Đêm 12/3, Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2016 chính thức khai mạc tại xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk). Đây là một trong những lễ hội đặc sắc của đồng bào các dân tộc Buôn Đôn, vùng đất huyền thoại, nơi giao thoa văn hóa của người cộng đồng các dân tộc M’nông, Êđê, Lào…
Khai mạc lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn.
Lễ hội là dịp để các dân tộc huyện Buôn Đôn tăng cường khối đại đoàn kết, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và mong muốn giới thiệu đến du khách xa gần, trong và ngoài nước những nét đặc sắc của vùng đất mang đậm Sử thi và cồng chiêng. Nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc do nghệ nhân, diễn viên cả các buôn làng biểu diễn đã mang lại cho du khách nhiều cảm xúc khó quên.
Thực hiện Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức lễ hội, một trong những nghi thức tồn tại hàng trăm nay của người dân nơi đây là Lễ đâm trâu năm nay đã không tái hiện cảnh đâm trâu như các lễ hội trước mà thay thế bằng hình thức phù hợp nhưng vẫn đảm bảo ý nghĩa của lễ hội.
Trai làng khỏe mạnh và thầy cúng mang lễ vật ra bến nước cúng bến nước.
Trước đó, trong buổi chiều cùng ngày để tưởng nhớ các vị tiền bối đã có công lập buôn làng và cầu xin thần linh ban sức khỏe cho bà con, già làng, người có uy tín trong cộng đồng đã tiến hành Lễ cúng bến nước. Đây là một trong những nghi lễ rất quan trọng đối với người Tây Nguyên.
Họ quan niệm nước còn quan trọng hơn cả cơm ăn, áo mặc. Không ăn cơm còn sống được cả tháng trời, không có áo mặt thì chỉ bị lạnh thôi, còn không có nước thì không thể sống được. Do đó Thần nước được người Tây Nguyên thờ cúng long trọng, và vô cùng linh thiêng. Cũng chính vì vậy mà ngay từ khi tìm đất lập làng, người Tây Nguyên bao giờ cũng quan tâm tìm nguồn nước. Một nguồn nước dồi dào, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất chính là nơi người Tây Nguyên chọn là nơi lập làng…
Các thầy cúng chuẩn bị lễ vật cho lễ cúng.
Buôn Đôn là vùng đất gắn liền với nơi phát tích của nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng vì vậy Lễ cúng sức khẻo cho voi là nghi lễ không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân. Với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, con voi là đầu cơ nghiệp, là người bạn thân thiết mà Yàng đã ban cho họ… Trong sinh hoạt hàng ngày, voi luôn đỡ đần, thay thế con người gánh vác những phần việc nặng nhọc. Còn trong những ngày hội, voi không chỉ là niềm vinh hạnh của gia đình mà còn là niềm tự hào của cả cộng đồng; vì thế, sức khỏe của voi rất quan trọng, là do Yàng ban cho. Chính vì vậy, việc cúng cầu sức khỏe cho voi rất được bà con coi trọng…
Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2016, diễn ra từ ngày 12 đến ngày 14/3, với rất nhiều hoạt động như: lễ cúng bến nước; lễ cúng sức khỏe cho voi; lễ ăn trâu mừng mùa; liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ, nhạc cụ các dân tộc; trình diễn trang phục các dân tộc và các trò chơi dân gian văn hóa truyền thống tại địa phương. Đặc biệt, điểm nhấn của lễ hội là Hội voi có 18 con voi được huy động để tham gia các hoạt động thi voi chạy, voi bơi qua sông Sêrêpốk, voi đá bóng…
Thầy cúng là lễ cúng sức khoẻ cho voi.