Để biết xem có phải mắc bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn hay không theo các chuyên gia y tế cần dựa vào các biểu hiện triệu chứng bệnh như: đi ngoài ra đốt sán, rối loạn tiêu hóa, đau bụng kéo dài…; và qua các xét nghiệm. Bệnh ấu trùng sán lợn được điều trị khỏi bằng các thuốc Praziquantel và Albendazole. Người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị để tránh bệnh lây lan ra cộng đồng.
Để phòng bệnh sán lợn, tuyệt đối không ăn tiết canh và thịt lợn chưa nấu chín.
Sau tình trạng người dân ở tỉnh Bắc Ninh ồ ạt đưa con em đi xét nghiệm để chẩn đoán bệnh sán lợn, mới đây, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo để phòng bệnh bằng cách ăn chín, uống chín, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; tẩy giun, sán định kỳ theo hướng dẫn của ngành y tế…
Theo các chuyên gia y tế, sán dây, ấu trùng sán lợn gặp ở nhiều nơi trên thế giới, người mắc bệnh thường liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín. . Thông thường, ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun nấu ở nhiệt độ 75 độ C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi trong vòng 2 phút. Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh thành. Đến nay, có ít nhất 55 tỉnh, thành có trường hợp bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn. Theo các bác sĩ, Việt Nam là đất nước nhiệt đới, việc nhiễm ký sinh trùng giun sán là không tránh khỏi. Bệnh sán lợn khá phổ biến ở các tỉnh đồng bằng bắc bộ và một số tỉnh trung du.
Theo các chuyên gia y tế, có 2 loại, gồm: ấu trùng sán lợn và sán trưởng thành. Với thể bệnh ấu trùng sán lợn, người ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn, sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại một số cơ quan trong cơ thể. Nếu nhiễm ấu trùng sán lợn, bệnh nhân có thể bị co giật, động kinh.
Bệnh sán dây trưởng thành thường không có biểu hiện triệu chứng rõ rệt, một số trường hợp có biểu hiện lâm sàng như đau bụng, rối loạn tiêu hóa hoặc có triệu chứng thần kinh (suy nhược). Những trường hợp nhiều sán, có thể nhìn thấy đốt sán ra theo phân hoặc tự bò ra ngoài hậu môn (thường nhìn thấy trong quần lót); xuất hiện đốt sán theo phân (những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như sơ mít, đầu sán bằng phẳng). Các bệnh giun sán nói chung, khi vào cơ thể đều chiếm thức ăn, dẫn đến kém hấp thu, làm chậm phát triển thể lực, gây rối loạn tiêu hoá.
Ấu trùng sán lợn gây nguy hiểm nhất là khi tấn công vào não và vào tim, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và có thể để lại các biến chứng. Trường hợp chui mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng, sán lợn không phải là bệnh cấp tính và hoàn toàn có thể điều trị khỏi được. Theo phác đồ điều trị hiện nay, để tiêu diệt sán trưởng thành chỉ mất 1 ngày, tiêu diệt hết trứng sán mất 2 tuần.
Để phòng bệnh sán lợn, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh.
- Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).
- Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông. Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.