Việc mới đây tỉnh Quảng Nam đã dùng thuốc nổ đánh sập 75 hầm khai thác vàng trái phép tại khu vực Vườn quốc gia Sông Thanh, thu hút sự chú ý không chỉ người dân tỉnh này, mà còn rộng rãi hơn vì đây là vụ lực lượng chức năng “tấn công hang ổ của vàng tặc” rất quyết liệt.
Vườn quốc gia Sông Thanh, một trong 10 khu rừng đặc dụng có diện tích lớn nhất trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam. Nhưng cũng thật đáng tiếc, nơi này từng được coi là “thánh địa vàng”, có nghĩa là “vàng tặc” hoạt động rất dữ dội, kéo dài. Khu vực Khe Tà Vạt, Dốc Mây, Thạnh Mỹ là những địa điểm tập trung nhiều hầm khai thác vàng trái phép nhất trong Vườn quốc gia Sông Thanh. Cho đến trước khi lực lượng chức năng dùng chất nổ đánh sập, có đến 75 hầm vàng đang khai thác hoặc bị bỏ hoang tại đây.
Sau đợt đánh sập các hầm vàng trái phép, lãnh đạo Vườn quốc gia Sông Thanh cho biết, tạm thời tình trạng khai thác vàng trái phép đã được giải quyết, thế nhưng, để không tái diễn tình trạng này thì vẫn là bài toán khó đối với ngành chức năng.
Trước sự lộng hành của “vàng tặc” người ta buộc phải đặt vấn đề về trách nhiệm cũng như năng lực quản lý của địa phương. Vì rằng, họ đã tổ chức nhiều vụ đẩy đuổi nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy. Cán bộ địa phương cho rằng công tác quản lý khoáng sản ở đây rất khó khăn, do địa hình rừng núi phức tạp, hẻo lánh. Các điểm khai thác trái phép lại nhỏ lẻ trên một khu vực rất rộng, trong khi lực lượng chức năng lại mỏng.
Đó là thực tế, nhưng cũng không thể vì thực tế ấy mà để tài nguyên quốc gia bị khai thác, chiếm đoạt trái phép. Việc khai thác trái phép ấy còn phá hủy môi trường khi mà từng vạt rừng bị đốn hạ, những dòng suối bị đầu độc do hóa chất dùng để đãi vàng.
Vườn quốc gia Sông Thanh có tổng diện tích gần 77.000 ha, trải dài trên 12 xã thuộc 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn tỉnh Quảng Nam. Nói như ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh này thì sau khi tổ chức đánh sập các hầm vàng, sẽ tăng cường mọi biện pháp ngăn chặn, không để tái diễn tình trạng khai thác vàng trái phép tại đây. “Tôi tin rằng với cách làm này thì Vườn quốc gia Sông Thanh sẽ không còn “vàng tặc” tại nơi đây” - ông Bửu nói.
Đó là khẳng định của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, nhưng với những gì đã từng diễn ra thì người dân tỉnh này cho biết vẫn chỉ dám “tạm ứng niềm tin” mà thôi. Vì rằng, như đã nói, không biết bao lần đẩy đuổi, truy quét, đánh sập hầm vàng nhưng hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn tiếp diễn. Sau khi các hầm vàng bị đánh sập, thì rất có thể “vàng tặc” lại đào những hầm vàng mới, kéo theo đội ngũ “phu vàng” rất đông đảo.
Từ vụ dùng chất nổ đánh sập hàng loạt hầm vàng trái phép tại Vườn quốc gia Sông Thanh (tỉnh Quảng Nam), cũng xin được nhắc lại rằng, còn không ít nơi do buông lỏng quản lý nên “lâm tặc” phá nát rất nhiều diện tích rừng. Có những cánh rừng nhìn từ bên ngoài vẫn xanh tốt, rậm rì, nhưng “lõi rừng” thì đã bị tận diệt. Những cây gỗ lớn hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ, xẻ ra ngay trong rừng rồi vận chuyển ra bên ngoài. Có trường hợp, “lâm tặc” còn mở cả đường cho xe tải lớn ra vào vận chuyển gỗ.
Khi những vụ việc xảy ra, địa phương và lực lượng chức năng có nhiệm vụ bảo vệ rừng bao giờ cũng cho rằng đã làm hết sức nhưng do địa hình phức tạp, người ít nên không thể quản lý nổi. Có thật như vậy không? Nhiều người không tin đó là nguyên nhân chính dẫn đến việc mất rừng.
Ở đây, có vấn đề trách nhiệm. Nói rằng địa bàn rộng, địa hình phức tạp nên không thể quán xuyến hết, cũng có thể hiểu rằng người ta ngại tuần tra, nếu có thì cũng chỉ ngoài bìa rừng còn phần lõi bên trong thì không đặt chân đến. Có trường hợp, lại đổ thừa cho dân trong vùng “tiếp tay” cho lâm tặc. Biết vậy tại sao không vận động, giải thích cho người dân để cùng mình ngăn chặn lâm tặc, lại để cho họ “tiếp tay” phá rừng?
Thật đáng ngại khi có trường hợp chính nhân viên kiểm lâm bắt tay với “lâm tặc” để phá rừng. Những vụ được đưa ra xét xử đã cho thấy điều đó. Thật khó chấp nhận việc tiếng cưa máy ầm ầm, tiếng xe tải lớn gầm gào mà kiểm lâm không hay không biết. Thiếu trách nhiệm cộng với tiêu cực phải được xem là lý do chính dẫn đến những vụ phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép. Chỉ khi nhận diện rõ như vậy mới có thể hy vọng tình hình đổi khác.
Cuộc sống hàng ngày của cán bộ kiểm lâm rất vất vả, họ cần phải được bổ sung chế độ để bù đắp sự vất vả ấy. Kể cả việc phải bảo vệ họ khi phải đối mặt với sự manh động của “lâm tặc”, tính mạng bị đe dọa.
Tuy nhiên, chia sẻ khó khăn nhưng cũng không thể vì thế mà đành nhìn những cánh rừng cứ dần mất đi, tài nguyên của đất nước bị gặm nhấm, bị phá hủy từ ngày này sang ngày khác. Nói riêng về rừng, chỉ cần một cây gỗ to mất đi thì phải cần tới vài chục năm, cả trăm năm mới có thể có lại được. Nhất là với rừng đầu nguồn, khi bị đốn hạ không chỉ mất gỗ quý mà còn gây ra rất nhiều tai họa cho hạ du mỗi khi mưa to gió lớn.
Trở lại với việc tỉnh Quảng Nam một lúc đánh sập tới 75 hầm vàng trái phép, cho thấy quyết tâm rất lớn của địa phương. Nếu địa phương nào cũng quyết tâm như vậy thì những cánh rừng, tài nguyên của đất nước mới có thể bình yên.