“Cần phát huy vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền hướng dẫn người dân những thông tin trên mạng xã hội không phải là thông tin chính thống do đó cần cảnh giác, không nghe theo” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn tại Hội trường. Ảnh: Quang Vinh.
Chiều nay (31/10), lần đầu tiên, tân Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng đã đăng đàn trả lời chất vấn dù Chủ tịch Quốc hội có thông tin, là người mới nắm lĩnh vực này nên có câu hỏi nào thuộc lĩnh vực Bộ trưởng phụ trách thì Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ trả lời thay.
Trả lời ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) về việc các thông tin trên mạng xã hội xúc phạm cá nhân các bộ trưởng sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Vậy có xử lý được tình trạng này không? và cách nào để ngăn chặn sim rác? Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Thông tin sai trên mạng xã hội là chuyện của toàn cầu. Nước lớn như Mỹ hay bé như Timo Letste cũng bị rơi vào tình trạng này. Chúng ta sống trên không gian mạng mới 10 năm nên chưa nhiều kinh nghiệm, trong khi đời sống thực có kinh nghiệm nhiều năm. Muốn xử lý phải tường minh thông tin sai bằng pháp luật và phải có công cụ giám sát phân tích, đánh giá; nghĩa là phải bằng công nghệ.
“1 ngày bình quân có 100 triệu thông tin nên chúng ta không thể dùng người được mà phải áp dụng khoa học kỹ thuật, máy móc, công nghệ để đánh giá. Hiện Bộ TTTT đã có trung tâm hệ thống đọc, đánh giá và phân loại 100 triệu tin/ 1 ngày”.
Theo Bộ trưởng, việc quét thông tin trên mạng thì có thể dùng công nghệ được. Nhưng lại có cái khó là mạng xã hội xuyên biên giới, trong đó có nhiều nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài. Vì vậy cần mạnh tay hơn, yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ tuân thủ pháp luật Việt Nam, trong đó có việc gỡ bỏ những thông tin sai trái. Đây là việc các nước như EU, hay các nước trong khu vực ASEAN đã làm.
“Quan trọng là phải thượng tôn pháp luật và phải có chế tài xử lý người đưa thông tin sai trên mạng. Bên cạnh đó, cái tốt lớn lên thì cái xấu sẽ bị đẩy đi. Cho nên cần phát huy vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền hướng dẫn người dân những thông tin trên mạng xã hội không phải là thông tin chính thống do đó cần cảnh giác, không nghe theo” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.
Đề cập đến vấn đề sim rác, theo ông Hùng, muốn ngăn chặn phải có cơ sở dữ liệu công dân, xác định người đăng ký sim gắn với chứng minh nhân dân. Ở nhiều nước, trong chứng minh nhân dân có cài thông tin về ảnh, vân tay. Khi đi đăng ký sim chỉ cần chìa chứng minh nhân dân thì hiện vân tay và họ chụp ảnh. Nếu thấy ảnh trùng với ảnh trong chứng minh nhân dân thì sim đó gắn đúng với người đó. Đó là giải pháp căn cơ nhất.
Vì thế, theo Bộ trưởng Bộ TTTT, chúng ta cần nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu công dân, không những vậy mà nó còn giúp cho xây dựng Chính phủ điện tử.
Dưới góc độ cơ quan thẩm tra Luật An ninh mạng trong thời gian qua, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) khẳng định: Luật An ninh mạng đã quy định cụ thể và có các biện pháp để xử lý các nội dung mà ĐB Cương nêu. Tuy nhiên, theo ông Hồng, vấn đề sim rác không chỉ có từ thời ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn mà đến nay sim rác vẫn tiếp diễn. Tin độc, tin vu khống, tống tiền đều là từ sim rác.
“Vậy có yêu cầu được các doanh nghiệp cung cấp mạng nghiêm chỉnh chấp hành hay không?. Như tập đoàn Viettel là nhà cung cấp sim rác lớn trên thị trường. Chỉ cần ra ngoài hội trường là mua được ngay” - ông Hồng nêu rõ.