Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cùng với sự chủ động của các địa phương sẽ là điểm tựa cho các doanh nghiệp nông nghiệp liên quan đến xuất khẩu có niềm tin để tái khởi động trở lại.
Trong đại dịch Covid-19 ngành nông nghiệp lại được nhắc đến như một trụ đỡ khi kinh tế chao đảo. Quy mô của các doanh nghiệp (DN) nông nghiệp có thể không bằng các DN công nghiệp nhưng sức lan toả ra hàng chục triệu hộ nông dân có thể kết nối trở thành sức mạnh. Như vậy phải nhìn nền nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế xã hội chứ không phải là ngành kinh tế đơn lẻ, không chỉ là một ngành có đóng góp 14% tổng GDP. Đây là một ngành kinh tế bao trùm đem lại thu nhập cho hàng chục triệu con người chứ không phải 1 nhóm người.
Từ câu chuyện trong đại dịch vừa rồi có thể nhìn thấy ngành nông nghiệp với hàng chục triệu hộ nông dân có thể linh hoạt và năng động hơn trong đại dịch, trên từng mảnh vườn, cái ao… vẫn có thể tạo ra giá trị kinh tế, tạo ra bức tranh nông nghiệp “dương” so với nhiều ngành khác. Tôi nghĩ về sức sống của hàng chục triệu hộ nông dân. Đây là niềm tin để phát triển chiến lược “tam nông” căn cơ hơn.
Tổng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp hiện nay là 35,5 tỷ USD. Theo thông lệ hằng năm, quý IV là quý tăng trưởng mạnh nhất của ngành nông nghiệp. Sơ bộ làm việc với các hiệp hội, ngành hàng liên quan đến xuất khẩu, chúng tôi rất tự tin sẽ đạt được kế hoạch đặt ra 42,5 tỷ USD. Tuy nhiên, điều này cũng còn lệ thuộc vào tình hình diễn biến dịch bệnh.
Chúng ta cũng biết những ngày gần đây, sự chuyển hướng trong phòng chống dịch sang xác định sống chung với dịch trong điều kiện bình thường mới, dòng người lao động từ khu đô thị về các địa phương đã xuất hiện ổ dịch cũng khiến lãnh đạo một số địa phương không tránh khỏi lo ngại.
Mục tiêu của Chính phủ mở cửa nền kinh tế, phục hồi phát triển kinh tế có thể cũng sẽ gặp một vài khó khăn khi dịch bùng phát tại một số địa phương. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cùng với sự chủ động của các địa phương, tôi nghĩ rằng đây là điểm tựa cho các DN nông nghiệp liên quan đến xuất khẩu có niềm tin để tái khởi động lại.
Hằng năm, tôi có gặp các “vị vua” (vua chuối, vua cà phê, vua lúa gạo, vua hồ tiêu), họ đều có niềm tin vào DN của mình, mặc dù cũng hơi “nặng lòng” với cách chống dịch của một số địa phương trong thời gian qua làm khó DN.
Tuy nhiên, tôi cũng đã chia sẻ với các DN: Chúng ta hãy hướng tới tương lai, không nhìn lại quá khứ nữa. Muốn đi nhanh thì bớt nhìn lại quá khứ. Tôi có niềm tin rất lớn vào các DN nội của chúng ta vì cuối cùng DN Việt của chúng ta hoàn toàn có thể mở rộng để thu hút FDI.
Trong rất nhiều báo cáo của Đại hội Đảng, của Chính phủ đều nêu vấn đề tự chủ của nền kinh tế của chúng ta, vì vậy, cộng đồng DN phải lớn mạnh hơn. Hiện nay, Chính phủ đã tạo ra hào khí cho các DN trên cả nước, trong nguy có cơ, cơ ở đây là các DN đã thức tỉnh, bản thân DN cũng nhìn lại sức chống chịu rủi ro của mình để tích cực hơn.
Với mục tiêu tăng trưởng toàn ngành năm 2021 mà Bộ NNPTNT đề ra từ 2,5-2,8%. Qua khảo sát sơ bộ đánh giá đối với từng ngành hàng, từng địa phương và làm việc với Tổng cục Thống kê, chúng tôi cho rằng tăng trưởng của ngành sẽ đảm bảo và góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế nước ta.
Mặc dù đang ở giai đoạn chống chọi với dịch bệnh, ngay cả ngành nông nghiệp, các DN nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn như chi phí đầu vào tăng, những biến cố thị trường, đứt gãy logistic cung ứng thế giới..., tuy nhiên dư địa chúng ta còn và chúng ta có niềm tin.
Trong bối cảnh đó, những bước đi của ngành nông nghiệp nhiệm kỳ 2021-2025 với tầm nhìn phát triển chiến lược, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại trong giai đoạn sắp tới, không phải quy hoạch lại ngành này hay ngành kia, tăng ngành này giảm ngành kia mà chính là chuyển đổi mô hình tăng trưởng của ngành nông nghiệp, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy kinh tế với mục tiêu là tăng giá trị. Chúng ta bắt đầu khơi thông được tư duy đó.
Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi mô hình chứ không phải thay đổi tỉ trọng của một ngành nông nghiệp khi đi theo sản lượng. Chúng ta phải tích hợp đa giá trị vào sản phẩm, nhìn nông nghiệp không phải là kỹ thuật hay sản xuất, thậm chí không dừng lại là ngành kinh tế mà là ngành tích hợp cả kinh tế, văn hóa, xã hội. Bởi vì đã có nhiều nghiên cứu, bản thân xã hội cũng là nguồn lực, bản thân văn hóa cũng là nguồn lực…
Văn hóa, xã hội nông thôn, tri thức hóa người nông dân tạo ra cộng đồng nông dân năng động ở địa phương. Nó sẽ trở thành nguồn lực tinh thần hợp tác của người nông dân với nhau. Chúng ta thấy “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” là 3 từ khóa “lời nguyền” của nông nghiệp. Nếu trong “bình thường mới”, tiếp tục manh mún, nhỏ lẻ, tự phát thì vẫn là vòng luẩn quẩn.