Mới đây, các nhà khoa học Nga công bố một bộ xương một con voi ma mút được cho là “hoàn hảo” khi nó bị vùi trong băng tới 10.000 năm, tại vùng hồ Pechevalavato, phía bắc vùng Siberia.
Khi lộ ra, một phần hộp sọ, một số mảnh xương sườn và xương chân trước vẫn còn dính một ít mô tế bào của con voi ma mút này. Theo ông Dmitry Frolov, giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học vùng Bắc cực, xác con voi ma mút này có tuổi đời ít nhất 10.000 năm, dù các nhà nghiên cứu đến nay vẫn chưa thể xác định cụ thể thời gian tồn tại trên Trái đất của nó cũng như thời điểm con voi này chết đi.
Trước đó, thi hài gần như nguyên vẹn của một chú chó con thời tiền sử, được cho là có niên đại lên tới 18.000 năm, cũng đã được tìm thấy dưới lớp băng vĩnh cửu ở vùng Viễn Đông nước Nga vào năm 2018.
Được biết, những phát hiện về hài cốt các loại động vật cổ ở khu vực Siberia ngày càng nhiều, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang khiến vùng Bắc Cực ấm lên với tốc độ nhanh hơn so với phần còn lại của thế giới, và làm lộ ra vùng đất của một số khu vực vốn bị vùi lấp trong băng vĩnh cửu.