Sau 3 tuần diễn ra liên tục với 33 vở diễn, Liên hoan nghệ thuật sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân” đã chính thức khép lại. Đây cũng được xem là ngày hội của những người làm sân khấu sau một thời gian dài phải “đóng băng” vì dịch Covid-19. Nhưng chưa vui đã lại buồn.
Niềm vui “ngày hội”
Diễn ra từ ngày 16/7 đến 2/8, Liên hoan nghệ thuật sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân” lần thứ IV 2020 có sự tham gia của gần 1.000 cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên đến từ 27 Nhà hát, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trên cả nước. Liên hoan có 33 vở diễn thuộc các loại hình nghệ thuật gồm chèo, cải lương, dân ca kịch, kịch nói. Liên hoan không chỉ có các đơn vị công lập, mà còn có cả những đơn vị sân khấu xã hội hóa, được tập hợp bởi những tấm lòng nhiệt huyết với nghề. Dù chất lượng nghệ thuật chưa thực sự đồng đều, một số vở diễn còn có những hạn chế nhất định, nhưng mỗi tác phẩm dự thi đều thể hiện tình yêu với nghề, sự quý trọng công chúng khán giả và đặc biệt là đáp ứng được nhiệm vụ chính trị mà BTC đề ra.
Theo NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội đồng giám khảo: Một số vở diễn đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho khán giả như “Bộ cảnh phục”, “Tái sinh”, “Vụ án Am Bụt Mọc”, “Tiếng chuông”, “Nhân danh công lý”, “Sóng ngầm”... Trong quá trình dàn dựng, hoàn thành tác phẩm, đội ngũ tác giả, đạo diễn, diễn viên luôn nghiên cứu, tìm hiểu về nghiệp của ngành, tìm hiểu những khó khăn gian khổ, sự hy sinh mất mát của người chiến sĩ CAND trên các mặt trận phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an ninh, an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước.
Cũng theo NSND Trần Ngọc Giàu, từ sự thấu hiểu này, thông qua vở diễn và diễn xuất của mình, các nghệ sĩ đã truyền giao, quảng bá đến khán giả những giá trị tốt đẹp, sự cảm thông, chia sẻ trân quý hơn đối với người cán bộ, chiến sĩ CAND. “Cũng qua các tác phẩm nghệ thuật, mỗi chiến sĩ CAND sẽ nhìn thấy mình, soi lại mình để yêu quý, tự hào về con đường mình đã chọn “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Đây là thành công lớn nhất mà Liên hoan đạt được” NSND Trần Ngọc Giàu nhấn mạnh.
Với kết quả trên, BTC Liên hoan đã trao tặng 7 HCV, 9 HCB cho vở diễn; trao tặng 59 HCV, 72 HCB cho các nghệ sĩ. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao Giải Đạo diễn xuất sắc cho NSƯT Bùi Như Lai (đạo diễn vở “Tái Sinh” của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội), Giải Tác giả xuất sắc cho Trung tướng, nhà văn Hữu Ước (tác giả vở “Tiếng chuông” của đoàn Chèo Hưng Yên); Giải Họa sĩ xuất sắc cho họa sĩ Trần Hồng Vân (họa sĩ vở “Lằn ranh” của Nhà hát Kịch Thành phố Hồ Chí Minh), Giải Nhạc sĩ xuất sắc cho NSƯT Bùi Đình Đắc (nhạc sĩ vở “Vụ án Am Bụt Mọc” của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ); Giải Diễn viên thể hiện xuất sắc hình tượng người chiến sĩ CAND - diễn viên Ngô Lệ Quyên, vai Thanh trong vở “Bộ cảnh phục” của Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam.
Khoảng lặng buồn
Tại thời điểm diễn ra lễ bế mạc Liên hoan cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Việt Nam. Các sân khấu sau khi được biểu diễn trở lại sau một thời gian dài giãn cách xã hội đang có nguy cơ phải “đóng băng” bởi dịch bệnh. Đơn cử, Nhà hát Tuổi trẻ mới đây đã phải dừng toàn bộ các hoạt động biểu diễn và hoàn lại vé cho khán giả. Chương trình kỷ niệm 32 năm ngày mất của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, nhà hát phải phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam để thực hiện ghi hình rồi phát sóng chứ không thể thực hiện được trực tiếp như kế hoạch ban đầu.
