Theo thông báo của Đài khí tượng Thủy văn cho biết: Bão số 6 đang áp sát bờ biển khu vực Bình Định - Khánh Hòa với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 13. Dự báo đến gần sáng ngày 11/11, cơn bão này đổ vào đất liền. Vào 14h ngày 10/11 bão số 6 cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi - Khánh Hòa khoảng 180 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão ở cấp 10 (90-100 km/h), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão.
Tàu thuyền neo đậu an toàn tại cảng cá Hàm Tử, Quy Nhơn. Ảnh Quang Khánh.
Nhằm chủ động ứng phó bão số 6 theo Thông báo khẩn số 258/TB-UBND ngay từ ngày 8/11/2019 của UBND tỉnh Bình Định về việc “Triển khai công tác ứng phó cơn bão số 6 trên địa bàn tỉnh”; Cũng như quán triệt và khẩn trương thực thi chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh và các cơ quan liên quan trong ngày 9/11. Đến 12h ngày 10/11/2019, tỉnh Bình Định đã hoàn tất công tác ứng phó bão số 6 trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân và giảm thiểu nhất thiệt hại tài sản do bão.
Tại huyện Hoài Nhơn, địa phương ven biển thuộc tỉnh có số lượng tàu bè đánh bắt lớn, ông Phạm Công Phát, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, đến nay toàn bộ 1.500 tàu thuyền với 10.500 lao động đã vào bờ neo đậu an toàn, hiện còn 818 phương tiện đăng ký tại địa phương với 5.650 lao động đã được hướng dẫn tránh trú bão an toàn tại các đảo và tỉnh khác, đã di dời 100% người dân sinh sống tại những nơi xung yếu ven biển đến khu tập trung trú bão an toàn. L ực lượng chức năng đã giúp người dân chằng chống gia cố nhà cửa, cắt dọn cây xanh, dự trữ lương thực, thuốc men đầy đủ theo quy định.
Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, tính tới 1h30 ngày 10/11, toàn bộ 100% tàu hàng tại khu vực cảng Quy Nhơn đã được điều phối vào neo đậu tránh trú bão trong đầm Thị Nại an toàn theo kế hoạch của tỉnh và chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Mặt cảng đã giải phóng, di dời toàn bộ hàng hóa, những trang thiết bị có nguy cơ đã được tháo hạ và chằng buộc, gia cố vững vàng. Tại các cảng cá, bến neo đậu, các loại tàu thuyền đã được xắp xếp neo đậu an toàn, tất cả cá chủ phương tiện đã ký sổ cam kết thực hiện nghiêm các quy định đã được hướng dẫn.
Hiện trên địa bàn toàn tỉnh Bình Định đã tiến hành di dời 2.604 hộ dân với 9757 nhân khẩu tại các khu vực xung yếu như vùng nuôi trồng thủy sản, khu dân cư ven biển và những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn. Khắc phục, gia cố xong những công trình và cơ sở hạ tầng trọng yếu, nhất là các trình đã bị hư hại do cơn bão số 5 vừa qua. Các hồ đập đã được khắc phục sự cố, kiểm tra đảm bảo vận hành an toàn trong mưa bão, dung tích các hồ chứa hiện khoảng 46% dung tích thiết kế. Tất cả các địa phương trong tỉnh thực hiện phân công lãnh đạo và các lực lượng chức năng ứng trực toàn bộ thời gian, xây dựng phương án, giải pháp ứng phó sự cố, tình huống nguy hiểm, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, của Nhà nước trước, trong và sau bão.
100% tàu hàng tại Cảng Quy Nhơn đã neo đậu an toàn tại trên đầm Thị Nại. Ảnh Quang Khánh.
