Tháng trước, một người bạn gửi tặng tôi cuốn “Hương rừng Cà Mau” của nhà văn Sơn Nam. Đó là bản in kỷ niệm 60 năm tác phẩm “Hương rừng Cà Mau” lần đầu ra mắt. Điều thú vị, 18 truyện ngắn trong tập được in gần như nguyên vẹn câu chữ theo bản in đầu tiên tại nhà xuất bản Phù-Sa vào năm 1962. Bản in mới thật đẹp khiến những trang viết của nhà văn từ mấy mươi năm trước trở nên hấp dẫn độc giả đương thời.
Nhà văn Sơn Nam sinh ngày 11/12/1926 tại làng Đông Thái, quận An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang). Về gốc gác gia tộc, ông từng cho biết: "Ông nội tôi chào đời ở Cù lao Ông Chưởng (An Giang) khoảng năm 1840, ông cố tôi cũng ở đấy, từ xưa. Ông nội tôi chạy giặc Pháp, qua Rạch Giá rồi xuống U Minh. Khi lớn lên, đâu khoảng tôi 6 tuổi, cha tôi là con út trong gia đình bèn bỏ quê hương đi khẩn đất, lên phía Bắc, ven vịnh Thái Lan, cách thị xã Rạch Giá 15 km phía Hà Tiên".
Sơn Nam là bút danh, sau này ông còn được mọi người yêu mến gọi là “ông già đi bộ” hay “nhà Nam bộ học”. Tên khai sinh là Phạm Minh Tài, nhưng người ghi sổ bộ trong làng lại ghi nhầm "Tày".
Còn vì sao ông chọn bút danh Sơn Nam? Sinh thời, nhà văn giải thích: "Hồi xưa, ở xóm nhỏ ven rừng U Minh Hạ, quanh nhà tôi là xóm người Khơme. Khi thấy mẹ tôi và tôi đều đau yếu, một phụ nữ Khơme, tên là Thị Cà-Xúc mỗi ngày tự nguyện đến cho tôi bú và mớm cơm xem như con ruột... Bút hiệu của tôi lấy chữ Sơn đứng đầu, nhằm nhắc nhở sự gắn bó với người dân tộc Khơme mà nhiều người mang họ Sơn, họ Thạch".
Thuở ấu thơ, nhà văn Sơn Nam học tiểu học ở quê, học trung học tại Cần Thơ. Trong hồi ký, ông có nhắc chi tiết cảm động: "Quần áo được mẹ tôi may tay cho rẻ hơn may máy. Trước khi đi học xa, mỗi năm về nhà có mấy tháng hè, mẹ tôi buồn buồn nhìn đứa con yêu quý là tôi, căn dặn nhiều lần. Bấy giờ đâu vào khoảng năm 1937, đại khái tôi còn nhớ như sau: Ráng học cho vẻ vang dòng họ mình, mình là dân U Minh, ai cũng chê dốt nát, quê mùa, áo mốc, chân phèn...". Lời dặn sau cùng mà mẹ tôi nhắc đôi ba lần là nên nhường nhịn bất cứ ai. Mình yếu đuối, ốm o thì nên tránh chuyện nổi nóng, chửi thề, đánh đấm. Đi học nơi xứ người, rủi có bề gì, không ai bênh vực".
Nhà văn Sơn Nam bắt đầu viết từ những năm đầu của thập niên 1950, viết trong khu kháng chiến. Tác phẩm của ông bắt đầu được công chúng biết đến nhiều khi được in và phát hành ở Sài Gòn. Với những truyện ngắn trong tập “Hương rừng Cà Mau” đã trở nên nổi tiếng với bạn đọc, được ông viết vào năm 1955, khởi đầu đăng tải nhiều kỳ trên báo Nhân loại.
Khởi đầu với thơ, từng ra mắt liền hai tập thơ “Lúa reo” và “Cho lòng em vui”… nhưng sau đó, dường như nhận ra thế mạnh của mình, đồng thời biết khó vượt tài các bạn thơ khác, nên Sơn Nam lựa chọn cho mình con đường riêng. Ông miệt mài khảo cứu văn hóa các vùng đất Nam bộ.
Sinh thời, nhà văn Sơn Nam tâm sự rằng, ngay từ buổi đầu đến với nghề viết ông đã xác định viết về cuộc khẩn hoang miền Nam. “Cả đời tôi đã đi theo định hướng đó, vì tôi đã sinh ra, lớn lên và sống ở vùng đất U Minh. Cuộc khẩn hoang miền Nam của chúng ta là một cuộc khẩn hoang rất đặc biệt - cuộc khẩn hoang hiền lành nhất so với ba cuộc khẩn hoang khác của thế giới, không tranh đoạt, không bắn giết… Những người đi khẩn hoang là những nông dân chất phát, ít chữ”, nhà văn từng chia sẻ.
Một số quan niệm của nhà văn Sơn Nam
* Viết về vùng đất mình sinh ra là chọn con đường đi đúng hướng, để qua đó sống lại với đời sống tâm linh nguồn cội. Đời sống tâm linh là cần, nhưng cái tâm linh dạt dào sức sống ấy phải thúc đẩy con người nhìn ra thế giới, với các nước láng giềng. Tự tôn với cái “tâm linh thuần túy” của mình là tự sát. Phải tạo ra cái vật chất, phải có khoa học kỹ thuật, phải tồn tại và tồn tại cho bằng được.
* Tôi phải chịu trách nhiệm về tất cả những gì tôi viết, luôn cả những bài viết theo nhu cầu thị trường ngoài ý muốn.
* Nguồn cảm hứng như mây bay gió thổi, con người làm văn nghệ giống như dòng sông linh động phản chiếu.
* Chơi với người trẻ cũng là một cách tiếp năng lượng để mình trẻ lại. Chán nhất là ngồi trò chuyện với mấy ông già hưu trí bất đắc chí, lúc nào cũng than phiền, ca thán từ vợ con đến tình hình xã hội, khiến mình cũng oải theo.
* Với tôi, hạnh phúc lớn nhất là không gây thù chuốc oán với ai, không ai ghét mình…(Nếu lỡ người ta oán ghét mình thì cũng đành cam chịu!).
Cuộc đời Sơn Nam còn gắn liền với các tòa soạn báo. Ông viết và cho in nhiều bài khảo cứu trên hàng loạt báo chí miền Nam như: Nhân loại, Công lý, Ánh sáng, Lẽ sống, Tiếng chuông… Liên quan đến khía cạnh báo chí, nhà văn Sơn Nam cũng đã đưa ra quan điểm rõ ràng: “Tôi viết báo để kiếm sống và để giải trí… Trước 1975, tôi đồng thời viết cho 7 tờ báo. Sau năm 1975, tôi tiếp tục công tác với nhiều tờ báo. Thật ra, tôi mê viết văn hơn viết báo và với tôi, viết văn bao giờ cũng là trọng tâm. Báo và văn là hai nghề khác nhau, đừng tưởng hễ viết báo hay là có thể viết văn hay và ngược lại…”
Theo Sơn Nam, viết văn để yêu nước chứ không nhằm một mục đích nào khác. Ông cũng xác quyết một điều: Viết văn khác với văn hóa thông tin. Muốn viết văn tốt, cần phải khảo cứu.
Với cuộc đời làm việc bền bỉ, ông đã xuất bản trên 60 tập truyện, tiểu thuyết, biên khảo, tiêu biểu có: “Hương rừng Cà Mau”, “Chim quyên xuống đất”, “Văn minh miệt vườn”, “Từ U Minh đến Cần Thơ”, "Tìm hiểu đất Hậu Giang", "Nói về miền Nam", ""Văn minh miệt vườn", "Miền Nam đầu thế kỷ XX - Thiên địa hội và cuộc Minh tân", "Gốc cây, cục đá và ngôi sao", "Lịch sử khẩn hoang miền Nam"… Từ sau năm 1975, ông vẫn tiếp tục với "Đồng bằng sông Cửu Long, nét sinh hoạt xưa", "Người Sài Gòn", "Gia Định xưa", "Bến Nghé xưa", "Nghi thức lễ bái của người Việt Nam", "Đình miếu và lễ hội dân gian", "Lăng Ông Bà Chiểu và lễ hội văn hóa dân gian", "Tiếp cận đồng bằng sông Cửu Long"...
Trở lại với tập truyện “Hương rừng Cà Mau” nổi tiếng, lần in đầu tiên cuốn sách xuất hiện giản dị, mộc mạc, nhỏ gọn và xinh xẻo. Hẳn nhà văn Sơn Nam khi đó cũng không ngờ những truyện ngắn mình viết ra đã mang theo cả cái “hương rừng có ma lực quyến rũ” bạn đọc. Đó là hương vị đặc sắc của một vùng đất U Minh “Chướng khí mù như sương” “Muỗi, vắt nhiều hơn cỏ” khiến người đọc không chỉ ngửi mà còn có thể thấy và nghe tràn ngập trên từng trang sách.
Trong tác phẩm, nhà văn đã vẽ lại đời sống cơ cực của người dân ở miền Cà Mau, Phú Quốc. Đó là những dị nhân mang nhiều nét khác thường độc đáo. Ẩn sau vẻ ngoài thô ráp, tầm thường là trí tuệ dân gian, là lối sống minh triết, hài hòa hợp lẽ tự nhiên. “Thấy bầy vịt của ai đó lội trên sông, cứ bắt một con mà ăn thịt... Gặp ai yêu mình, mình cứ yêu trở lại, muốn kết nghĩa vợ chồng thì hãy tùy hoàn cảnh. Gặp ai rao giảng đạo lý nào thì cũng nghe... thấy có tinh thần từ bi bác ái, làm lành tránh dữ là được”. Cuộc sống thời khai hoang, mở đất được miêu tả trong dòng chảy hồn nhiên như vậy, ở đó mọi sự va chạm dường như đều có khả năng hóa giải cho nhau. Mỗi chi tiết, địa danh đều lưu dấu thời gian, nếp sinh hoạt, tập quán của một lớp lưu dân ngang tàng, hiệp nghĩa.
GS Trần Hữu Tá đã nhận xét khá tinh tế về Sơn Nam: Tác phẩm của Sơn Nam - mà đỉnh cao là tập truyện ngắn “Hương rừng Cà Mau” đã đem lại cho nhiều thế hệ người đọc những xúc cảm thẩm mỹ bổ ích, những gợi ý chân thành cao quý về đất nước và tình người ”. Nghĩ lại cuộc đời la cà phảng phất nét lãng tử của Sơn Nam, ta có thể hiểu thêm một lần nữa hồn cốt của “nhà văn miệt vườn” qua chính vần thơ ý nhị, giàu hình tượng của tác giả: “Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”.
Nhà văn Sơn Nam từng nêu ra quan niệm rằng, đời một người viết chỉ cần để lại một tác phẩm hay, có ý nghĩa là đủ. Cụ Nguyễn Đình Chiểu chỉ cần một “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” là đủ.
Từ quan niệm này, nếu soi chiếu vào đời viết của nhà văn Sơn Nam, dù ông viết nhiều thể loại và xuất bản hàng chục đầu sách có giá trị, song nhắc đến Sơn Nam có lẽ chỉ cần nói đến tập sách “Hương rừng Cà Mau” là đủ.