Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất lập đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn 2022-2030.
Triển khai đề án 1 triệu căn hộ
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, cần sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Đấu thầu sửa đổi, Luật Thuế để quy định cụ thể về điều kiện thụ hưởng; quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư dự án; cơ chế ưu đãi của Nhà nước. Chính sách nhà ở cho công nhân cần tách riêng để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi nhằm phát triển nhà lưu trú ở khu công nghiệp.
Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các địa phương rà soát, lập, công bố danh mục chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được vay gói hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại.
Ông Nghị cũng chia sẻ kinh nghiệm một số nước tương đồng với Việt Nam như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore đều đẩy mạnh phát triển nhà ở cho thuê, thông qua các hình thức trực tiếp đầu tư công, giao doanh nghiệp nhà nước đầu tư hoặc có chính sách hỗ trợ chủ đầu tư, người dân thuê, mua nhà xã hội.
Thời gian qua, việc xây nhà xã hội gặp nhiều khó khăn, như thủ tục đầu tư xây dựng, mua bán kéo dài, phức tạp hơn nhà thương mại. Dự án nhà xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất để miễn. Việc xác định giá trước khi bán, cho thuê, thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định khiến "kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp".
"Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư", ông Nghị nêu.
Các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích để cho thuê, chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm. Nhưng trên thực tế nhiều dự án không cho thuê được, căn hộ bỏ không, lãng phí, trong khi chủ đầu tư không thu hồi được vốn. Luật Nhà ở chưa cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã mua, thuê, thuê mua nhà xã hội, trong khi thực tế họ muốn mua, thuê cho người lao động thuê lại.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân, với quy mô 156.000 căn, tổng diện tích 7,8 triệu m2. Toàn quốc đang triển khai 401 dự án, quy mô 455.000 căn.
Về giải ngân gói hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đến tháng 7, đã có 41 địa phương báo cáo đang triển khai 240 dự án, dự kiến nhu cầu vay vốn 34.500 tỷ đồng.
Chủ động thực hiện bố trí quỹ đất thay thế
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay thực tế tại Hà Nội, khi bố trí các khu vực nhà ở xã hội tại các huyện ngoại thành như Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức thì sẽ không phù hợp khi bố trí nhà ở xã hội và các dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 2 ha đất trở lên nhưng có diện tích đất ở nhỏ, một số dự án không phù hợp bố trí nhà ở xã hội cao tầng.
“Để gỡ vướng mắc này, TP xin kiến nghị Chính phủ ủy quyền cho Hà Nội chủ động thực hiện bố trí thay thế quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho các dự án này tại các khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) trên địa bàn” - ông Tuấn đề xuất.
Còn Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Trần Hoàng Quân thì đề nghị Thủ tướng cho phép UBND TP HCM được quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất 2-10 ha theo một trong ba bước.
Một là dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội. Hai là chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% tính theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước tại thời điểm chuyển giao để sử dụng làm nhà ở xã hội.
Ba là hình thức nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước (tương tự như Nghị định 100/2015/NĐ-CP). Riêng đối với các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên, thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức dành quỹ đất 20% trong dự án theo quy định.