Theo NSƯT Chí Trung, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: Việc hoãn các chương trình biểu diễn sẽ không tránh khỏi tổn thất về kinh tế. Nhưng may mắn là tinh thần của anh chị em nghệ sĩ không bị dao động nhiều như trước. Mọi người vẫn chăm chỉ tập luyện theo kịp kế hoạch đã đề ra. Nếu mọi thứ tốt đẹp, ngay sau khi kiểm soát được dịch, nhà hát sẽ ra 4 chương trình và chùm kịch ngắn về Covid-19.
Bên cạnh yếu tố về Covid-19, chất lượng nghệ thuật của Liên hoan cũng đang để lại nhiều trăn trở cho những người làm nghề. Về kịch bản, đã xuất hiện tình trạng 1 kịch bản có tới 2 - 3 đơn vị ở các loại hình khác nhau cùng dàn dựng. Như kịch bản “Vụ án Am Bụt Mọc” của tác giả Lê Minh Nguyệt được 3 đơn vị dựng thành 3 tác phẩm. Rất may là, do khác nhau về loại hình (gồm dân ca kịch, cải lương, kịch nói) và đạo diễn nên đã tránh được sự trùng lặp trong thể hiện.
Bên cạnh đó, một số vở diễn có nội dung về công an, có công an, thậm chí có nhiều chiến sĩ công an, nhưng hình tượng người chiến sĩ công an lại không có hoặc có nhưng không rõ nét. Đây là thực sự là vấn đề nan giải bởi nguồn kịch bản khá khan hiếm hiện nay của sân khấu. Mục đích Liên hoan giúp các nghệ sĩ lâu năm khẳng định mình và là nơi phát hiện một số gương mặt đầy triển vọng nên có tình trạng đạo diễn cố tạo ra lớp diễn cho diễn viên nhưng khó hoàn chỉnh vì không gắn kết được với nội dung và tính toàn vẹn của vở diễn.
Đặc biệt, từ sau Liên hoan rất nhiều ý kiến được đặt ra từ cách thức tổ chức liên hoan cũng như cách lựa chọn giám khảo, trao giải của các cuộc liên hoan nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp. Về góc độ những người làm chuyên môn, một số ý kiến từ phía các nghệ sĩ cho rằng, 7 vở diễn được BGK trao HCV cũng có vở đi theo lối mòn, không nhiều sáng tạo. Có vở diễn được trao HCV nhưng chưa hẳn đã thuyết phục, có chăng là thể hiện sự hoàn chỉnh, sạch sẽ, nhưng lại thiếu đi hơi thở của cuộc sống, thiếu sức hấp dẫn công chúng.
Ngoài ra, nhiều nhà chuyên môn, tác giả, khán giả thấy tiếc cho “Bộ cảnh phục” của Nhà hát Tuổi Trẻ, “Bão ngầm” của Nhà hát Cải lương Việt Nam... mặc dù đứng đầu danh sách các vở được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao nhưng rốt cuộc chỉ được trao HCB.Minh Quân
Bên cạnh yếu tố về Covid-19, chất lượng nghệ thuật của Liên hoan cũng để lại nhiều trăn trở cho những người làm nghề. Về kịch bản, đã xuất hiện tình trạng 1 kịch bản có tới 2 - 3 đơn vị ở các loại hình khác nhau cùng dàn dựng. Một số vở diễn có nội dung về công an, có công an, thậm chí có nhiều chiến sĩ công an, nhưng hình tượng người chiến sĩ công an lại không có hoặc có nhưng không rõ nét. Đặc biệt, từ sau Liên hoan rất nhiều ý kiến được đặt ra từ cách thức tổ chức liên hoan cũng như cách lựa chọn giám khảo, trao giải của các cuộc liên hoan nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp.
Về góc độ những người làm chuyên môn, một số ý kiến từ phía các nghệ sĩ cho rằng, 7 vở diễn được BGK trao HCV cũng có vở đi theo lối mòn, không nhiều sáng tạo. Có vở diễn được trao HCV nhưng chưa hẳn đã thuyết phục, có chăng là thể hiện sự hoàn chỉnh, sạch sẽ, nhưng lại thiếu đi hơi thở của cuộc sống, thiếu sức hấp dẫn công chúng.