Sức khỏe

Bộ Y tế: Đề xuất nhiều giải pháp giảm chi tiền túi của người dân

Hoàng Chiến 14/03/2024 15:33

Bộ Y tế đang đề xuất nhiều phương án nhằm giảm tỉ lệ chi tiền túi của người dân như đề xuất gói bảo hiểm y tế (BHYT) bổ sung, thêm kinh phí cho khám, chữa bệnh từ quỹ BHYT, ưu tiên mở rộng chi trả BHYT sàng lọc một số bệnh…

Theo đó, các đề xuất này được Bộ Y tế xây dựng trong dự thảo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung.

Theo Bộ Y tế, phạm vi được hưởng của người có thẻ BHYT hiện khá toàn diện bao gồm các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con, sàng lọc, chẩn đoán sớm một số bệnh, vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên đối với một số đối tượng trong những trường hợp nhất định.

Mục tiêu đến năm 2025 là giảm tỉ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế xuống còn 23%. Trong khi đó, phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến mức chi trả tiền túi từ hộ gia đình.

Do đó, trong dự thảo Luật BHYT sửa đổi, Bộ Y tế đề xuất nhiều phương án nhằm giảm tỉ lệ chi tiền túi của người dân như đề xuất gói BHYT bổ sung, thêm kinh phí cho khám, chữa bệnh từ quỹ BHYT, ưu tiên mở rộng chi trả BHYT sàng lọc một số bệnh…

Việc mở rộng thêm phạm vi quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh đối với một số bệnh, đối tượng theo danh mục và lộ trình do Bộ Y tế quy định căn cứ vào khả năng cân đối của Quỹ BHYT và yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân.

Việc điều chỉnh, mở rộng phạm vi quyền lợi cần được thực hiện theo lộ trình phù hợp khả năng cân đối của quỹ BHYT, ưu tiên vào các bệnh có nguy cơ mắc cao, gánh nặng bệnh tật lớn nhưng khi phòng ngừa sớm sẽ mang lại tính chi phí- hiệu quả như: ung thư cổ tử cung; tăng huyết áp; đái tháo đường; viêm gan C, B; ung thư vú...

Bộ Y tế nhận định, giải pháp mở rộng chẩn đoán và điều trị sớm một số bệnh giúp tăng khả năng bảo đảm tài chính cho người dân. Đặc biệt, người dân sẽ được quỹ BHYT chi trả góp phần đạt được mục tiêu giảm tỉ lệ chi tiền túi hiện là 43% xuống còn khoảng 23% vào năm 2025.

Khi so sánh giữa tác động tích cực và tác động tiêu cực về kinh tế thì các tác động tích cực của giải pháp mang lại nhiều giá trị bền vững, các tác động tiêu cực là chi phí cần thiết và có thể bù đắp bằng các giá trị tích cực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ Y tế: Đề xuất nhiều giải pháp giảm chi tiền túi của người dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO