Điện Biên, mảnh đất anh hùng với chiến thắng lừng lẫy chói lọi năm xưa đang vươn mình phát triển bừng sáng.
Ngôi sao Tây Bắc
Ông Nguyễn Duy Ngân là công dân cao tuổi của phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ. Hàng chục năm chứng kiến đổi thay của thành phố, nhất là từ những năm bao cấp gian khó của một thị xã khổ cực, hoang sơ, hôm nay ông rất xúc động khi đứng trên cầu mới Thanh Bình bắc qua sông Nậm Rốm. Cây cầu trị giá 100 tỷ đồng với 4 làn xe chạy vừa mới khánh thành như một điểm nhấn diện mạo rực rỡ của thành phố trên con đường cán đích đô thị loại II vào năm 2025. “Cây cầu và cả con đường mới nối liền chạy qua địa bàn phường này đã khiến lưu thông trong thành phố rất thuận lợi. Đây là ước mơ và tâm nguyện của người dân sau hàng chục năm đi lại trên cây cầu cũ” - ông Ngân cảm động nói.
Nhưng sẽ là rất thú vị, ông Ngân chỉ tay về phía xa, cây cầu ván gỗ lịch sử Mường Thanh còn đó, bất kỳ du khách nào tới thung lũng trứ danh đều có thể đi bộ qua cầu mà cảm nhận “những bàn chân dép lốp của đại quân du kích” thuở nào. Vẳng như có tiếng chân rầm rập băng cầu tiến thẳng vào Sở chỉ huy quân Pháp chiều 7/5/1954 bắt sống tướng chỉ huy De Castries. Đã 70 năm tồn tại và được tu sửa nhiều lần nhưng cầu vẫn giữ nguyên kết cấu cũ, giờ người dân thành phố vẫn đi lại hàng ngày bằng xe máy trên cây cầu lịch sử.
Ông Nguyễn Quang Hưng - Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ rất phấn khởi cho biết, cầu Thanh Bình và nhiều công trình giao thông huyết mạch khác ở Điện Biên Phủ đã tạo nên khác biệt trong kết cấu hạ tầng thành phố, cũng là động lực phát triển chung. Cảng hàng không Điện Biên, trung tâm thương mại và khu nhà ở thương mại... tất cả đã kiến tạo một diện mạo thành phố tỉnh lỵ xanh, sạch, đẹp ở Tây Bắc”.
Giữa thành phố khang trang bây giờ, chắc hẳn du khách cảm nhận ngay một “Điện Biên Phủ lẫy lừng” với những tên phố như Võ Nguyên Giáp, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, cả Đường 7 tháng 5, và hàng chục con phố mang tên tuổi những anh hùng của trận chiến năm xưa. Chỉ ngay gần đây nhất, trong không khí vui mừng trước ngày Kỷ niệm đại thắng 70 năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thành phố Điện Biên Phủ dự lễ gắn biển tuyến đường mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và con đường mang tên người anh hùng Nguyễn Ngọc Bảo.
Từ hoang tàn đổ nát do chiến tranh, nơi khốc liệt nhất của trận đánh lịch sử 70 năm trước giờ là một thành phố với những địa danh ghi dấu chiến thắng chói lọi của cả dân tộc đoàn kết. Như một “Ngôi sao Tây Bắc”, thành phố có quảng trường, sân vận động, bảo tàng, phù điêu, công viên, nhà cao tầng, những khu đô thị trẻ, hệ thống chiếu sáng và xe cộ tấp nập. Tất cả nói lên đà sung sức phát triển của thành phố như một động lực đầu tàu đang bứt tốc cho cả tỉnh Điện Biên. Từ vị trí tượng đài Chiến thắng đặt trên đồi A1 cao tới 50m, cũng là trung tâm Khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ, có thể trực quan toàn cảnh thành phố mà thấy rõ những thành quả có được từ sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, toàn dân, và của chính sức mạnh nội sinh người Điện Biên bao năm sau chiến tranh, mất mát.
Điện Biên ngày mới
Địa hình phức tạp hiểm trở, thời tiết thất thường, Điện Biên nằm chốn thượng du Tây Bắc có biên giới giáp Lào và Trung Quốc, thách thức xóa đói, giảm nghèo và đối mặt hàng loạt khó khăn về kinh tế - xã hội, đặc biệt là an ninh quốc phòng, vẫn là lớn nhất mấy mươi năm qua.
Đất rộng, người thưa với dân số khoảng 635.000 người hiện nay, 19 dân tộc đa sắc màu (chiếm 83% dân số), có tiềm năng lớn về rừng (hơn 400.000ha đất lâm nghiệp) và thủy điện (là nơi đầu nguồn của 3 con sông lớn gồm sông Đà, sông Mã, sông Mê Kông), nhưng Điện Biên vẫn là tỉnh còn rất nhiều khó khăn ở khu vực miền núi phía Bắc.