Sáng 10/11, ông Nguyễn Trọng Tùng - Phó Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên - cho biết: theo dự báo bão số 6 mới nhất, trưa và chiều 10/11, tâm bão trên vùng biển giữa TP Tuy Hòa và huyện Tuy An. "Nếu bão đổ bộ vào đất liền ở Tuy Hòa, cũng coi như gây ảnh hưởng hết chiều dài ven biển tỉnh Phú Yên". Do đó tỉnh Phú Yên có mưa diện rộng, mưa càng ngày càng nặng hạt cũng như gió cũng càng về chiều thì càng mạnh lên
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết diễn biến tác động của bão số 6 khác bão số 5 khi mưa gió đến sớm hơn, do vậy tỉnh yêu cầu chính quyền các địa phương chủ động hơn nữa trong việc ứng phó. Tuy nhiên, chúng tôi yêu cầu lãnh đạo các địa phương tùy diễn biến thực tế mà ứng phó, đặc biệt là phải thực hiện nghiêm lệnh cấm biển, sơ tán dân vùng xung yếu, đưa toàn bộ dân nuôi lồng bè, trên tàu thuyền vào bờ tránh bão đúng thời điểm mà tỉnh đã ấn định", ông Dương nói. Cũng theo ông Dương, qua kiểm tra thực tế mấy ngày qua, việc các địa phương chủ động các phương án sắp xếp tàu thuyền neo đậu trú tránh, xử lý thả lồng bè nuôi hải sản sâu xuống đáy, lên kế hoạch sơ tán dân ở những vùng triều cường, trũng thấp, nhà yếu… khá tốt. Các cấp lãnh đạo tỉnh Phú Yên rất quan tâm là 3.600 người nuôi hải sản trên vùng ven biển. Chỉ riêng ở vịnh Xuân Đài ở thị xã Sông Cầu, nơi nuôi thủy sản lớn nhất tỉnh Phú Yên. Hiện nay toàn thị xã Sông cầu có 1.861 bè với 3.070 hộ nuôi, bình quân mỗi bè có khoảng 2-3 người trông coi, chăm sóc.Tỉnh và huyện đã có phương án để đưa toàn bộ số người này vào bờ trước bão, trong đó các lực lượng biên phòng, công an, quân đội sẽ liên tục thông báo trên biển, đến gần "giờ G" mà những người cố tình không chấp hành sẽ bị cưỡng chế đưa lên tàu của lực lượng chức năng.
Trưa 10/11, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác sơ tán dân tại khu vực Xóm Núi thôn Thành Phát (xã Phước Đồng, TP Nha Trang). Báo cáo nhanh với đoàn công tác, ông Bùi Cao Pháp - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng thông tin: “Trong cơn bão số 6 này, toàn xã Phước Đồng dự kiến di dời 320 hộ dân /1.277 nhân khẩu, trong đó khu vực thôn Thành Phát là 200 hộ và Thành Đạt là 70 hộ. Từ sáng 10/11, cùng với sự hỗ trợ của lực lượng Công an TP Nha Trang, biên phòng, địa phương đã chia nhiều nhóm tuyên truyền, vận động 200 hộ dân Xóm Núi sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm; đến 13 giờ cùng ngày, đã có 170 hộ đã di dời khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Chúng tôi nỗ lực đến 13 giờ sẽ di dời toàn bộ các hộ dân khu vực này đến nơi an toàn. Chúng tôi dự kiến sẽ cắt điện toàn bộ khu vực Xóm Núi từ tối nay. Không riêng gì khu vực Xóm Núi, địa phương cũng đang tiến hành di dời 70 hộ ở Xóm Mũi (thôn Thành Đạt) và 30 hộ ở thôn Phước Lộc khỏi khu vực nguy hiểm do có nguy cơ sạt lở cao. Chúng tôi kiên quyết không để bất cứ người nào ở lại khu vực nguy hiểm”.Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu, phải kiên quyết di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm tra công tác chống bão của tàu thuyền lần cuối tại cảng cá Tam Quan. Ảnh PC phát.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, qua rà soát, toàn tỉnh có 102 điểm có nguy cơ sạt lở đất, với tổng số dân dự kiến sơ tán là 3.800 hộ/15.500 nhân khẩu. Đến 12h ngày 10/11, toàn tỉnh đã di dời 627 hộ dân, với 2.331 nhân khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm. Cụ thể, TP Nha Trang đã di dời 365 hộ/1.443 nhân khẩu; huyện Vạn Ninh di dời 16 hộ/40 nhân khẩu; TP Cam Ranh di dời 246 hộ/858 nhân khẩu. Đối với các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển, toàn tỉnh có 2.462 bè, với 54.049 lồng, lao động trên các lồng bè là 5.600 người. Hiện, các hộ nuôi đã tiến hành chằng néo lồng bè, người lao động đang được di chuyển vào bờ, công tác sơ tán lao động trên các lồng bè phải kết thúc trước 15 giờ chiều 10/11.
Qua kiểm tra công tác di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao công tác ứng phó cơn bão số 6 tại địa phương. Thứ trưởng nhấn mạnh từ chiều đến tối 10/11 dự báo Khánh Hòa sẽ có mưa to đến rất to, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất rất lớn. Do đó phải kiên quyết di dời toàn bộ các hộ dân sinh sống ở khu vực Xóm Núi (thôn Thành Phát) nói riêng và các hộ dân sinh sống ở những khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Phải đảm bảo không để xảy ra thảm kịch sạt lở đất gây chết người ở địa bàn TP Nha Trang như mùa mưa lũ năm 2018. Thứ trưởng yêu cầu dứt khoát không để lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gây chết người. Đối với các hộ dân sống trong vùng nguy hiểm.