Khó khăn về thông tin thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu... vẫn là rào cản, thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa khi hội nhập kinh tế. Đó là băn khoăn của hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hội nghị Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng cơ hội thực thi hiệu quả EVFTA được Bộ Công thương tổ chức sáng 5/6 tại Hà Nội.
Sân chơi EVFTA đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư lớn. Ảnh: Quang Vinh.
Nhiều cơ hội
Nhận định về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, với EVFTA, lần đầu tiên chúng ta đạt tới tỉ lệ ưu đãi cao nhất trong số các đối tác thương mại của Việt Nam. Trong vòng 7 năm đầu tiên khi thực thi Hiệp định, việc cắt giảm thuế quan cho các mặt hàng sản phẩm của Việt Nam sang EU lên tới 97%.
“Bên cạnh đó, những thuận lợi về cải cách thể chế và cơ chế hợp tác song phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện để chúng ta khẳng định vị thế trung tâm của khu vực trong việc thu hút đầu tư để tiếp tục cải thiện trình độ công nghệ, trình độ nguồn nhân lực, năng suất lao động. Thêm vào đó là những cơ hội tham gia vào tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng mới đang bị đứt gãy do Covid-19 và những tình huống mới trong bối cảnh chung của khu vực và toàn cầu...” – ông Trần Tuấn Anh cho hay.
Dù khẳng định có khá nhiều thuận lợi mà EVFTA mang lại, song ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (VinaSME) cho rằng, những thách thức đối với các DN Việt Nam tại sân chơi EVFTA là không hề nhỏ.
“EVFTA sẽ là một sân chơi thương mại giữa EU và Việt Nam. Nói đến sân chơi sẽ có kẻ thắng, người thua. Do vậy, nếu như không thay đổi và thích ứng kịp thời khi thực thi Hiệp định, DN sẽ khó tồn tại ở sân chơi lớn này...” – Chủ tịch VinaSME nhấn mạnh.
Nói đến thị trường EU là nói đến thị trường đầy tiềm năng với sự góp mặt của 27 quốc gia (dân số hơn 450 triệu người, thu nhập bình quân đầu người khoảng 36.000 USD). Song, đây lại là một thị trường rất khó tính, đòi hỏi về chất lượng sản phẩm cao.
Chính vì vậy thách thức là không nhỏ đối với các DN Việt Nam. Một loạt những thách thức lớn là những rào cản kỹ thuật (an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, quy tắc ứng xử, các quy định về bảo vệ môi trường, về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu vào EU...) sẽ gây không ít khó khăn cho các DN Việt Nam.
“Cánh cửa” EVFTA đã mở rất rộng, chúng ta đã gần như bước cả hai chân vào thị trường này, song dường như cộng đồng DN nhỏ và vừa vẫn đang rất thiếu thông tin, đặc biệt là thông tin quy định về hàng hóa XNK vào thị trường này.
Nhưng cũng không ít thách thức
Theo ông Thân, hiện nay đa phần các DN Việt Nam đều quen với cách tiếp cận thông tin qua các trang website của Việt Nam giới thiệu về đất nước, về thị trường EU. Song, các trang web này nhiều khi không được cập nhật thường xuyên, dẫn đến lượng thông tin có hạn, thậm chí là lạc hậu dẫn đến phán đoán sai thị trường của DN. Vì thế, DN khó nắm bắt được những thông tin cần thiết, tức thời về các vấn đề thị trường, nhu cầu về hàng hóa nhập khẩu cũng như các quy định về hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU.
“Chính vì thiếu thông tin về thị trường, về người tiêu dùng tại các nước EU, cũng như các quy định đối với hàng hóa nhập khẩu vào EU nên hiện nay hầu như các DN Việt Nam đều chưa sẵn sàng để bắt đầu cuộc chơi EVFTA lớn này...” – ông Thân nói.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, 98% DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa, với quy mô vốn nhỏ, khả năng quản trị thấp... sẽ là những lực cản khiến cho việc tiếp cận thị trường châu Âu của các DN khó khăn hơn. Điều này được ông Nguyễn Kim Hùng -Viện phó Viện Khoa học quản trị DN nhỏ và vừa nhấn mạnh khi cho rằng, sân chơi EVFTA này đòi hỏi các DN phải đầu tư lớn, phải có sự kết nối mạnh và nguồn nhân lực chất lượng cao. Song tất cả những yếu tố này dường như đang rất thiếu đối với hầu hết DN nhỏ và vừa của Việt Nam.
Ngoài ra, tình trạng phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng là một điểm yếu “ngáng chân” các DN bước vào EVFTA. Chia sẻ về vấn đề này, đại diện một DN xuất khẩu thủ công mỹ nghệ tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, kim ngạch xuất khẩu các ngành mũi nhọn như dệt may, da giày... hàng năm rất lớn, song giá giá trị xuất khẩu không cao là bởi tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa đóng góp vào kim ngạch này rất khiêm tốn.
Điều này dẫn đến câu chuyện đáng buồn là khi thế giới có biến cố như đại dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta chứng kiến sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng khiến cho các DN gần như ngưng trệ sản xuất, phải hủy hàng loạt các hợp đồng xuất khẩu, thiệt hại là không hề nhỏ. Bởi vậy, xu hướng tới đây, chúng ta phải đẩy mạnh sản xuất nội địa để không phải phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu, tránh những nguy cơ khi thị trường thế giới gặp những rủi ro.