Mới đây, Bộ GTVT đã có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về tình hình triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và tiến độ khởi công Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Đã phê duyệt 12/12 dự án thành phần
Cụ thể, Bộ GTVT cho biết, sau khi phê duyệt xong 12/12 dự án thành phần, hiện nay, các chủ đầu tư đã trình hồ sơ thiết kế kỹ thuật được 208 km/721,2 km thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (đạt 29%). Dự kiến đến ngày 5/11/2022, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán toàn bộ 12 dự án thành phần.
Về công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp và chuẩn bị khởi công, Bộ đã chỉ đạo các Ban quản lí dự án (chủ đầu tư) rà soát phạm vi, quy mô gói thầu xây lắp và trình Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Hiện nay, Bộ GTVT đang tổ chức thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Cụ thể, Bộ sẽ phê duyệt thiết kế, dự toán gói thầu đầu tiên cho toàn bộ 12 dự án thành phần (để gửi Kiểm toán nhà nước) trước ngày 31/10/2022; kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán các gói thầu khởi công xong trước ngày 20/11/2022; hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ yêu cầu trước ngày 20/11/2022; lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát xong trước ngày 16/12/2022.
Việc ký hợp đồng xây lắp: Hoàn thành trước ngày 20/12/2022. Chuẩn bị công tác khởi công các gói thầu đầu tiên: Từ ngày 21/12/2022 đến này 24/12/2022. Các gói thầu còn lại hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và tổ chức thi công trong Quý I/2023 theo đúng yêu cầu Nghị quyết số 18/NQ-CP.
Về công tác GPMB, Bộ GTVT cũng chỉ đạo các Ban QLDA khẩn trương bố trí vốn, phối hợp chặt chẽ với địa phương trong triển khai công tác GPMB; lựa chọn các vị trí thuận lợi để tập trung GPMB, cũng như triển khai đồng thời công tác lập hồ sơ thiết kế, dự toán phục vụ khởi công dự án.
Trước đó, ngày 6/10/2022, Lãnh đạo Bộ GTVT đã làm việc với UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng, thống nhất các đoạn tuyến ưu tiên triển khai GPMB để phục vụ khởi công… Trong tháng 10/2022, Bộ GTVT sẽ tiếp tục làm việc với UBND các tỉnh còn lại để thống nhất tiến độ khởi công và đẩy nhanh công tác GPMB.
Trên cơ sở phạm vi GPMB do Bộ GTVT bàn giao, UBND các tỉnh đã giao cho Hội đồng GPMB các địa phương triển khai công tác đo đạc tại thực địa. Đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác đo đạc tại thực địa với tổng diện tích thu hồi khoảng 6.303 ha đạt tỷ lệ 99,5%.
Về kế hoạch vốn và giải ngân, Bộ GTVT đã giao kế hoạch vốn 7.174,83 tỷ đồng (năm 2022) cho các địa phương để triển khai công tác GPMB.
Vẫn tồn tại vướng mắc
Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Theo đó, Bộ GTVT đã phối hợp với Kiểm toán nhà nước xây dựng kế hoạch và chuẩn bị thực hiện kiểm toán các gói thầu trước khi chỉ định thầu. Đồng thời tại Báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 44/2022/QH15, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội giao Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán các gói thầu của Dự án trước khi chỉ định thầu. Tuy nhiên, hiện nay Kiểm toán nhà nước đang đợi ý kiến chấp thuận của Quốc hội để triển khai thực hiện.
Công tác kiểm kê tài sản trên đất ở một số địa phương (Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên) tại một số dự án và công tác lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm, trong khi thời gian từ nay đến khi khởi công không còn nhiều.
Do đó, Bộ GTVT đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Bình Định, thành phố Cần Thơ khẩn trương hoàn thành công tác đo đạc tại thực địa trước ngày 15/10/2022. UBND các tỉnh Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên đẩy nhanh công tác kiểm kê tài sản trên đất, hoàn thành toàn bộ trong tháng 10/2022.
UBND các tỉnh, thành phố đẩy nhanh việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phê duyệt phương án từng đợt, từng đoạn tuyến và thực hiện chi trả, ưu tiên GPMB cho các gói thầu khởi công, các vị trí phải xử lý nền đất yếu; khẩn trương lập, phê duyệt dự án và xây dựng hạ tầng các khu tái định cư đáp ứng tiến độ yêu cầu; hoàn thiện các thủ tục để sớm thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật (đặc biệt là các đường điện cao thế và các công trình nằm trong phạm vi thi công).
Bộ Quốc phòng bố trí kinh phí để di dời các công trình quốc phòng tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh bảo đảm các quy định về an toàn.