Việc sửa đổi, bổ sung Điều 9 và Điều 10 của Hiến pháp năm 2013 đang được đặt ra như một yêu cầu tất yếu trong tiến trình hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Một trong những nội dung được nhiều chuyên gia, nhà khoa học quan tâm chính là vai trò, chức năng và cơ cấu tổ chức của các tổ chức chính trị - xã hội khi “trực thuộc” MTTQ Việt Nam, qua đó góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội nhận định, Hiến pháp năm 2013 quy định, MTTQ Việt Nam là nơi phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước. Lần này trong khoản 1 Điều 9 được bổ sung thành tố MTTQ Việt Nam “là bộ phận của hệ thống chính trị nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”.
Việc hiến định thêm cụm từ “bộ phận” có ý nghĩa khẳng định địa vị chính trị, pháp lý của Mặt trận trong mối quan hệ gắn bó, phối hợp với Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội khác; đồng thời cũng tạo cơ sở để tăng cường thể chế hóa vai trò của MTTQ Việt Nam trong tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, hoạch định chính sách và giám sát quyền lực.
Tán đồng với các điểm mới của khoản 2, Điều 9 quy định 5 tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam, tuy nhiên, theo bà Bùi Thị An cần sớm có luật sửa đổi, bổ sung Luật MTTQ Việt Nam (2015) để cụ thể hóa quyền hiến định mới, cụ thể hóa mối quan hệ giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và các tổ chức quần chúng khác… mà họ đều có tư cách pháp nhân, điều lệ. Nên cụ thể sự trực thuộc và quan hệ giữa trực thuộc và điều lệ của từng tổ chức này bằng các quy định.
Để MTTQ Việt Nam xứng đáng là bộ phận của hệ thống chính trị và đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bà An đề xuất nên nghiên cứu cụ thể hóa quyền của MTTQ Việt Nam, có quyền trình dự án trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Thường vụ Quốc hội. Điều này rất khả thi bởi MTTQ Việt Nam là nơi tập hợp trí tuệ, nguyện vọng, ý kiến đa chiều từ nhân dân và các tầng lớp xã hội.
“Việc thực hiện quyền này là đảm bảo cho nhân dân tham gia xây dựng pháp luật một cách thực chất, thông qua đại diện hợp pháp là MTTQ Việt Nam, nhất là khi các tổ chức chính trị - xã hội lại trực thuộc Mặt trận. Quy định này cũng rất phù hợp với yêu cầu phát huy dân chủ và trách nhiệm giám sát quyền lực theo tinh thần Nghị quyết XIII của Đảng” - bà An nói, đồng thời cho rằng, cần có cơ chế bảo vệ chính kiến và đề xuất phản biện độc lập của MTTQ Việt Nam, tránh tình trạng hình thức hoặc ngại va chạm. Ngoài ra tăng cường phối hợp với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp để tiếng nói của MTTQ không bị coi là “phụ trợ” mà thực sự có giá trị định hướng, góp phần hoàn thiện chính sách.
Góp ý về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ (sửa đổi, bổ sung Điều 9 và 10), TS Trần Anh Tuấn - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam cho rằng, việc sửa đổi các điều này nhằm khắc phục tình trạng hệ thống các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, chức năng, nhiệm vụ còn có sự giao thoa, trùng lặp, một việc nhiều tổ chức cùng làm, một người tham gia nhiều tổ chức.
Tán thành các nội dung sửa đổi liên quan đến MTTQ Việt Nam, TS Trần Anh Tuấn đề nghị, phải xác định MTTQ Việt Nam là bộ phận quan trọng, nền tảng của hệ thống chính trị… Như vậy, MTTQ mới là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Về nội dung đưa “các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam” - theo ông Tuấn, dự thảo quy định cụm từ này là phù hợp với tư tưởng tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm bớt đầu mối, đúng với chủ trương của Đảng là sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc MTTQ Việt Nam. Khi đã là trực thuộc và dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam thì chỉ nên có một đầu mối tổ chức là MTTQ Việt Nam trình dự án Luật.