSƯT Hoàng Chinh - Hồng Thu (sinh ra và lớn lên ở thị xã An Nhơn). Bản thân Hoàng Việt cũng cố gắng phát triển loại hình nghệ thuật này. Anh được bố mẹ truyền nghề, dẫn lối vào con đường nghệ thuật múa, khẳng định tài năng trong vai trò diễn viên, biên đạo, rồi lại đưa anh về làm diễn viên Nhà hát Tuồng Đào Tấn trong thời gian 10 năm. Sau đó Hoàng Việt chuyển về công tác tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao Quy Nhơn từ đó cho đến nay, không ngừng tích cực cống hiến cho phong trào văn nghệ quần chúng. Nghệ sĩ Hoàng Việt cũng là người đầu tiên làm liveshow về nghệ thuật tuồng ở Bình Định. Anh Việt chia sẻ: “Liveshow đã được sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan chức năng và công chúng. Qua đó tôi mong muốn góp phần thu hút người dân và du khách đến với hát tuồng Bình Định...”.

Cảnh trong vở tuồng “Đào Tam xuân loạn trào”.

Những giá trị đặc biệt

Qua tìm hiểu, cái đặc sắc nhất ở tuồng Bình Định chính là sự hùng tráng được kết hợp từ việc hát, múa và các động tác võ thuật. Hầu hết các đào kép đều là những người biểu diễn được võ thuật và sử dụng nhuần nhuyễn các loại binh khí của võ cổ truyền Bình Định.

Việc đưa các màn nhào lộn, đánh trận vào các vở tuồng đã làm cho bộ môn nghệ thuật này trở nên sinh động, lột tả được những nội dung như khắc họa tấm gương hào kiệt, những anh hùng xả thân vì nghĩa lớn, hướng con người đến những cách ứng xử cao đẹp trong cuộc sống qua các ca từ răn dạy và giáo dục lễ nghĩa.

NSND Xuân Hợi chia sẻ: Giới nghệ sĩ tuồng vẫn cho rằng tuồng là sân khấu của những người anh hùng - nhân vật chính của các vở diễn được lột tả qua các tình huống gian khổ, hiểm nguy. Họ tôn thờ lý tưởng trung quân ái quốc và sẵn sàng hy sinh cho khát vọng của dân tộc.

Theo các nghệ sĩ, cách hóa trang mặt nạ nhân vật trong tuồng Bình Định mang đặc trưng riêng so với các vùng, miền khác trên cả nước. Tiêu biểu là nét vẽ chủ đạo trong hóa trang nhân vật tuồng Bình Định là kiểu mặt chim (khác với hát bội Nam Bộ có cách hóa trang giống kiểu mặt thú…). Một điều nữa góp phần tạo nên nét đặc sắc của tuồng Bình Định là đôi hia.

Nếu như hia tuồng của các đơn vị khác trong cả nước cũng là hia cong nhưng đế hia thường hơi bằng, độ cao chỉ khoảng 2- 3 phân, mũi hia hơi hất lên chứ không cong vút, thì hia tuồng Bình Định cao từ 5 phân trở lên, mặt tiếp xúc đất chỉ chiếm một khoảng rất nhỏ ở giữa đế (chừng khoảng 2 phân), mũi hia cong vút như mũi thuyền. Đối với những nghệ sĩ đi hia thành thạo khi biểu diễn sẽ linh hoạt, đẹp mắt hơn.

Trải qua những biến cố, thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, đến nay, nghệ thuật tuồng Bình Định vẫn giữ được bản sắc vốn có và đáp ứng kịp thời nhu cầu thưởng thức của công chúng khắp nơi. Tiếng trống chầu của tuồng Bình Định đã có dịp vang xa trên đất khách: Anh, Đức, Pháp, Nga, Hàn Quốc… để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.

Bình Định hiện còn có hàng chục đoàn hát tuồng chuyên và không chuyên hoạt động sôi nổi. Đó là minh chứng cho niềm đam mê hát tuồng của người dân nơi đây. Ban ngày những người nông dân chân lấm tay bùn nhưng ban đêm họ hóa thân thành những ông vua, bà chúa, sống cùng nhân vật và "cháy" hết mình với tình yêu nghệ thuật tuồng.

Gần cả đời gắn bó với tuồng, bài chòi, nhưng để thành công như ngày hôm nay, vợ chồng nghệ nhân Lệ Hoa - Minh Lưỡng đã trải qua bao thăng trầm. Nghệ nhân Minh Lưỡng tâm tình: “Con đường đi theo nghiệp tuồng của vợ chồng tôi lận đận bao lần. Nhưng rồi cái nghiệp diễn nó đã ngấm vào máu, vợ chồng gượng dậy sau những lần thất bại. Năm 2005, chúng tôi tiếp tục thành lập đoàn tuồng Nhơn Hưng, cố gánh vác đoàn hoạt động lưu diễn khắp nơi trong, ngoài tỉnh và hoạt động ổn định cho đến nay”.

Nghệ sĩ trẻ Nguyễn Thái Phiên (sinh năm 1989) hiện công tác tại Nhà hát Tuồng Đào Tấn (nay là Đoàn tuồng Đào Tấn, thuộc Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh) có giọng hát ấm, vang. Thái Phiên có khuôn mặt sáng nét sân khấu, chịu khó, lại được nhiều tiền bối chỉ dạy, anh sớm chinh phục nhiều dạng vai khác nhau như: kép con, kép xéo, kép trắng, kép vua…

Thái Phiên chia sẻ: “Ở Bình Định, nhiều người trẻ được lan truyền dòng máu tuồng. Nhiều người trẻ noi gương, tiếp bước thế hệ cha ông, gìn giữ nghệ thuật. Điều đáng nói nghệ thuật tuồng còn được đưa vào trường học. Nhờ đó đã góp phần làm giàu, đa dạng hóa giá trị văn hóa Việt Nam, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bình Định giữ Tuồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO