Bóng đá nữ Việt Nam đã có một hành trình tuyệt vời để lần đầu tiên dự World Cup 2023. Thành công của các “cô gái vàng” đã tạo nên những dư chấn mạnh mẽ. Thế nhưng, đằng sau ánh hào quang ấy là gì? Ngày 22/2, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Bóng đá nữ: Phía sau hào quang”. Tại đây, nhiều câu chuyện của người trong cuộc đã được chia sẻ…
Đội tuyển nữ Việt Nam đã tạo nên một dấu mốc lịch sử cho bóng đá nước nhà với tấm vé dự World Cup 2023. Vinh dự, tự hào là đấy nhưng phía sau hào quang đó là những khoảng lặng với những bộn bề trở ngại, khó khăn mà các “cô gái vàng” của nước nhà đang phải đối mặt.
Sau hào quang phải làm sao để các cô gái Việt Nam tham gia các sân chơi khu vực và thế giới không chỉ là câu chuyện nỗ lực vượt khó của riêng đội tuyển mà là kết quả của đầu tư quan tâm đến từ các chính sách đào tạo bồi dưỡng, sử dụng con người một cách bài bản. Với mong muốn đó, ngày 22/2, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Bóng đá nữ: Phía sau hào quang”.
Buổi tọa đàm có sự tham dự của HLV trưởng Đội tuyển Bóng đã nữ Quốc gia Mai Đức Chung, Tiền đạo Đội tuyển Bóng đã nữ Quốc gia Phạm Hải Yến, Chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú- Ủy viên Thường trực Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
Kỳ tích không dễ dàng
Dù buổi tọa đàm chưa bắt đầu nhưng từ rất sớm, tiền đạo xuất sắc nhất của Đội tuyển Bóng đá nữ Quốc gia Việt Nam Phạm Hải Yến đã có mặt tại Tòa soạn Báo Đại Đoàn Kết. Di chuyển bằng phương tiện Grab-bike, “cô gái vàng” của đội tuyển Việt Nam trên sân cỏ “có sức bao nhiêu thì đá bấy nhiêu”, mạnh mẽ là thế nhưng lại khá bẽn lẽn, rụt rè khi gặp các thành viên của Ban tổ chức.
Sau Hải Yến khoảng chừng 10 phút là sự xuất hiện của HLV Mai Đức Chung. Ông giản dị di chuyển trên chiến xe máy cá nhân đến điểm tổ chức tọa đàm. Trong tiết trời rét buốt dưới 10 độ C của Hà Nội, hình ảnh mộc mạc của hai ngôi sao Đội tuyển Bóng đá nữ Quốc gia Việt Nam khiến ai bắt gặp hôm qua cũng đều cảm thấy gần gũi đến bất ngờ.
Cho đến tận bây giờ, sau khi xem lại clip về vinh quang của Đội tuyển bóng nữ Quốc gia được trình chiếu tại buổi tọa đàm, không khí ăn mừng tràn ngập trong phòng thay đồ của đội tuyển sau chiến tích lịch sử, hát vang bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” thêm lần nữa làm những người theo dõi buổi tọa đàm được tường thuật trực tiếp trên Báo Đại Đoàn Kết điện tử, livestream trên fanpage và kênh YouTube của báo thêm thổn thức, tự hào.
Và người trong cuộc cũng không ngoại lệ. HLV Mai Đức Chung chia sẻ, sau khi xem lại video về vinh quang của đội tuyển vừa đạt được, cảm xúc của ông vẫn còn vẹn nguyên xúc động và quá tự hào về các cầu thủ bóng đá nữ - những học trò của ông. Nhớ lại khoảng thời gian ấy, đã có lúc thầy trò ông Mai Đức Chung tưởng chừng phải từ giã cuộc chơi, rút lui khỏi vòng chung kết châu Á vì không đủ quân số do mắc Covid-19.
“Tại Ấn Độ, quân số của đội tuyển nữ Việt chỉ còn 4 cầu thủ. Nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn phải duy trì luyện tập. Với nỗ lực tuyệt vời, các cầu thủ nữ đã chơi một trận đấu với tất cả sự khao khát chiến thắng, quả cảm trước đội tuyển Thái Lan. Công lao này không phải của riêng ai mà của cả tập thể. Chúng tôi đã nỗ lực vượt qua mọi rào cản, khó khăn giành được tấm vé vào World Cup 2023”- HLV Mai Đức Chung chia sẻ.
Còn với “cô gái vàng” Phạm Hải Yến, cảm xúc tự hào của em cũng như của các đồng đội khác khó mà diễn tả thành lời. Hải Yến bày tỏ: “Trước khi bước vào trận đấu, toàn đội đã gặp rất nhiều khó khăn, không một ai nghĩ là có thể đạt được thành công như vậy. Khi mọi chuyện có thể thì chúng em chỉ biết ôm nhau khóc, niềm vui vỡ òa, hạnh phúc tột cùng trong phòng thay đồ”.
Khoảng lặng sau hào quang
Thua thiệt về thể hình so với các cầu thủ châu Á, trình độ kỹ chiến thuật cũng còn ở một khoảng cách xa nhưng khi thi đấu với những đối thủ được đánh giá cao hơn, các cầu thủ nữ Việt Nam thể hiện sự quyết tâm, phong độ vượt bậc.
“Có muốn thi đấu hay không để còn xin thua rồi về nước?”, tiền đạo Hải Yến nhắc lại câu hỏi của HLV Mai Đức Chung trước khi các cầu thủ lên đường thi đấu. Câu hỏi của thầy khiến toàn đội đặt quyết tâm “dùng hết sức lực để thi đấu”. Ngày đầu tiên bước sang Ấn Độ, cả đội tuyển đồng lòng quyết tâm có bao nhiêu sức lực đều chơi hết cho trận đấu. Hải Yến chia sẻ: “Câu nói của thầy Chung “các em cứ chơi đi, trách nhiệm gì đã có chúng tôi” chính là động lực để em và các cầu thủ quyết tâm giành vé bước vào World Cup”.
Hành trình giành tấm vé tham dự trực tiếp World Cup 2023 của các cầu thủ nữ Việt Nam vô vàn khó khăn. Không chỉ chịu thử thách về thể trạng do Covid-19, các cô gái còn chịu áp lực tinh thần khi phải đón một cái Tết Nguyên đán xa nhà. Nhưng sau tất cả, đội tuyển nữ Việt Nam vẫn mang vinh quang, đem quốc kỳ Việt Nam vươn xa thế giới.
Thế nhưng sau hào quang ấy, đó là những khoảng lặng với những bộn bề trở ngại, khó khăn mà các “cô gái vàng” của nước nhà đang phải đối mặt. Nếu như cuộc sống của cầu thủ nam có thể “đổi đời” chỉ mỗi trận thắng thậm chí là một bàn thắng thì các cầu thủ nữ, để có một đời sống khá giả thôi cũng không hề dễ dàng. Trong khi đó, con gái đá bóng là một sự hi sinh khá lớn về nhan sắc, các chấn thương hay hạnh phúc gia đình.
Quan điểm về vấn đề này, tiền đạo Hải Yến cho hay, trong thể thao, cầu thủ nữ cũng phải đối mặt với việc tập luyện khắc nghiệt như cầu thủ nam. Nếu không may gặp chấn thương nặng thì cũng phải tự chịu. Đặc biệt là đối với bóng đá, các cầu thủ nữ phải đối mặt với muôn vàn nỗi vất vả. Hải Yến và các đồng đội hi sinh cho mỗi trận đấu đấy chính là đam mê. Và động lực của đam mê xuất phát chính từ gia đình, từ những người hâm mộ.
Bản thân cuộc sống của HLV Mai Đức Chung cũng chưa phải sung sướng, dư giả gì. Ông vẫn phải tiết kiệm chi tiêu. Nhưng với ông, “làm việc gì cũng phải làm hết sức mình, đừng đứng núi này trông núi nọ. Tiền rất quý, nhưng tình cảm thì không thể mua được”. Ông Chung chia sẻ xúc động rằng: “Có CLB của V-League, CLB Bồ Đào Nha mời tôi về làm HLV nhưng tôi không đi. Bởi vì tình cảm với các cháu, với đam mê, tôi không thể đi đâu được nữa. Nhiều nhà hảo tâm trả tôi mức lương tốt nhưng tôi cũng phải suy nghĩ”.
Cú hích nào cho bóng đá nữ Việt Nam?
Đối mặt với muôn vàn khó khăn, câu hỏi làm sao để cầu thủ nữ có đời sống tốt, đội tuyển có nhà tài trợ, giải đấu có khán giả đến sân… là trăn trở của những người trong cuộc. Chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú nêu quan điểm, chơi thể thao phải xuất phát từ sự đam mê dù là nam hay nữ. Trong bóng đá, kể cả nam hay nữ, cầu thủ trở thành ngôi sao, đổi đời sau các trận đấu rất ít. Số cầu thủ thành công không phải là mẫu số chung mà chỉ có người may mắn, theo đuổi đến cùng đam mê mới có thể mang lại vinh quang cho họ.
Bên cạnh đó, tác động của báo chí như buổi toạ đàm của Báo Đại Đoàn Kết cũng là một yếu tố, mang vai trò lớn tạo cú hích cho các vận động viên và như một bài học để họ thấy rằng, trong thể thao muốn thành công phải có năng khiếu, sự ủng hộ gia đình của gia đình, sự chung tay đồng hành của nhiều đơn vị.
Ông Tú cho hay, về phía cơ quan quản lý nhà nước, bóng đá nữ hay bóng đá nam đều được đầu tư bình đẳng. Tuy nhiên, bóng đá nam thu hút người xem hơn, tính cạnh tranh mạnh hơn, thu hút nhà tài trợ hơn nên thu hút truyền thông lớn hơn nên có lợi thế hơn bóng đá nữ.
