Buông quyền lợi riêng để cải thiện môi trường đầu tư

Lục Bình (thực hiện) 21/05/2016 06:57

Cán bộ nhũng nhiễu, bộ ngành nào cũng muốn giữ quyền lợi thì khó cải thiện môi trường đàu tư. Muốn tinh thần cải cách của Thủ tướng thấm tới bộ ngành, địa phương dứt khoát phải truy trách nhiệm đến cùng- theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung. 

Ông Nguyễn Đình Cung.

PV: Vì sao ông cho rằng tinh thần cải cách của Nghị quyết 19 chưa thực sự thấm đến các bộ ngành, địa phương dù một số chỉ số về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có cải thiện?

Ông Nguyễn Đình Cung: Không ít các chỉ số của Việt Nam đã cải thiện sau 2 năm Chính phủ ban hành Nghị quyết 19, điều này đã khiến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, sự cải thiện này vẫn còn kém xa các nước trong khu vực.

Điều đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục. Trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt trong công cuộc hội nhập, nếu doanh nghiệp còn gặp nhiều rào cản như vậy làm sao nâng cao được sức cạnh tranh.

Ông có nói một số bộ ngành không muốn đẩy nhanh tiến trình cải cách vì không muốn buông quyền lợi của mình, ông có thể đưa ra dẫn chứng?

- Tôi có đi khảo sát cơ chế một cửa quốc gia trong năm vừa qua. Xét về thủ tục có 23/100 thủ tục được kết nối trên cơ chế một cửa quốc gia. Điều này có nghĩa là ¼ thủ tục đã được kết nối, tuy nhiên những thủ tục đã được kết nối lại là những thủ tục ít ảnh hưởng đến doanh nghiệp, ít thay đổi đến quyền, nhiệm vụ của các bộ.

Có lẽ cần có sự thay đổi một cách thực chất hơn, tìm ra những thủ tục tác động nhiều nhất đến cộng đồng doanh nghiệp để thúc đẩy kết nối trước, còn thủ tục đơn giản khác thì làm sau. Theo tôi các bộ ngành phải mạnh mẽ hơn, thực chất hơn để thúc đẩy quá trình cải cách.

Phải có căn cứ pháp lý, có chế tài rõ ràng để tránh chuyện bộ ngành cứ muốn ôm quyền lợi cục bộ, thưa ông?

- Tôi cho rằng, người đứng đầu phải biết vướng gì, vướng ở đâu để gỡ. Thực ra giờ chúng ta đã biết vướng ở đâu, vấn đề gì, do ai… Vấn đề lúc này là triển khai thực hiện thôi. Giờ chúng ta đã liệt kê ra 196 văn bản từ luật, nghị định đến thông tư,và kiến nghị sửa đến 87 văn bản… quan trọng nhất là thông tư nằm trong thẩm quyền của các bộ. Tóm lại nếu thay đổi được những văn bản đã được nêu này thì đã là bước tiến vượt bậc rồi.

Việc bộ ngành, địa phương cố tình chây ì không chịu buông quyền lợi không thể cứ nói chung chung, phải tìm ra “thủ phạm”, thưa ông?

- Sự trì trệ thờ ơ của cán bộ chính là khó khăn nhất kéo chậm bánh xe cải cách. Hy vọng lần này, với tinh thần mới của Chính phủ cam kết rất mạnh mẽ cải thiện môi trường kinh doanh tháo bỏ rào cản, giảm chi phí, giảm rủi ro, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thì sự thờ ơ và trì trệ đó sẽ mất dần, thay vào đó là sự tích cực, chủ động phục vụ tốt hơn.

Muốn làm được điều này với tư cách là cơ quan theo dõi, giám sát chúng tôi sẽ tiếp tục theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm. Tôi cho rằng báo chí, doanh nghiệp có tác động tích cực trong việc truy đến cùng trách nhiệm buộc các cán bộ phải chuyển.

Căn cứ nào mà ông cho rằng môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam sẽ chuyển động dù tiến trình cải cách chúng ta đã thực hiện từ rất lâu rồi?

- Tôi rất kỳ vọng vào Nghị quyết 19 lần 3 vừa được Chính phủ ban hành. Với những vấn đề rất cụ thể, rõ ràng giao cho từng bộ, ngành địa phương sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chẳng hạn, Nghị quyết giao chỉ tiêu cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư 8 nhiệm vụ, Bộ Công thương 10, Tài chính 6 nhiệm vụ…Những nhiệm vụ này gắn với sự thay đổi cải cách quy định văn bản quy phạm pháp luật mà trên thực tế nó đã gây phí tổn, phiền hà cho doanh nghiệp.

Thứ hai, trong triển khai thực hiện giao nhiệu vụ cụ thể Văn phòng Chính phủ sẽ phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên theo dõi đánh giá, báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ để có những chỉ đạo kịp thời bám sát mục tiêu đã được nêu ra trong Nghị quyết.

Thứ ba, Chính phủ sẽ lập các đoàn kiểm tra trực tiếp đến kiểm tra ở các bộ, ngành và UBND các tỉnh thành. Ở cấp địa phương có thể nói 2 Nghị quyết trước thì giao nhiệm vụ không rõ ràng lắm, nhưng lần này đã nói rõ nhiệm vụ cụ thể để UBND cấp tỉnh phải gắn kết việc triển khai Nghị quyết 19 với việc cải thiện chỉ số PCI với tinh thần đổi mới, cam kết mới, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ như Thủ tướng cam kết nhiều lần trong các hội nghị, văn bản gần đây.

Tinh thần đó được quán triệt trong thực hiện Nghị quyết 19 năm 2016 và cả Nghị quyết 35 về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp. Với tinh thần mới, nhiều thay đổi, tôi hy vọng lần này sẽ thực hiện tốt hơn, môi trường kinh doanh đươc cải thiện. Tôi kỳ vọng những ách tắc trong thủ tục thông quan, sự kêu ca của người dân và doanh nghiệp về thủ tục trong lĩnh vực đất đai, cấp phép xây dựng…sẽ được rút ngắn trong tương lai gần.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Buông quyền lợi riêng để cải thiện môi trường đầu tư