Những họp bàn của Trung ương về phát triển Tây Bắc bao giờ cũng phải nhắc tới Điện Biên, không chỉ vì một thế trận an ninh quốc phòng vững chắc, trách nhiệm xóa đói giảm nghèo và nâng tầm sức sống ở địa bàn quan trọng, còn là nhẽ trả ơn cho đồng bào từng góp bao công sức cho chiến thắng lịch sử. Chăm lo cho Điện Biên cũng là ghi nhớ, tri ân các vị tướng lĩnh, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từng đóng góp máu xương làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Có thể thấy một loạt dự án lớn thu hút đầu tư đã xuất hiện, như: Khu trung tâm thương mại, dịch vụ văn hóa thuộc phía Đông thành phố Điện Biên Phủ; Đồ án quy hoạch đô thị theo đề xuất của tập đoàn SunGroup; Khu đô thị sinh thái sông Nậm Rốm; Trung tâm thương mại và Nhà ở Thương mại thành phố Điện Biên Phủ; Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên; Xây dựng cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang... Đặc thù và tiềm năng nông lâm nghiệp đã là nền tảng cho một “Cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo hàng hóa chất lượng cao gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Điện Biên” với tổng diện tích 150ha. Đây cũng là địa phương có chè và cà phê đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, tỉnh Điện Biên đã duy trì và phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, thúc đẩy các hoạt động kết nối, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp cận thị trường.
Một tốc độ tăng trưởng nổi bật với “hai con số” (trên 10%) kể từ hơn chục năm qua, Điện Biên nhanh chóng xếp thứ hạng thứ 2 khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số tỉnh Điện Biên đã đạt 9,46%, đứng thứ 26/63 tỉnh, thành (riêng năm 2023 Điện Biên đạt khoảng 10% tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP).
Bây giờ ở Tuần Giáo có cây mắc ca đắt hàng, ở huyện Điện Biên có mật ong ngon lừng danh và những “homestay” tuyệt đẹp, có cánh đồng rau sạch ở Mường Thanh rộng ngút ngát, có những bản tái định cư ở Tủa Chùa đẹp như tranh vẽ, vẫn còn rừng nguyên sinh Mường Nhé, và có một thành phố Điện Biên Phủ lung linh tỏa sáng hàng đêm... Còn nhớ chuyến bay của Vietnam Airline ngày 2/12/2023 từ Hà Nội, và của VietJet Air từ TPHCM hạ cánh xuống Cảng hàng không Điện Biên, đã khiến bao người cảm động rơi nước mắt vì mừng cho Điện Biên khi lần đầu tiên những máy bay cỡ lớn đáp xuống vùng đất lịch sử anh hùng nhưng cũng là “thâm sơn cùng cốc” ở Tây Bắc.
Mặc cho từng ngôi nhà nghèo tấm áo mới, cuộc hiệu triệu “hành quân thần tốc” của toàn quốc hướng về Điện Biên chỉ 10 tháng qua đã chung tay kiến tạo 5.000 ngôi nhà mới vững chãi, xóa bỏ nhà tạm. Khí thế và nghĩa tình của người dân cả nước đã làm bừng sáng từng triền núi, bản làng sơn cước Điện Biên với nòng cốt huy động là MTTQ các cấp, góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội, giữ vững biên ải Tây Bắc và ấm lòng đồng bào xứ núi.
Nỗ lực thoát nghèo ấn tượng với hàng loạt giải pháp và là cốt lõi của các Nghị quyết từ nhiều kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh, năm 2023 Điện Biên đã đạt thu ngân sách hơn 1.600 tỷ đồng. Ông Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, hiện tỷ lệ nghèo của tỉnh còn 25% (còn hơn 36.000 hộ), giảm 10% so với trước đó 3 năm, và hiện toàn tỉnh đã có 21/215 xã đạt chuẩn Nông thôn mới và 29/215 xã cơ bản đạt chuẩn. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm 2023 tăng trưởng tích cực, ước đạt hơn 18.000 tỷ đồng, tăng 13,26%. Năm ngoái toàn tỉnh có 135 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 1.200 tỷ đồng. Mục tiêu năm nay, Điện Biên phấn đấu tốc độ tăng trưởng 10,5%, tổng thu ngân sách địa bàn trên 1.900 tỷ đồng. Không còn là ước mơ, năm nay Điện Biên hoàn toàn có thể cán đích thu nhập xã hội từ du lịch tới 2.200 tỷ đồng với lượng khách 1,3 triệu người và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 23.900 tỷ đồng.