World Cup, cơ hội đổi đời, những khoản tiền thưởng và sự chú ý của truyền thông,…có thể khiến cho các nữ cầu thủ được trân trọng hơn. Tuy nhiên, tương lai của các cầu thủ nữ còn nhiều thách thức. Như nhận định của chuyên gia Phan Anh Tú, để bóng đá nữ nước nhà phát triển, bên cạnh sự quan tâm của Nhà nước, các “cô gái vàng” cần thêm cú hích đầy sức nặng khác từ nhiều phía là các đơn vị, doanh nghiệp, nhà tài trợ đồng hành. Chỉ khi ấy, bóng đá nữ mới được chú ý, đầu tư xứng đáng để có thể vượt qua những định kiến và vươn lên tầm cao mới.
HLV Mai Đức Chung:
“Tôi có một mong muốn to tát hơn là vận động viên nữ có gia đình êm ấm”
Cảm ơn mọi người đã quan tâm đến đội tuyển bóng đá nữ. Bản thân chúng tôi - những người trong cuộc không có bì tị gì với bóng đá nam.
Giới nữ đã vượt qua rào cản để có những hình ảnh đẹp trong lòng người hâm mộ. Kỳ tích vừa rồi là cú hích để cho các bạn trẻ nữ tham dự bóng đá nữ nhiều hơn. Bóng đá nữ cũng cần sự chung tay của tất cả mọi người trong đất nước cho chúng ta.
Sau khi giải nghệ, học trò của tôi làm những ngành nghề khác nhau. Có những vận động viên không theo nghề, cũng do ý thích và ý muốn của từng người. VĐV Hải Yến học tại chức Trường Đại học Thể dục Thể thao, sau này sẽ làm huấn luyện viên. Chúng tôi không bắt buộc được, mà chỉ hướng dẫn còn các bạn đi theo ý muốn của bản thân và gia đình.
Qua đây, tôi mong muốn xã hội, các cơ quan, ban ngành cũng nên có chính sách hỗ trợ để các vận động viên có một công ăn việc làm. Bản thân tôi còn có một mong muốn to tát hơn là các em có gia đình êm ấm. Các em đã phải hy sinh, cống hiến cả tuổi thanh xuân cho bóng đá và các em xứng đáng được hưởng cuộc sống trọn vẹn.
Tiền đạo: Phạm Hải Yến:
“Làm gì sau khi từ giã sân bóng là câu hỏi lớn đối với mỗi tuyển thủ nữ”
Nhiều người đặt câu hỏi cho những cầu thủ nữ chúng tôi: “Bạn đã chuẩn bị gì cho thời kỳ từ giã sự nghiệp”.
Bản thân Yến là cầu thủ thuộc trung tâm TP Hà Nội, được tạo điều kiện cho học hết cấp 3, vì vậy khi kết thúc thời kỳ đỉnh cao của mình, Yến có thể dễ dàng xin việc hơn.
Còn đối với những đồng đội khác, họ không đủ điều kiện để học hết cấp 3, hay vì một lý do gì đó không thể đi học thì sẽ gặp khó khăn trong thời kỳ từ giã sự nghiệp? Làm gì, đi đâu sau khi từ giã với bóng đá vẫn luôn là dấu hỏi lớn đối với mỗi tuyển thủ nữ?
Chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú:
“Chăm lo cho các vận động viên là bài toán lớn”
Đối với những vận động viên xuất sắc chúng tôi có định hướng và đầu tư cho họ trở thành các huấn luyện viên sau này. Chúng tôi cũng tận dụng các mối quan hệ để giới thiệu việc làm cho các vận động viên. Nhà nước cũng dành những việc làm biên chế, ưu tiên, tạo điều kiện cho các vận động viên.
Khi sang Nhật Bản gặp các cầu thủ nữ của Nhật Bản, chúng tôi có đặt câu hỏi với các em rằng: “Sau khi tập luyện thể thao nếu không thành tài thì các em sẽ làm gì?”. Các em đều trả lời rằng: “các em sẽ trở thành 1 công dân tốt”.
Tôi kể ra câu chuyện này để muốn gửi thông điệp rằng, những cầu thủ Việt Nam nếu không may mắn chưa có thành tích tốt thì hãy nghĩ như những cầu thủ của Nhật Bản. Sự quan tâm của Nhà nước cho các vận động viên rất lớn nhưng để chăm lo cho tất cả là bài toán lớn.
Mong muốn nhất hiện nay của chúng tôi là các trường đại học có các chính sách tuyển dụng các vận động viên trở thành giáo viên giáo dục thể chất. Hiện nay, hầu hết các vận động viên của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đều trông vào nguồn tài trợ của các đơn vị tài trợ. Còn một số đội bóng ở các tỉnh không có nhà tài trợ họ rất dễ bỏ cuộc giữa chừng.
Vì vậy, muốn bóng đá nữ Việt Nam phát triển, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, cần có sự chung tay của các đơn vị, doanh nghiệp. Rất mong qua buổi toạ đàm này, một số địa phương tiềm năng, doanh nghiệp sẽ có sự quan tâm hơn cho bóng đá Việt Nam.
N.Hoài(ghi)