Ngày 5/12, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 31/2019/TT-BYT Quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường. Tại đây quy định sữa học đường phải đảm bảo đủ 21 vi chất với hàm lượng cụ thể. Hiện vẫn còn những băn khoăn xung quanh việc bổ sung vi chất vào sữa học đường, song theo Bộ Y tế điều này là cần thiết.
Theo Tạp chí Dân số Thế giới, chiều cao trung bình của người Việt là 162,1 cm, thấp thứ 4 thế giới. Còn theo một báo cáo khác của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Việt Nam là một trong số 34 quốc gia trên toàn cầu phải đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng cao nhất. Việt Nam là nơi có 1,8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng và có nguy cơ bị tổn thương não và thể chất lâu dài.
Vì vậy, năm 2011, Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030, đặt ra mục tiêu dự kiến đến năm 2030, chiều cao trung bình của phụ nữ và nam giới Việt Nam sẽ tăng lên 157,5 cm và 168,5 cm. Chương trình “Sữa học đường” được thực hiện thể hiện sự chung tay của Nhà nước, các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp để cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em và hướng đến nâng cao tầm vóc cho người Việt.
Bộ Y tế lý giải rõ hơn, Chương trình Sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 gồm các chỉ tiêu cần phải đạt được là tăng tỷ lệ protein động vật/protein tổng số của khẩu phần trẻ em mẫu giáo và tiểu học đạt trên 40%; Đáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitaminD của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thêm 30%; Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,6%/năm; Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,7%/năm; Chiều cao trung bình của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 cm - 2 cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010.
Trước đó, ngày 24/11/2014, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 43/2014/TT-BYT quy định về quản lý thực phẩm chức năng, trong đó có xác định nhu cầu các vi chất, vitamin và có ngưỡng dung nạp tối đa.
Căn cứ vào Quyết định số 1340/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 43/2014/TT- BYT quy định: “Bổ sung vi chất vào Chương trình Sữa học đường cần đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết và phải căn cứ cơ sở khoa học, giao Viện Dinh dưỡng chịu trách nhiệm về cơ sở khoa học”.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng đã có văn bản đề nghị bổ sung 21 loại vi chất với hàm lượng cụ thể của từng loại vào sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường và khẳng định cơ sở khoa học được nêu ra nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em.
Ngày 5/12/2019, Bộ Y tế đã ký ban hành Thông tư số 31/2019/TT-BYT quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường thay thế Quyết định 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường.
Thông tư số 31/2019/TT-BYT được ban hành nhằm thực hiện các Chỉ tiêu của Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các chỉ tiêu về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi, tăng chiều cao của trẻ em mẫu giáo, tiểu học.
Thông tư số 31/2019/TT-BYT đã quy định đảm bảo đủ 21 vi chất với hàm lượng trung bình của từng loại vi chất trong 100 ml sữa và quy định về nguồn nguyên liệu đầu vào, việc công bố sản phẩm, ghi nhãn cũng như điều khoản chuyển tiếp. Theo ý kiến của Viện Dinh dưỡng thì việc bổ sung 21 loại vi chất vào sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường là rất cần thiết và cũng chỉ mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu về vitamin và khoáng chất hàng ngày của trẻ. Đồng thời Thông tư 31/2019/TT-BYT cũng đã quy định rõ ràng, minh bạch và thống nhất cho tất cả các địa phương thực hiện.